Hải Phòng thiếu cơ sở xử lý chất thải nguy hại

Nhiều năm liền kinh tế Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng GDP gấp 1,58 lần bình quân cả nước. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, thành phố cảng cũng phải đối diện với hàng loạt những vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nguy hại từ hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, sự phát triển bền vững.

 [links()]Nhiều năm liền kinh tế Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng GDP gấp 1,58 lần bình quân cả nước. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, thành phố cảng cũng phải đối diện với hàng loạt những vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nguy hại từ hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, sự phát triển bền vững. 

Ảnh minh họa.

Vi phạm về môi trường ngày một tăng

Thượng tá Nguyễn Đức Đáng, Trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP Hải Phòng cho biết, theo phân loại của CA TP Hải Phòng, nguồn chất thải nguy hại trên địa bàn chủ yếu được phân loại theo các dạng nguồn chất thải phát sinh từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn, từ cơ sở khám chữa bệnh, từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Nguồn chất thải nguy hại từ hoạt động XNK được các doanh nghiệp (DN) đưa vào Việt Nam thông qua hình thức tạm nhập, tái xuất, chủ yếu là ắc quy chì đã qua sử dụng, vi mạch điện tử, phế liệu chưa được làm sạch thẩm lậu vào Việt Nam để sơ chế rồi tái xuất. Trong thời gian ngắn, PC49, CA TP Hải Phòng đã phát hiện 129 DN thực hiện 126 vụ việc tạm nhập tái xuất chất thải nguy hại; tổ chức xử lý, tiêu hủy 163 container chất thải nguy hại nhập khẩu trái phép vào Việt Nam; buộc tiêu hủy 36.000 lít dầu thải.

Lợi dụng trên địa bàn Hải Phòng có cơ sở xử lý chất thải nguy hại, nhiều đối tượng làm giả hồ sơ, chứng từ, vận chuyển ắc quy chì từ các tỉnh phía Nam ra Hải Phòng để tiêu thụ. Mới đây, PC49 đã tiến hành xử phạt 148 triệu đồng đối với những đối tượng tham gia đường dây đưa ắc quy chì đã qua sử dụng từ TP. Hồ Chí Minh ra Hải Phòng.

Thượng tá Nguyễn Đức Đáng nhận định, nguồn chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp cũng là đối tượng đáng quan tâm. Trong thời gian qua, việc sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hầu như diễn ra tự phát. Người nông dân ít được ngành nông nghiệp hướng dẫn sử dụng, bảo quản, xử lý chất thải nguy hại này. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp không chỉ làm thoái hóa đất còn làm ô nhiễm nguồn nước, là nguyên nhân của việc phát sinh một số loại dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm.

Mới đây, Hải Phòng tiến hành lấy mẫu nước tại các sông Giá, sông Rế, sông He và sông Đa Độ, những con sông cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân Hải Phòng để kiểm tra đều phát hiện các con sông này bị ô nhiễm, các chỉ số an toàn về vệ sinh đều vượt ngưỡng cho phép. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định do tình trạng xả thải rác thải sinh hoạt, chất thải dùng trong nông nghiệp và nước thải, chất thải của một số nhà máy, xí nghiệp chưa qua xử lý vào thẳng nguồn nước.

Thiếu cơ sở xử lý chất thải nguy hại

Trên địa bàn Hải Phòng hiện mới chỉ có 450 DN đăng ký chủ nguồn thải phát sinh chất thải nguy hại. Tuy nhiên, qua kiểm tra của PC 49 CA TP Hải Phòng, hầu hết các DN đăng ký chủ nguồn thải phát sinh chất thải nguy hại không làm, không cập nhật, không gửi các cơ quan chức năng báo cáo tình hình phát sinh chất thải nguy hại định kỳ của DN. Những chất thải nguy hại chủ yếu của DN là dầu thải, giẻ lau dính dầu, bóng đèn huỳnh quang thải, vỏ thùng, hộp đựng hóa chất, dung môi, sơn và bột màu lỏng, bụi lò, xỉ than chứa thành phần nguy hại…

Hải Phòng hiện vẫn chưa có quy hoạch khu lưu trữ chất thải nguy hại theo quy chuẩn, phần lớn chất thải nguy hại vẫn phải lưu giữ tại nơi sản xuất. Cả thành phố hiện mới chỉ có 4 cơ sở thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại. Những DN này chủ yếu tập trung xử lý chất thải rắn, dầu thải, còn những chất thải khác như chất thải nguy hại trong lĩnh vực y tế, lĩnh vực nông nghiệp thì chưa xử lý được.

Thượng tá Nguyễn Đức Đáng trăn trở, việc thu gom, xử lý đạt chất thải nguy hại đạt tỷ lệ rất thấp, mặt khác việc xã hội hóa công tác xử lý chất thải nguy hại còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nguồn rác thải nguy hại rất cao...

Thượng tá Nguyễn Đức Đáng chia sẻ, DN vi phạm quy định về bảo vệ môi trường có thể hưởng lợi hàng chục tỷ đồng, nhưng nếu bị phát hiện, mức phạt hành chính cao nhất theo Nghị định 117/2009 cũng chỉ tối đa tới 500 triệu đồng. Cũng khó xử lý hình sự cho các hành vi này vì Bộ luật Hình sự chưa quy định cụ thể thế nào là hành vi gây “ô nhiễm rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn” và “số lượng rất lớn”… . Nắm được “điểm yếu” này của Luật, thậm chí có DN nghiệp không cộng tác và gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra.

Linh Nhâm

Đọc thêm