Hạn chế tối đa số vụ cháy, thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân

(PLVN) - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu nêu trên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay, 14/5, cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Mở rộng tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC&CNCH

Trình bày tờ trình về dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế…

Dự thảo Luật gồm 9 chương,65 điều, bổ sung nhiều quy định mới.

Phát biểu tại phiên họp, tán thành sự cần thiết ban hành Luật, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, tình hình cháy nổ, tai nạn vẫn xảy ra liên tục hàng năm, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của xã hội.

Nêu rõ đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động đến kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, doanh nghiệp; gắn với đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản, Phó Chủ tịch Thường trực QH đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và khẩn trương để khắc phục những bất cập, hạn chế, đồng thời có những đổi mới phù hợp, khả thi, gắn với đời sống kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực QH cũng yêu cầu rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong thực tiễn thời gian qua để hạn chế tối đa số vụ cháy, thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.

Về các nội dung cụ thể, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá, rà soát kỹ lưỡng phạm vi của công tác CNCH, sự cố giữa các ngành để làm rõ trách nhiệm; quy định cụ thể cơ chế phối hợp, chỉ huy, hỗ trợ liên quan đến các công tác này. Phó Chủ tịch Thường trực QH cũng đề nghị nghiên cứu kỹ hơn và mở rộng tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC&CNCH, nhất là quy định có tính đặc thù để áp dụng trong đời sống thực tế…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, dự thảo Luật có liên quan đến nhiều luật khác, do đó cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Điển hình là quy định về quy hoạch tại Điều 13 của dự thảo Luật, theo đó khi điều chỉnh quy hoạch chung về chức năng, chi tiết đối với đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp, khu chức năng thì phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch, có giải pháp thiết kế về PCCC.

“Nội dung này là hết sức cần thiết vì thời gian qua, các khu dân cư khi xảy ra cháy có tình trạng đường bé, không đưa được các phương tiện PCCC vào”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ ra rằng, Luật quy hoạch chưa có quy định về vấn đề này nên nếu dẫn chiếu quy định về pháp luật về quy hoạch thì không thực hiện được. Do đó, phải thiết kế quy định riêng về vấn đề này. Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn cũng chưa có quy định về nội dung này nên thời gian qua, công tác PCCC của chúng ta còn có vấn đề

Có phương án xử lý đối với những công trình "do lịch sử để lại"

Liên quan đến quy định về thẩm tra và nghiệm thu về PCCC, dự thảo Luật đang phân cho khá nhiều cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Song, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, qua xem xét các điều luật của dự thảo Luật, chưa có sự phân công, phối hợp giữa các đơn vị này, dẫn đến người dân, doanh nghiệp phải đến nhiều nơi để nộp thủ tục.

Dẫn quy định tại Luật Đầu tư, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, để cắt giảm điều kiện, thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, quy định về thẩm tra và nghiệm thu về PCCC cần được thiết kế theo hướng có đầu mối cụ thể để bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, tại các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, còn rất nhiều công trình dân sinh không thể đảm bảo tiêu chí giải pháp thiết kế PCCC như quy định tại dự thảo Luật.

Do đó, cần có giải pháp đạt hiệu quả tốt nhất tại dự thảo Luật để giải quyết những vấn đề về thiết kế PCCC đối với hệ thống công trình xây dựng dân sinh đang tồn tại, tránh trường hợp người dân khi xây dựng mới, cải tạo nhà ở gặp khó khăn khi xin cấp phép xây dựng vướng yêu cầu không có khả năng thực hiện được quy định.

Đối với quy định về PCCC đối với nhà ở, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị quy định rõ giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh ngay tại dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định, tránh việc tùy nghi, không đảm bảo khi thực hiện Luật.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh của QH Lê Tấn Tới cũng cho biết, có ý kiến cho rằng quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 65 của dự thảo Luật thiếu tính khả thi; đề nghị Cơ quan soạn thảo có báo cáo tổng kết thực hiện pháp luật về xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; đánh giá kỹ tác động và tính khả thi của các quy định tại Điều này; có ý kiến đề nghị quy định rõ tại dự thảo Luật này phương án xử lý đối với những công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC&CNCH có hiệu lực.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch QH, Thượng tướng Trần Quang Phương cũng lưu ý về “các công trình do lịch sử để lại”, vì những công trình này hầu hết chưa đảm bảo quy định, tiêu chuẩn về PCCC, CNCH nên dự thảo cần có điều khoản chuyển tiếp để xử lý, đặt ra lộ trình phù hợp.

Đọc thêm