Hải Dương quyết “phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt”

(PLVN) - Mặc dù ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 cũng đang đến gần và dịch COVID-19 bùng phát trở lại hết sức căng thẳng, nhưng Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã có những chia sẻ rất chân thực, sâu sắc về những ngày “cam go” mà Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã và đang trải qua khi vừa chống dịch vừa thực hiện những nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII tại địa phương diễn ra như thế nào?

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước không chỉ cho 5 năm tới, mà cho cả kỳ chiến lược 2021-2030 và tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI.

Đợt học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhưng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ, hình thức tổ chức quán triệt phù hợp nên Đảng bộ đã thực hiện đúng kế hoạch học tập, quán triệt theo Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 09/03/2021 của Bộ Chính trị.

Cụ thể, ngay trong tháng 3/ 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong Đảng bộ tỉnh. Công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, chất lượng; kết hợp tự nghiên cứu với nghe phổ biến, quán triệt.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, chỉ đạo bổ sung, xây dựng chương trình hành động của các cấp ủy.

Nội dung quán triệt tập trung chủ yếu vào những giá trị cốt lõi, những vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030…

 Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Phóng viên: Khi Đại hội XIII đang diễn ra thì dịch COVID-19 "tấn công" Hải Dương và hiện nay Hải Dương cũng đang phải đối phó khi dịch này tái bùng phát. Vậy việc học  tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã bị ảnh hưởng như thế nào, thưa Bí thư?

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng: Tại Hải Dương, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối đường truyền từ Trung ương xuống tới cơ sở (ở những nơi có điều kiện). Tại điểm cầu của tỉnh có gần 700 đại biểu, ở các điểm cầu cấp huyện, xã có trên 11.000 đại biểu tham dự.

Đối với các chi, Đảng bộ cơ sở không có đường truyền trực tuyến hoặc đã tổ chức hội nghị trực tuyến mà vẫn còn đảng viên chưa được nghiên cứu, học tập Nghị quyết do số lượng đảng viên đông và đảm bảo giãn cách phòng chống dịch bệnh COVID-19 thì cấp ủy tổ chức các hội nghị trực tiếp; trong đó, yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đều được nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thời gian hoàn thành trong quý II/2021.

Cán bộ, đảng viên sau khi dự hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết phải hoàn thành bài thu hoạch cá nhân nộp về chi bộ mình đang sinh hoạt để lưu hồ sơ đảng viên và làm căn cứ đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm.

Cùng với học tập, quán triệt đối với cán bộ, đảng viên, phải thực hiện tốt việc tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Tuyên truyền toàn diện về thành công của Đại hội, những nội dung cốt lõi, những vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; nhận diện đầy đủ những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong những năm tới.

Đặc biệt, để việc học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII thêm hiệu quả, Hải Dương sẽ tiếp tục chú trọng trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm lấy “xây làm chính”, “lấy đẹp dẹp xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; phản ánh kịp thời, toàn diện kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội tới đông đảo quần chúng nhân dân.

Phóng viên: Với vai trò và trách nhiệm là người đứng đầu, ông cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương sẽ tập trung triển khai những kế hoạch cụ thể, trọng tâm nào vào địa phương để phát triển kinh tế - xã hội?

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng: Hải Dương có vị trí rất thuận lợi, nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng và trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kề sát vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Đó là tiềm năng, lợi thế khác biệt và nổi trổi để Hải Dương tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển bứt phá, bền vững trong giai đoạn chiến lược mới - giai đoạn đổi mới toàn diện, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Xác định rõ những lợi thế khác biệt đó, Hải Dương đang trên đà phấn đấu đến  năm 2025 Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu phát triển của tỉnh "đồng hành" với mục tiêu phát triển của đất nước, với quan điểm phát triển bao trùm xuyên suốt là: "Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương" và triết lý phát triển: "Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt” đã thực sự bám sát vào các định hướng phát triển trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 Hơn 2 thế kỷ hình thành và phát triển, TP Hải Dương - đô thị trung tâm của tỉnh Hải Dương - đã là một đô thị năng động. Ảnh: VOV

Phóng viên: Bí thư của thể nói rõ hơn về một số nhiệm vụ chủ yếu sẽ được Tỉnh uỷ tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới để thực hiện các mục tiêu phát triển chung đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh?

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng:Từ quan điểm, tư duy, tầm nhìn và triết lý phát triển đã nêu, trong thời gian tới, Tỉnh uỷ tập trung sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Chủ động thích ứng với tình trạng “bình thường mới” và tập trung khắc phục ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch COVID-19 nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: Kiểm soát và phòng, chống tốt dịch bệnh COVID-19, đồng thời sớm hồi phục và lấy lại đà phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị;

Bên cạnh đó, Hải Dương sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các đô thị và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hạ tầng đồng bộ, bền vững. Tập trung đầu tư xây dựng các đô thị động lực của tỉnh trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống; đảm bảo đô thị có nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, nhiều không gian công cộng, công viên, cây xanh... để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, để Hải Dương sớm trở thành TP trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Thực hiện phân công, phân cấp và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Xây dựng chính quyền điện tử nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, giữa các sở, ngành, địa phương, tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu lực, hiệu quả cao và hướng tới sự hài lòng của người dân…

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm