Nhiều dấu ấn nổi bật
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 đánh dấu một bước phát triển mới của Thủ đô Hà Nội, với nhiều kết quả quan trọng, tiếp nối truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, TP vì hòa bình, xứng đáng với danh hiệu TP sáng tạo.
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP đi vào cuộc sống.
Thành ủy đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Nổi bật là kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán; lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1%/năm, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%.
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực. Triển khai và cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2019 đạt 86%. TP đã hoàn thành Chương trình một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây.
Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới; các tuyến phố được chỉnh trang, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hà Nội đã tập trung khắc phục cơ bản tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo; xử lý ô nhiễm môi trường các hồ; bảo đảm an toàn lưới điện, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt; các chỉ số cung ứng điện được cải thiện đáng kể; đầu tư hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng từ 95-98%. Trật tự, an toàn giao thông được duy trì.
Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, việc xây dựng nông thôn mới đã được Hà Nội tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đạt kết quả toàn diện, nổi bật. Đến cuối năm 2020, TP có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước.
Hà Nội cũng đã bước đầu hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất an toàn thực phẩm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần năm 2016. Việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt nhiều kết quả tích cực. Hà Nội cũng đã phát huy tiềm năng, thế mạnh và phát triển, sáng tạo các giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại.
Đây là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “TP sáng tạo” của UNESCO - một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng TP thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô.
Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, TP lớn trên thế giới...
|
Phiên trù bị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội chiều 11/10. |
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết Trung ương (4, 6, 7 khóa XI, XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt kết quả toàn diện và quan trọng, củng cố các cơ sở đảng yếu kém, giải quyết tốt nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, tạo nền tảng xây dựng Đảng bộ TP trong sạch, vững mạnh. Các khâu đột phá được tích cực thực hiện. Đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra.
Đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả tích cực.
Cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2030
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đánh dấu một bước phát triển mới của Thủ đô Hà Nội, với nhiều kết quả quan trọng, tiếp nối truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, TP vì hòa bình, xứng đáng với danh hiệu TP sáng tạo.
Trên cơ sở đó, TP Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “Xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là TP kết nối toàn cầu, sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD/người.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Báo cáo chính trị trình Đại hội đề ra bốn nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực. TP Hà Nội cũng đề ra năm định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, TP Hà Nội đề ra ba khâu đột phá.
Khâu đầu tiên là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc mang đặc trưng của Thủ đô.
Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Khâu đột phá thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch...
14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 cũng được đề ra rất cụ thể. Trong đó, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ TP trong sạch, vững mạnh được đặt lên hàng đầu.
Cùng với đó là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững; phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Chia sẻ với báo chí trước thềm Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, điểm mới nhiệm kỳ tới là thực hiện Chương trình hành động; Thành ủy sẽ ban hành và thực hiện các chương trình công tác ngay sau Đại hội, khắc phục căn bản độ trễ quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Ngoài 8 chương trình như kỳ trước, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành thêm một số chương trình công tác mới, giúp cho Hà Nội phát triển đồng đều, nhanh và bền vững hơn. “Trên nền tảng các giải pháp lớn đó, tôi tin tưởng rằng Hà Nội sẽ thực hiện thành công các mục tiêu đã đặt ra, không chỉ để Hà Nội phồn thịnh mà còn vì sự phát triển của cả nước”- ông Huệ nhấn mạnh.
Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất với 50 tổ chức đảng trực thuộc và gần 10% đảng viên của cả nước, có truyền thống đoàn kết, trí tuệ và bản lĩnh.
Với vị trí như vậy, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII với chủ đề “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội.
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.