Hai cha con cùng được công nhận kỷ lục gia nhiếp ảnh

(PLO) - Với hơn 1.000 bức ảnh về cuộc kháng chiến chống Pháp lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn được xem là người có nhiều đóng góp cho nền cách mạng Việt Nam. Từ những đóng góp quan trọng đó, sắp tới, ông sẽ được nhận kỷ lục: Người đầu tiên chụp ảnh phóng sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nghệ An. Nhưng ít ai biết rằng cách đây 4 năm, con trai của ông, nhiếp ảnh gia – nhà báo Ngô Minh Đạo cũng vinh dự được trao tặng Bằng xác lập kỷ lục với bộ sách ảnh: “Nhìn từ cánh bay non nước Việt”.
Năm 2014, nhà báo - nhiếp ảnh gia Minh Đạo đã được trao tặng “Bằng Xác lập kỷ lục quốc gia cho những bức ảnh phong cảnh nước Việt chụp từ trên cao”
Năm 2014, nhà báo - nhiếp ảnh gia Minh Đạo đã được trao tặng “Bằng Xác lập kỷ lục quốc gia cho những bức ảnh phong cảnh nước Việt chụp từ trên cao”

“Đóng khung” khoảnh khắc lịch sử  

Sinh ra tại làng biển Quỳnh Sơn, nay thuộc xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn, tên thật là Ngô Đức Đẩu (1911- 1972) lại có niềm đam mê đặc biệt với nhiếp ảnh. Do vậy, đầu những năm 30 của thế kỷ trước, ông đã vào Sài Gòn học nghề ảnh và làm thuê cho các hiệu ảnh ở đây. 

Năm 25 tuổi, ông quyết định trở về Nghệ An sinh sống bằng nghề nhiếp ảnh. Tại thị trấn Cầu Giát, hiệu ảnh mang tên ông luôn nườm nượp khách, bởi lẽ ông chủ tiệm rất tài hoa và có phong cách nghệ sỹ.

Điều đặc biệt, ngoài những bức ảnh để sinh nhai, ông chủ Quỳnh Sơn còn có ý thức trách nhiệm công dân của mình. Với tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sỹ cùng trái tim tâm huyết của người dân khi đất nước lâm cảnh chiến tranh, ông đã xông pha nhiều chiến trường. Để thực hiện những chuyến đi đó, ông phải tạm đóng cửa hiệu ảnh, bỏ tiền túi, mang theo chiếc máy ảnh quý giá của mình. 

Nghệ An thời kháng chiến chống Pháp thuộc khu 4 cũ, giặc Pháp thường xuyên sử dụng máy bay đánh phá ác liệt. Chúng còn dùng tàu thủy đổ quân lên Lạch Quèn, thẳng tay bắn giết, cướp bóc đồng bào. Để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử đó, ông không ngại gian khổ, bất chấp hiểm nguy tính mạng để cho ra đời những bức ảnh mang tính thời sự như: “Thanh niên cầu Giát tòng quân”; “Mua công trái ủng hộ kháng chiến”; “Gây quỹ Liên Việt”; “Lớp cứu thương Quỳnh Lưu”; “Cầu Giát cháy trong trận càn”…

Chân dung cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn
Chân dung cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn 

Là người chứng kiến sự đam mê hết mình của cha, ông Ngô Minh Đạo (SN 1938), nguyên phóng viên ảnh của TTXVN không bao giờ quên những hình ảnh ấy. Ông kể chuyện rằng, cha mình sẵn sàng đi bộ hàng chục cây số ở vùng có chiến sự để chụp cho được một bức ảnh. Cụ sẵn sàng đưa vợ con đi lánh nạn, rồi quay lại chụp những bức ảnh khốc liệt nhất của chiến tranh. Sự tận tâm với nghề, hơn hết là trách nhiệm với đất nước là động lực giúp nhiếp ảnh gia này luôn “sống hết mình”.

Theo ông Đạo, điều khiến những bức ảnh do cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn chụp trở nên đặc biệt là những ghi chép cụ thể, tỉ mỉ về địa điểm, thời gian diễn ra sự kiện đó. Để có được những dòng chữ trên bức ảnh, ông phải dùng bút tre châm mực tàu và phải viết ngược. Với những bức ảnh nền tối, ông viết mực đen, đến khi rửa ảnh, chữ có màu trắng.

Còn với những bức ảnh nền sáng, ông phải dùng bút thủy tinh cạo lớp nhũ tương trên phim để khi ra ảnh sẽ có màu đen. Đó là sự tỉ mỉ, cẩn trọng của người chụp ảnh, nhưng hơn hết là ý thức, trách nhiệm của người làm ảnh thời sự. 

Và nếu như nhiếp ảnh Quỳnh Sơn chụp ảnh trong kháng chiến chống Pháp, thì con trai ông, nhiếp ảnh – nhà báo Minh Đạo là người ghi lại nhiều khoảnh khắc trong kháng chiến chống Mỹ.

Một số bức ảnh do cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn ghi lại
Một số bức ảnh do cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn ghi lại

Khởi đầu là phóng viên của TTXVN, ông Đạo đã có mặt tại những chiến trường ác liệt nhất. Những thông tin bằng hình ảnh, bài viết được ông cập nhật liên tục. Ý thức được công việc mà cha mình đã làm, ông hết lòng đi theo nghiệp chụp ảnh. Trong những năm tháng sống và làm việc ở Quảng Bình ông đi hầu hết các chiến trường ác liệt: Đường 9 Nam Lào, Trị Thiên Huế để chụp những bức ảnh có giá trị cho đến tận hôm nay. 

Trong hàng nghìn bức do ông chụp, thì bức ảnh với nội dung: “Tránh máy bay địch” đã được giải thưởng hòa bình của Hội đồng hòa bình thế giới của Liên xô cũ. Bức ảnh thể hiện tinh thần miệt mài vừa sản xuất, vừa chiến đấu của quân và dân ta. “Với tôi, đó là thành quả cao quý trong suốt quá trình làm nghề. Đó cũng là động lực giúp tôi có thêm sức mạnh để theo đuổi công việc đầy gian khổ, nguy hiểm này”, ông chia sẻ. 

Hai cha con cùng đạt kỷ lục gia Việt Nam

Hăng hái xông pha ngoài chiến trận nên không ít lần tính mạng của ông bị đe dọa. Nhiếp ảnh gia Minh Đạo kể, trong quá trình làm nghề  từng trải qua những giây phút cam go, 3 lần thoát chết trong gang tấc. Lần thứ nhất năm 1966, tại đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị), lần thứ hai tại mặt trận cánh đồng Chum (ở Lào), lần thứ 3 là tại biên giới 1979.

Ở lần cuối cùng khi đang cùng một phóng viên người Nhật tác nghiệp, một quả bom phát nổ khiến đồng nghiệp tử nạn, ông may mắn thoát nạn. Tuy nằm giữa ranh giới sự sống và cái chết nhưng ông không hề nao núng, luôn sẵn sàng xông pha ở những nơi nguy hiểm để đem lại những bức ảnh, thông tin thời sự.

Được biết, trong gần 40 năm làm nghề, ông đã có cơ hội làm việc, tiếp xúc với 4 thế hệ lãnh đạo của đất nước, được đến 50 nước trên thế giới. Trong những chuyến công tác ấy, với con mắt đặc biệt, ông đã chụp nhiều bức ảnh về phong cảnh Việt Nam ở vị trí cao. Năm 2003, bộ sách ảnh “Nhìn từ cánh bay non nước Việt” của ông được ra đời. 

Nối nghiệp cha, nhiếp ảnh gia – nhà báo Minh Đạo đã có hàng nghìn bức ảnh có giá trị lịch sử
Nối nghiệp cha, nhiếp ảnh gia – nhà báo Minh Đạo đã có hàng nghìn bức ảnh có giá trị lịch sử

Đây là sách ảnh tập hợp nhiều ảnh màu và đen trắng về phong cảnh Việt Nam được chụp từ trên cao. Qua tập sách ảnh, người xem có thể cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của đất nước. Từ bức ảnh đen trắng đầu tiên chụp sông Vàm Cỏ Đông, đến bức ảnh màu làng cá Nghi Sơn - Thanh Hoá giữ lại hình ảnh làng chài mà hiện nay đã gần như biến mất.

Hay bức “Rừng ngập mặn” đã ghi lại phương thức làm nông nghiệp của người dân vùng đó, phải xẻ rãnh cho nước mặn lưu thông như thế nào. Bức ảnh “Vùng muối Quỳnh Lưu” (Nghệ An) lại cho người xem cái nhìn thấu hiểu về cuộc sống nhọc nhằn của các diêm dân quê hương ông.

Nhiếp ảnh gia Minh Đạo chia sẻ, để có những bức ảnh đó, ông đã rong ruổi suốt chiều dài đất nước từ cực Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên và cực Nam tổ quốc. Đến đâu, ông cũng chụp với lòng say mê, yêu nghề, yêu quê hương, đất nước. 

Năm 2014, sách ảnh “Nhìn từ cánh bay non nước Việt” của ông đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng “Bằng Xác lập kỷ lục sách ảnh tập hợp nhiều ảnh màu và đen trắng về phong cảnh Việt Nam được chụp từ trên cao nhiều nhất”. Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm đó, nhiếp ảnh gia Minh Đạo vẫn nhớ như in cảm xúc ấy. Ông tâm sự: “Tôi vui vì giá trị của giải thưởng, nhưng hơn hết là cảm thấy những bức ảnh mà mình dày công chụp được nhiều người biết đến”.

Từ kết quả của mình, với mong muốn những bức ảnh của người cha quá cố có giá trị hơn nên ông đã gửi hồ sơ đến tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Qua quá trình thẩm định hồ sơ, Tổ chức này xét thấy có đầy đủ cơ sở để tôn vinh Giá trị nội dung kỷ lục đến cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Quỳnh Sơn với nội dung: “Người đầu tiên chụp ảnh phóng sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nghệ An”.

Chia sẻ về niềm vui này, ông Ngô Minh Đạo cho biết, gia đình đã nhận được giấy mời tham dự sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 35 diễn ra vào ngày 26/8, tại TP HCM. “Từ khi nhận được thông tin đó, gia đình, dòng tộc đều vui mừng. Vui vì những bức ảnh của cha có giá trị, được nhiều người biết đến. Một điều trùng lặp là thời điểm cha tôi được vinh danh cũng vừa tròn 70 năm ông bấm tấm ảnh đầu tiên (năm 1948)”, ông Đào vui vẻ nói. 

Trước đó, ngày 12/9/2004, sau khi xem những bức ảnh của cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười viết: “Nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn đã đóng góp cho đất nước những hình ảnh sinh động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đây là những hình ảnh quý hiếm và ngày càng có giá trị”.

Ngoài ta, trong cuốn sách ảnh Nhiếp ảnh Nghệ An thế kỷ XX (Nhà xuất bản Nghệ An 2003) nhận xét: “Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một số nhà nhiếp ảnh Nghệ An đã bỏ phòng chụp về các vùng có phong trào cách mạng nóng bỏng để ghi lại hiện thực cuộc kháng chiến sôi động.

Nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn đã chụp được bức ảnh độc đáo về xác lính Pháp trôi dạt trên cửa Lạch Quèn - Quỳnh Lưu. Đây là người chụp ảnh thời sự đầu tiên của Nghệ An đi vào kháng chiến chống thực dân Pháp”.