Hải Phòng nhận diện những vi phạm của doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, PC 49 - CA TP Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra tại 25 DN sản xuất trên địa bàn, cả 25 DN đều vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. “Nhẹ” thì DN không tổ chức quan trắc định kỳ, “nặng” thì DN tìm cách xả thẳng chất thải nguy hại ra môi trường.

Trong 6 tháng đầu năm, PC 49 - CA TP Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra tại 25 DN sản xuất trên địa bàn, cả 25 DN đều vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. “Nhẹ” thì DN không tổ chức quan trắc định kỳ, “nặng” thì DN tìm cách xả thẳng chất thải nguy hại ra môi trường.

Người dân Hải Phòng bức xúc bao vây một nhà máy gây ô nhiễm môi trường kéo dài.
Người dân Hải Phòng bức xúc bao vây một nhà máy gây ô nhiễm môi trường kéo dài.

Muôn loại vi phạm về BVMT

Cty TNHH cơ khí Duyên Hải (trụ sở tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng), một trong số các DN cơ khí lớn của Hải Phòng. Trong những năm trước, khi DN còn có các phân xưởng sản xuất, gia công cơ khí nằm giữa các khu dân cư trên địa bàn quận Ngô Quyền, các phân xưởng này được nhận diện là nguồn ô nhiễm môi trường về khí thải, nước thải.

Các cơ quan chức năng của Hải Phòng như Sở KH – CN, Sở TN & MT nhiều lần kiểm tra hoạt động chấp hành pháp luật môi trường tại DN. Được di dời ra khỏi khu dân cư tập trung, tại cơ sở sản xuất mới, trước khi đi vào hoạt động, DN đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường…

Theo như đánh giá của lãnh đạo Chi cục bảo vệ môi trường – Sở TN & MT TP Hải Phòng, Cty TNHH cơ khí Duyên Hải là một trong số ít các DN trên địa bàn Hải Phòng có đội ngũ cán bộ được tập huấn, trang bị những kiến thức về bảo vệ môi trường sớm nhất, nhiều nhất của Hải Phòng.

Tuy nhiên, ngày 8/5, khi lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (PC 49) - Công an TP Hải Phòng tiến hành tiến hành kiểm tra hoạt động chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại DN vẫn phát hiện DN không thực hiện báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, không có báo cáo tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại gửi cơ quan quản lý Nhà nước; nước thải có dấu hiệu bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường.

Thượng tá Nguyễn Quang Hải - Phó Trưởng phòng PC 49, Công an TP Hải Phòng - buồn bã đánh giá, các vi phạm về bảo vệ môi trường tại Cty TNHH cơ khí Duyên hải chưa đến mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, để xảy ra các vi phạm này thể hiện lãnh đạo DN chưa thực sự quan tâm, sâu sát, đôn đốc bộ phận nghiệp vụ của DN nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.

Tiến hành kiểm tra một số cơ sở sửa chữa ô tô như Cty TNHH ô tô Huy Hoàng, Trung tâm cứu hộ và sửa chữa ô tô Pjico trên địa bàn quận Hồng Bàng, chỉ bằng mắt thường, các trinh sát của PC 49 cũng phát hiện được nước thải tại 2 DN này bị lẫn cặn dầu, mỡ chưa được làm sạch.

Theo số liệu phân loại các dạng vi phạm về bảo vệ môi trường, trong tất cả các trường hợp kiểm tra, 100 % các DN vi phạm về môi trường đều không có báo cáo quan trắc định kỳ về môi trường, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Chấp nhận phạt còn hơn thực hiện quy định BVMT

Theo báo cáo của PC 49, với các vi phạm về việc DN không có đánh giá tác động môi trường, không có báo cáo tác động môi trường, không thực hiện quan trắc định kỳ về môi trường… hầu hết các chủ DN đều cho rằng không thuê được cơ sở quan trắc, cơ sở đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, qua đấu tranh, vận động các DN, một thực tế khác lại “bật” ra đó là, có không ít DN nghiên cứu khá kỹ các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các DN này nhận định, nếu thực hiện nghiêm túc các quy định về quan trắc, về đánh giá tác động môi trường, mỗi năm DN cũng phải chi phí từ 5- 10 triệu đồng “phí” quan trắc. Nếu không thực hiện nghiêm các quy định này, bị cơ quan quản lý phát hiện, DN nhiều khi cũng chỉ chịu mức phạt thấp hơn cả mức chi phí thuê tư vấn quan trắc, tư vấn đánh giá tác động môi trường.

Mức xử phạt cao nhất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong thời gian qua được PC 49 tham mưu đề xuất là vụ việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi không thu gom, lưu giữ tạm thời các chất thải nguy hại của Cty CPTM Đại Huy (trụ sở trên địa bàn quận Hồng Bàng). Theo đó, DN này đã bị xử phạt tới 145 triệu đồng vì không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường trong việc phá dỡ tầu cũ. Lãnh đạo PC 49 trăn trở, đây gần như là mức cao nhất mà cấp chính quyền có thể đưa ra đối với các vi phạm về việc DN không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường trong lĩnh vực phá dỡ tầu cũ.

Theo quy định, sau khi ra quyết định xử phạt, yêu cầu bên vi phạm khắc phục sự cố môi trường, đối tượng vi phạm được PC 49 thông báo tới chính quyền địa phương để tổ chức giám sát việc chấp hành quy định pháp luật. Tuy nhiên, lãnh đạo PC 49, công an TP Hải Phòng cho biết, nhiều vụ việc, PC 49 thông báo với chính quyền địa phương nhưng không được lãnh đạo chính quyền địa phương “nhiệt tình” tiếp nhận vụ việc. Theo lãnh đạo các địa phương này, đấu tranh chống vi phạm về bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của ngành công an, ngành môi trường nên hiệu quả từ việc xử phạt các DN vi phạm chỉ dừng ở mức…phạt cho có lệ.

Linh Nhâm

Đọc thêm