Sáng nay - 4/3, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau sự cố Formosa năm 2016 đến nay, Hà Tĩnh có sự phát triển toàn diện, nhiều ấn tượng.
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, GRDP bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng, cao nhất Bắc Trung Bộ. Tỉnh đạt tăng trưởng kinh tế cao, cao nhất khu vực bắc miền Trung; tiếp tục là động lực tăng trưởng của khu vực…
Hai tháng qua, Hà Tĩnh duy trì phát triển tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 96,64% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 2 tháng đầu năm đạt 2.849 tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2019.
|
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. |
Thủ tướng nhìn nhận kết quả nói trên là nhờ sự phấn đấu quyết liệt của Hà Tĩnh khi tháng 1 chỉ có 18 ngày làm việc và dịch COVID-19 diễn ra. Đây là bài học kinh nghiệm cho các địa phương và “từng địa phương phải phấn đấu thì mới đóng góp vào thực hiện kế hoạch năm 2020”, phải thực hiện được mục tiêu kép là phòng chống dịch tốt và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương khác cần học tập kinh nghiệm từ Hà Tĩnh, “chứ đừng nói tác động của dịch bệnh, chúng tôi không thể làm việc được”.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu, nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Hà Tĩnh để tỉnh nhận thức rõ và có giải pháp khắc phục thời gian tới.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện một số cơ quan Trung ương và các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. |
Đề cập phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đặt ra vấn đề "tìm ra một lợi thế cho Hà Tĩnh" trước ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, các Hiệp định tự do thương mại đến hoạt động kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh nói chung và của từng người dân và doanh nghiệp tại tỉnh nói riêng
Thủ tướng nêu rõ. “Chúng tôi rất mong GRDP bình quân đầu người của Hà Tĩnh nằm trong 20 tỉnh hàng đầu của cả nước” và tin rằng, Hà Tĩnh có thể đạt được mục tiêu này.
Để thực hiện mục tiêu ấy, Hà Tĩnh phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Ngay trong năm 2020, cần thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị tỉnh phấn đấu trước năm 2025 phải tự cân đối được ngân sách. Phải tập trung tháo gỡ, thúc đẩy xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trọng điểm trên địa bàn.
Có biện pháp phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, cần chú ý đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, nhất là những nguy cơ gây ô nhiễm để xây dựng Hà Tĩnh có kinh tế phát triển và môi trường tốt.
Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục sắp xếp lại, tinh giản bộ máy, cải cách hành chính; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, văn hóa, y tế, khoa học công nghệ. Thủ tướng lưu ý, giai đoạn này, tỉnh phải tích cực, chủ động phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh lây lan.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến chỉ đạo về một số kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh trên tinh thần yêu cầu các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển.
Năm nay, Hà Tĩnh, một tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, phấn đấu tăng trưởng ở mức 2 con số (10,5-11%). Trong 10 năm tới, Hà Tĩnh đặt mục tiêu vào TOP 20 tỉnh hàng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người.
Tỉnh xác định “Bốn trụ cột - Ba đô thị - Ba hành lang - Một trung tâm - Ba nền tảng” làm trọng điểm phát triển chiến lược giai đoạn 2021- 2030.
Cụ thể, 4 trụ cột của Hà Tĩnh là công nghiệp (là động lực phát triển, tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy thép lên 15 triệu tấn/năm); du lịch và thương mại; dịch vụ cảng, dịch vụ hậu cần (logistics) và vận tải (lĩnh vực mới có triển vọng lâu dài, cần được đầu tư kịp thời) và nông nghiệp.
Ba đô thị động lực theo trục Bắc Nam bao gồm: Thị xã Hồng Lĩnh kết nối với huyện Nghi Xuân - đô thị phía Bắc Hà Tĩnh; TP Hà Tĩnh; thị xã Kỳ Anh gắn với trung tâm phát triển Khu kinh tế Vũng Áng là vùng đô thị động lực phía Nam.
Một trung tâm động lực tăng trưởng là Khu kinh tế Vũng Áng với lõi là Khu công nghiệp Vũng Áng - cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, trở thành cửa ngõ ra biển vùng Bắc Trung Bộ và Lào, Đông Bắc Thái Lan.