Hai phương án tăng tuổi hưu: Những ai bị ảnh hưởng?

(PLO) - Việc điều chỉnh tăng tuổi nói trên là áp dụng đối với những người làm việc trong điều kiện bình thường.

Phương án tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được Bộ LĐ-TB-XH đưa vào nội dung của dự án sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 để Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2019.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đến năm 2035, số người bước vào tuổi lao động chỉ bằng 1,2 lần số ra khỏi tuổi lao động. Do đó, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Hai phương án tăng tuổi hưu: Những ai bị ảnh hưởng?

Mới đây, Nghị quyết 28 của hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH cũng đã xác định, tiến hành điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2021.

Căn cứ vào lộ trình, phương án tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được Bộ LĐ-TB-XH đưa vào nội dung của dự án sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 và được Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2019.

Dự kiến có 2 phương án được đề xuất.

Phương án 1: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 6 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2030.

Phương án 2: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2035.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, việc điều chỉnh tăng tuổi nói trên là áp dụng đối với những người làm việc trong điều kiện bình thường.

Đối với những người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người bị suy giảm khả năng lao động …vẫn tiếp tục được thực hiện với chính sách nghỉ hưu sớm hơn, nghỉ hưu trước tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Đọc thêm