Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu với Thủ tướng Belarus về lịch sử, ý nghĩa của Cột cờ Hà Nội, đồng thời giới thiệu với Thủ tướng Belarus về những công trình văn hóa-lịch sử trong khu vực, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX, trải qua hơn 200 năm, Cột cờ Hà Nội (còn gọi là Kỳ đài) trên đường Điện Biên Phủ (Ba Đình, Hà Nội) là chứng tích ghi lại nhiều dấu ấn oanh liệt của Thăng Long-Hà Nội.
Ngày 20/01/1989, Bộ Văn hóa-Thông tin đã ra quyết định công nhận Cột cờ là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngày nay, Cột cờ Hà Nội luôn là điểm du lịch hấp dẫn với du khách tham quan trong và ngoài nước.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko chụp ảnh lưu niệm tại Cột cờ Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trên tầm cao của Cột cờ, du khách có thể ngắm nhìn cảnh quan Hà Nội ngày nay và tìm lại dấu vết Thăng Long xưa với nhiều di tích cổ như cửa Đoan Môn, Lầu Công Chúa, Cửa Bắc về hướng Bắc; hướng Đông là Nhà Bưu điện soi bóng xuống Hồ Gươm; hướng Tây là Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh; hướng Nam với nhiều không gian, kiến trúc tiêu biểu.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Belarus thưởng thức hương vị cà phê Việt Nam tại quán cà phê dưới chân Cột cờ Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Belarus đã cùng thưởng thức hương vị cà phê Việt Nam tại quán cà phê dưới chân Cột cờ Hà Nội, trên đường Điện Biên Phủ, đối diện vườn hoa có tượng đài V.I. Lenin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu với Thủ tướng Belarus về cà phê Việt Nam, nhất là những sản phẩm cà phê được chế biến sâu rất phong phú.
Hiện Việt Nam là một trong những cường quốc cà phê trên thế giới. Cả nước có hơn 710.000 ha cà phê, đứng thứ 6 thế giới về diện tích, song nhờ năng suất cao nhất thế giới nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hằng năm lớn thứ hai thế giới, từ 1,75-1,85 triệu tấn.
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Thủ tướng Belarus về lịch sử, ý nghĩa của Cột cờ Hà Nội, về những công trình văn hóa-lịch sử trong khu vực, về cà phê Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Việt Nam cũng đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê, chỉ xếp sau Brazil. Trong khoảng 10 năm, giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam đã tăng trưởng gấp đôi, từ khoảng 2 tỷ USD lên 4 tỷ USD năm 2022 và có thể tăng hơn nữa trong năm 2023. 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn, trị giá thu về gần 3,5 tỷ USD. Dự kiến trong chiều 8/12, Thủ tướng Belarus sẽ đến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Việt Nam và Belarus kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp đã có giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, duy trì thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, bao gồm cấp cao.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Belarus lần này, lãnh đạo hai nước sẽ rà soát đánh giá tiến trình hợp tác và thảo luận tìm ra những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong thời gian tới.