Theo đó, để đảm bảo an toàn về người và tài sản trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn do bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Hải Phòng có thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long; hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo từ 12h ngày 22/7/2024.
Đồng thời yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền thuỷ sản, phương tiện đường thuỷ nội địa đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương chủ động ứng phó với bão số 2 năm 2024.
|
TP Hải Phòng phát thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa để ứng phó cơn bão số 2. |
Theo đó, Công điện yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.
Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; tuyệt đối không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Chủ tịch TP cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển; chủ động trao đổi cùng Sở Giao thông vận tải để thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.
Chủ động rà soát, thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều (nhất là các vị trí xung yếu), khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công (đặc biệt lưu ý các công trình cao tầng), cầu tàu, bến cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh…