Hải Phòng huy động mọi nguồn lực, triển khai hiệu quả Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển TP từ sau khi có Nghị quyết số 45, Hải Phòng luôn xác định các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết là nền tảng của mọi định hướng phát triển của TP Cảng. Từ đó, Hải Phòng đã đạt được những kết quả khá toàn diện, mang tính đột phá trên hầu hết các lĩnh vực, trở thành một trong số ít địa phương luôn dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế...
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng trả lời PV Báo PLVN.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng trả lời PV Báo PLVN.

Trong những năm vừa qua, thành phố Hải Phòng đã đạt được những kết quả khá toàn diện, mang tính đột phá trên hầu hết các lĩnh vực, trở thành một trong số ít địa phương luôn dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, Nghị quyết 45 -NQ/TW ngày 24/01/2019 (Nghị quyết số 45) của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu cho Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH), là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ; xây dựng và phát triển Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, phát triển xanh; có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường biển, đường hàng không, là trọng điểm dịch vụ hậu cần (logistic)…

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng xung quanh nội dung này.

Thưa Chủ tịch, để triển khai Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, trong thời gian qua, Hải Phòng đã chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cụ thể hóa, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển TP thế nào?

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 31/01/2019 để chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 đến các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố. Qua đó, cán bộ, đảng viên được quán triệt rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển thành phố của Nghị quyết, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động.

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng đã ban hành Chương trình hành động số 76-CTr/TU về triển khai thực hiện Nghị quyết số 45, theo đó cụ thể hóa thành 15 nhóm giải pháp chủ yếu. Đồng thời, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 45 vào Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, đề ra các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển; các nhiệm vụ và giải pháp lớn xây dựng và phát triển TP. Hằng năm, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cũng ban hành các nghị quyết, chương trình để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gắn với thực hiện Nghị quyết số 45.

Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển TP từ sau khi có Nghị quyết số 45, Hải Phòng luôn xác định các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết là nền tảng của mọi định hướng phát triển của TP Cảng. Các quy hoạch, đề án, Nghị quyết của TP đều được thực hiện bám sát vào Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị. Tiêu biểu như, Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng phát triển KT - XH trong mọi lĩnh vực…

Trung tâm Chính trị - Hành chính mới của thành phố Hải Phòng.

Trung tâm Chính trị - Hành chính mới của thành phố Hải Phòng.

Đặc biệt, TP Hải Phòng đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để cụ thể hóa, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển TP theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, cụ thể, phối hợp trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng; Quyết định số 323/QĐ-TTg, ngày 30/3/2023 của TTg Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1516/QĐ-TTg, ngày 02/12/2023 của TTg Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 15/2022/QĐ-TTg, ngày 27/5/2022 của TTg Chính phủ quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc TP Hải Phòng, TP Cần Thơ, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa...

Hải Phòng đã thường xuyên, tích cực phối hợp, hợp tác với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng xây dựng và thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, phát triển KT - XH, quy hoạch chung xây dựng của vùng. Tổ chức trao đổi chuyên môn, tổ chức, phối hợp tổ chức Hội nghị phát động thi đua năm với các địa phương; phối hợp, liên kết với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La, Đà Nẵng bằng các chương trình hợp tác, thỏa thuận hợp tác cụ thể trong lĩnh vực công thương, du lịch, hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải giữa Hải Phòng và các tỉnh; tổ chức các sự kiện du lịch quốc gia và quốc tế;…

Với sự chủ động tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Chủ tịch có thể chia sẻ những kết quả nổi bật mà Hải Phòng đạt được trong 5 năm qua (từ 2019 – 2024)?

Trong những năm qua, TP Hải Phòng đã đạt được những kết quả khá toàn diện, mang tính đột phá trên hầu hết các lĩnh vực, trở thành một trong số ít địa phương luôn dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), sau thủ đô Hà Nội. Tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) theo giá hiện hành năm 2023 đạt 402.504 tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với năm 2018). Theo đó, tỷ trọng GRDP Hải Phòng trong GDP cả nước tăng từ 3% năm 2018 lên 3,9% năm 2023, đạt khoảng 60% so với mục tiêu đến năm 2025 (đạt 6,4%) tại Nghị quyết.

Quy mô các khu vực kinh tế không ngừng phát triển, giá trị sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2023 đạt 951.685,06 tỷ đồng, (gấp 2,36 lần năm 2018); Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2023 đạt 196,24 nghìn tỷ đồng, (gấp 2,08 lần năm 2018)…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Cảng luôn được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Cảng luôn được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Cảng luôn được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao,kinh tế tăng trưởng khá, GRDP giai đoạn 2019 - 2023 đạt 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước (5,16%/năm), gấp 1,74 lần giai đoạn 2014 - 2018. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 10,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 11,56%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,11%; tăng trưởng bình quân của các khu vực kinh tế trong giai đoạn 2019 - 2023 lần lượt là: dịch vụ đạt 8,47%, công nghiệp và xây dựng đạt 17,18%, nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,53%...

Cơ cấu kinh tế TP tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và dịch vụ, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, khu vực công nghiệp - xây dựng là tiếp tục là điểm sáng, là động lực tăng trưởng của kinh tế TP... Cơ cấu kinh tế theo thành phần cũng chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước, tăng khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong GRDP.

Giá trị sản xuất công nghiệp (CN) năm 2023 đạt 871.253 tỷ đồng, gấp 2,42 lần năm 2018; Giá trị tăng thêm công nghiệp TP năm 2023 đạt 195.137,3 tỷ đồng, gấp 2,34 lần năm 2018.

Giai đoạn 2019 - 2023, TP đã thành lập mới 07 cụm công nghiệp, đồng thời, TTg Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư thành lập 02 khu CN mới: khu CN và khu phi thuế quan Xuân Cầu (752ha); khu CN Tiên Thanh (410,46 ha) nâng tổng số khu CN đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng trên địa bàn TP lên 14 khu CN với tổng diện tích 6.131,36 ha.

Hải Phòng đã ban hành và triển khai Danh mục các Dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là định hướng quan trọng trong thu hút đầu tư vào CN, góp phần hiện thực hóa chủ trương của TP về phát triển CN theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững.

Công nghiệp tiếp tục thu hút được các Dự án có công nghệ cao trong lĩnh vực điện, điện tử; có những sản phẩm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: máy phát điện gió, dây dẫn điện, phụ tùng ô tô, điện tử, điện lạnh, lốp xe ô tô… Trong ngành công nghiệp ô tô, TP đã có dòng sản phẩm ô tô điện, xe buýt điện thân thiện môi trường, lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Bắc Châu Mỹ.

Hiện Hải Phòng đang có 14 khu CN đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng.

Hiện Hải Phòng đang có 14 khu CN đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt 26.579,44 tỷ đồng, gấp 1,24 lần năm 2018; Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản (theo giá hiện hành) năm 2023 đạt 13.679 tỷ đồng, gấp 1,26 lần năm 2018. Giá trị sản xuất khu vực dịch vụ năm 2023 đạt 265.047 tỷ đồng, (gấp 1,64 lần năm 2018); Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 đạt 135.190 tỷ đồng, (gấp 1,47 lần năm 2018…

Hải Phòng cũng là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM được đẩy mạnh với nhiều cách làm mới, sáng tạo, mang tính thiết thực và hiệu quả. Năm 2019, 100% số xã (137/137 xã) trên địa bàn TP hoàn thành xây dựng xã NTM, hoàn thành mục tiêu đề ra trước 01 năm; từ năm 2020 Hải Phòng tập trung triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Hải Phòng đã có 07 huyện được TTg Chính phủ ban hành Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM; 84 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 48 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…

Đặc biệt, hoạt động kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hải Phòng năm 2023 đạt 31 tỷ USD, gấp 3,74 lần năm 2018 (8,3 triệu USD), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2023 đạt 30,17%/năm. Hải Phòng đứng thứ 5 cả nước về kim ngạch xuất khẩu (sau TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên), đứng thứ 2 vùng ĐBSH; xuất khẩu hàng hóa đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hải Phòng được xem là điển hình phát triển kinh tế của cả nước trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Về lĩnh vực này, Hải Phòng đã có bước tăng trưởng đột phá, đóng góp quan trọng vào phát triển KT - XH của TP.

Số doanh nghiệp FDI năm 2022 là 642, tăng 1,45 lần so với năm 2018; tổng nguồn vốn là 635.430,3 tỷ đồng, tăng 2,47 lần năm 2018; tổng số lao động là 249.723 người, chiếm 47,2% tổng lao động TP. Hải Phòng đã tập trung thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có nghiên cứu phát triển, cam kết chuyển giao công nghệ, có khả năng lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị...

Hiện thực hoá Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình, Dự án để thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Cát Bà và Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Thu hút nhiều tập đoàn, DN lớn đầu tư các dự án du lịch tại Cát Bà và Đồ Sơn như, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Nam Cường, Công ty Cổ phần Trường Bình Minh, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex-ITC...

Sản phẩm, du lịch biển đảo Cát Bà, Đồ Sơn vẫn được định hướng là sản phẩm cốt lõi của du lịch TP; nhất là khi quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Sản phẩm du lịch golf đạt tiêu chuẩn, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm đang phát triển mạnh...

Quần đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Quần đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Với những kết quả đã đạt được khi triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị vậy Hải Phòng có gặp phải những trở ngại, khó khăn gì không thưa Chủ tịch? Thành phố sẽ có những giải pháp đột phá nào để đạt được những chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết 45 đề ra?

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị được Hải Phòng ghi nhận và đánh giá là “cú hích, động lực mới” cho sự phát triển KT – XH TP Cảng trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, một số mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết chưa được triển khai hoặc tiến độ triển khai còn chậm. Quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế TP chưa mạnh, chưa phát huy tốt vai trò là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm.

Bên cạnh đó, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải hiện nay đã lấp đầy khoảng hơn 80% đất CN, tuy nhiên việc phát triển mới các khu, cụm CN tiến độ còn chậm nên diện tích đất CN sạch để thu hút đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là các dự án lớn. Dịch vụ du lịch phát triển chưa bền vững, còn mang tính chất mùa vụ; các dự án trọng điểm về du lịch, dịch vụ triển khai chậm; nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch chưa được sử dụng tương xứng.

Thành phố cũng chưa xây dựng được khu dịch vụ logistics cấp quốc gia; các trung tâm logistics chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có nơi còn chưa đồng bộ, hạn chế kết nối; chưa phát huy đầy đủ lợi thế của cả năm loại hình giao thông, chủ yếu vẫn dựa vào đường bộ gây áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng, tác động đến môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về trật tự, an toàn giao thông. Đô thị Hải Phòng còn nhỏ, tốc độ mở rộng không gian đô thị còn chậm; một số tiêu chí đô thị loại I chưa đạt.

Trong những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương phát triển nhanh nhất cả nước; tuy nhiên, hệ thống cơ chế chính sách đặc thù, thúc đẩy phát triển thì còn khá khiêm tốn, chưa đủ sức tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của TP, xứng tầm với tiềm năng và vị thế của TP.

Cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, công việc chưa thực sự được quan tâm đúng mức; sự phối kết hợp giữa chức năng quản lý nhà nước của Sở, ngành và nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương ở một số nơi còn hạn chế.

Hải Phòng triển khai nhiều chương trình, Dự án để thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Cát Bà và Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế.Hải Phòng triển khai nhiều chương trình, Dự án để thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Cát Bà và Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế.

Trong thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Tập trung rà soát các chỉ tiêu, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo các chương trình hành động, kết luận của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, đảm bảo bám sát, tích hợp đầy đủ các chủ trương mới của Trung ương, của Thành ủy, nhất là tập trung hoàn thành các nhiệm vụ còn tồn đọng, chậm tiến độ và đề xuất với Trung ương quy hoạch, định hướng, cơ chế, chính sách phát triển TP trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp đột phá về xây dựng thể chế và phát triển nguồn nhân lực.

Thực hiện cơ cấu lại ngành CN gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: công nghiệp điện tử - tin học, các ngành CN ứng dụng công nghệ cao; CN cơ khí chế tạo máy móc thiết bị; phát triển CN hỗ trợ; huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng khu CN công nghệ cao, các khu, cụm CN.

Tập trung xây dựng và phát triển Hải Phòng thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Cơ bản hoàn thành mạng lưới trung tâm logistics trên địa bàn TP vào năm 2030, ưu tiên quỹ đất để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Xây dựng, phát triển khu du lịch Hạ Long - Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Đồng thời nghiên cứu, có phương án phù hợp để từng bước xây dựng, khai thác, phát triển du lịch tại đảo Bạch Long Vĩ.

Cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh).
Cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh).

Thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới để trình Quốc hội xem xét tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách, thể chế mạnh mẽ hơn nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã xác định tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chống thất thu ngân sách. Rà soát những khoản thu, sắc thuế còn thất thu, các nguồn thu tiềm năng; tạo lập các nguồn thu mới, nhất là nguồn thu lớn có tính bền vững. Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản, bất động sản thuộc sở hữu của Nhà nước.

Huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào TP trong đó chú trọng các nguồn vốn tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), coi đây chính là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn đóng góp ngân sách bền vững cho TP. Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, đa dạng hóa hình thức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)…

Hải Phòng cũng sẽ tập trung triển khai, thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang đặc trưng, bản sắc riêng của TP Cảng biển. Bố trí nguồn lực hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm, nhất là các khu đô thị dọc hai bờ các dòng sông chảy qua nội đô như sông Tam Bạc, sông Cấm, sông Hạ Lý, sông Lạch Tray, tạo cảnh quan, công trình công cộng phúc lợi xã hội.

Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành đầu tư các công trình, dự án lớn trong quy hoạch phát triển không gian đô thị theo 03 hướng đột phá (Bắc sông Cấm, Cát Hải - Cát Bà, Đồ Sơn và ven sông Lạch Tray) đã được Nghị quyết 45 Bộ Chính trị đề ra...

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Tăng trưởng GRDP bình quân đầu người giai đoạn 2019 - 2023 đạt 11,64%/năm, gấp 2,83 lần tăng trưởng GDP bình quân đầu người của cả nước (4,11%/năm) và gấp 1,97 lần GDP vùng ĐBSH (5,92%/năm). GRDP bình quân đầu người năm 2023đạt hơn 191triệu đồng/người, tương đương 7.826 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước (năm 2018 GRDP bình quân của thành phố đạt 104,42 triệu đồng/người, cao gấp 1,42 lần cả nước), đứng thứ 2 trong 5 TP trực thuộc Trung ương, tuy nhiên so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025 là 14.740 USD/năm mới đạt khoảng 53,1% yêu cầu.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 76,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,29 lần bình quân chung cả nước (59,4 triệu đồng/người/năm). Trung bình giai đoạn 2019 - 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt 67,58 triệu đồng/người/năm, gấp 1,25 lần bình quân chung cả nước (53,66 triệu đồng/người/năm), gấp 1,23 lần giai đoạn 2014 - 2018.

Đọc thêm