Hà Nội: Từ cuộc gọi điện thoại bị lừa tiền tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo bản tường trình của một phụ nữ 40 tuổi, là giáo viên tại Hà Nội thì chiều 9/10, chị nhận được cuộc gọi giới thiệu là “Cảnh sát điều tra Công an TP HCM” thông báo chị có liên quan đến vụ án bắt cóc trẻ em và rửa tiền xảy ra ở TP HCM. Sau đó, chị này được nối máy nói chuyện với một người tự giới thiệu là “Cảnh sát điều tra Công an TP HCM”.
Hà Nội: Từ cuộc gọi điện thoại bị lừa tiền tỷ

Người này thông báo chứng minh nhân dân của chị đã được sử dụng để mở tài khoản tại ngân hàng SCB, MB, BIDV… Đồng thời, chị có liên quan đến vụ án bắt cóc trẻ em và rửa tiền. Người này cho rằng “cấp bậc của tôi không đủ thẩm quyền giải quyết vụ án nên sẽ nối máy đến cấp cao hơn là Đại tá, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra Công an TP HCM để tiếp tục trao đổi, giải quyết”. Anh ta “đề nghị chị chuyển sang liên hệ bằng mạng xã hội Viber để đảm bảo tính bảo mật”.

“Tiếp đến, một người tự xưng là Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm Công an TP HCM gọi điện cho tôi và giới thiệu mình được VKS giao cho điều tra chuyên án mật và tôi đang là nghi phạm thực hiện hành vi rửa tiền nên đã bị phát lệnh tạm giam”, lời người tố cáo.

Trong quá trình trao đổi, đối tượng liên tục nhắc chị “phải giữ bí mật toàn bộ câu chuyện vì đây là chuyên án lớn có liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao của Bộ Công an; nếu chị tiết lộ sẽ bị phạt tù và gia đình sẽ bị đối tượng xã hội đen uy hiếp để bắt chị nhận tội”.

Đối tượng nói với chị này cần phải kê khai tài sản và hướng dẫn chị mở 1 tài khoản đứng tên chị tại Ngân hàng BIDV; yêu cầu chị phải chuyển hết số tiền hiện tại chị có vào tài khoản vừa mở. Chưa dừng lại, người này bị cho là còn ép chị phải đi vay mượn thêm để đủ số tiền cần kiểm tra. Tiếp theo, đối tượng nói sẽ phong tỏa tài khoản của chị khi nào kiểm tra xong sẽ mở tài khoản để chị trả lại tiền cho mọi người.

“Bị dồn ép liên tục, tôi đã làm theo những yêu cầu của đối tượng. Sáng 12/10, tôi ra ngân hàng kiểm tra thì thấy tài khoản của mình tại Ngân hàng BIDV đã bị chuyển đi gần 1 tỷ đồng”, nạn nhân kể. Lúc này, biết bị lừa, chị đến cơ quan công an để trình báo.

Về phía lực lượng chức năng, nhận định: “Tội phạm lừa đảo qua mạng là vấn đề “nóng”, có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi với việc dàn dựng sẵn kịch bản và dùng các thủ đoạn như dụ dỗ, dọa nạt, đe dọa… khiến người dân hoang mang, lo sợ, sau đó chúng đã lợi dụng lúc người dân sơ sảy để chiếm đoạt tài sản”.

“Mỗi người dân hãy luôn nâng cao cảnh giác, đừng bao giờ chủ quan trước các số máy lạ, đặt ra yêu cầu lạ. Khi tiếp nhận thông tin khó hiểu qua điện thoại, điều cần thiết nhất là chia sẻ với người thân và liên hệ cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn”, một điều tra viên Công an TP Hà Nội khuyến cáo.

Đọc thêm