Hải Dương thích ứng linh hoạt, nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ năm

(PLVN) - Trong bối cảnh thực tế có nhiều diễn biến rất khác biệt so với thời điểm xây dựng kế hoạch đầu năm 2022, Hải Dương đã nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 của tỉnh cơ bản phục hồi và trở lại hoạt động bình thường...
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng.

Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khoá XVII diễn ra 2 ngày (7 - 8/12) với tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Hải Dương đã thống nhất cao thông qua 20 nghị quyết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Cũng tại kỳ họp này vào chiều 8/12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ hơn về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cho biết, tỉnh Hải Dương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh tình hình thực tế có nhiều diễn biến rất khác biệt so với thời điểm xây dựng kế hoạch đầu năm 2022. Cụ thể, kinh tế thế giới gặp khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina bùng nổ, kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất bị hạn chế do chính sách zero COVID-19 của Trung Quốc. Trong nước, tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, đặc biệt là chịu áp lực rất lớn từ lạm phát, tăng giá cả hàng hóa, giá xăng dầu…

Song, với tinh thần “Thích ứng linh hoạt”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 cơ bản phục hồi và trở lại hoạt động bình thường. Kinh tế có sự phục hồi rõ nét với tốc độ tăng trưởng đạt 9%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá, tăng 30% so với dự toán năm, trong đó thu nội địa tăng 33% so với dự toán năm. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất có tốc độ tăng trưởng tốt. Giải quyết việc làm mới cho trên 41.000 lao động, tăng 14,4% so với năm 2021, vượt mục tiêu đề ra.

Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được phát huy với mục tiêu tạo sự bứt phá trong phát triển khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025. Đến hết năm 2022, dự kiến có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 33,1%; 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 7,9%.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tại kỳ họp vào ngày 8/12.

Trong năm, các hoạt động xúc tiến đầu tư và hợp tác, phát triển liên kết vùng được tăng cường thúc đẩy. Nhiều hoạt động hợp tác liên vùng ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển chung cho khu vực. Tỉnh đã phát huy được nhiều sáng kiến, tổ chức thành công nhiều chương trình, lễ hội kết hợp xúc tiến đầu tư, thương mại như: Lễ hội cà rốt, Lễ hội vải thiều. Các chương trình xúc tiến thương mại các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được tổ chức bài bản, tạo dấu ấn, sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư như Lễ hội xúc tiến đầu tư Việt - Nhật, tọa đàm xúc tiến đầu tư FDI Hàn Quốc,...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng nêu rõ, còn một số hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đó là 7/16 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội không đạt, đáng lưu ý tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước chỉ tăng 9%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là tăng 10% trở lên. Công tác lập Quy hoạch tỉnh còn chậm so với kế hoạch. Việc triển khai các đề án, chương trình phát triển đô thị cũng chậm. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước mặc dù rất nỗ lực, nhưng gặp nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai các dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự án trọng điểm giao cấp huyện thực hiện giai đoạn 2021-2025 nhìn chung chậm trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có một số vướng mắc cục bộ...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, bên cạnh những thành quả, cũng như hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được đại biểu HĐND thảo luận, phân tích kỹ lưỡng về nguyên nhân, bối cảnh và bài học kinh nghiệm, UBND tỉnh nghiêm túc nhận thức một số nguyên nhân chủ quan. Đơn cử, công tác tham mưu, điều hành tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa chủ động; một số cơ quan, đơn vị chưa tích cực đôn đốc, chưa xử lý hết những khó khăn, tồn tại kéo dài, còn để chậm muộn. Việc bố trí, phân công nhiệm vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa phù hợp. Năng lực tham mưu của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu. UBND tỉnh sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2026). Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần triển khai, làm cơ sở định hướng thực hiện nhiệm vụ trong những năm còn lại là tổ chức đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đánh giá sơ bộ khả năng và mức độ hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm.

Quang cảnh kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khoá XVII vừa diễn ra.

“Dự báo năm 2023 sẽ có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức có thể nhiều hơn, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, thích ứng an toàn, linh hoạt, vượt qua thách thức sau đại dịch, phục hồi và phát triển bền vững về kinh tế - xã hội”, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, căn cứ vào các kiến nghị, đề xuất tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp thu bổ sung thêm các nhiệm vụ, giải pháp. Đó là tập trung hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, chậm nhất trong quý I năm 2023 phải hoàn thành để tạo tiền đề phát triển, dẫn dắt các lĩnh vực khác. Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là những chồng chéo trong pháp luật về đầu tư, pháp luật đất đai, làm cơ sở khai thông nút thắt trong thu hút đầu tư. Quyết tâm, quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế phát triển, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư chiến lược.

Tỉnh cũng kiên trì các hoạt động tư vấn và xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư; linh hoạt, chủ động trong đối thoại, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, uy tín cao, các dự án có chất lượng đầu tư vào tỉnh. Nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc hợp tác tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Kiên quyết xử lý những cá nhân gây sách nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.

Tỉnh đồng thời sẽ quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương và làm tốt công tác quản lý nhà nước sau cấp phép đầu tư. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), duy trì PCI năm 2023 của tỉnh ở mức cao trong cả nước. Đồng thời, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, dự án quan trọng có sức lan toả, tạo động lực phá triển kinh tế - xã hội...

Khẳng định tất cả các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri nêu ra, gửi đến UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan là rất chính đáng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trân trọng tiếp thu và cho biết, đến nay, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, các cơ quan liên quan đã giải trình các kiến nghị mà đại biểu, cử tri quan tâm, thể hiện trách nhiệm trước đại biểu HĐND tỉnh và cử tri. Một số nội dung cử tri quan tâm, kiến nghị đã được UBND tỉnh tiếp thu, chủ động có tờ trình tới HĐND tỉnh để ban hành nghị quyết kịp thời trong năm.

Đọc thêm