Thực tế này đã được ghi nhận tại Hội nghị Nhân rộng các điển hình cai nghiện thành công do Bộ LĐTB&XH tổ chức chiều qua (22/6).
Một người “vực dậy” hàng chục người
Nhiều mô hình điểm về cai nghiện tại cộng đồng được giới thiệu tại Hội nghị, điển hình như trường hợp anh Phạm Ngọc Tân (phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) từng là người nghiện ma túy và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “ S - A” do Đoàn Thanh niên thành lập đã tư vấn, giúp đỡ cho 37 người nghiện ma túy tiếp cận với các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma túy sau 10 năm tham gia sinh hoạt.
Qua đó cho thấy, mô hình cai nghiện từ cộng đồng của các tổ chức, đoàn thể thành lập hàng nghìn người nghiện đã tìm được con đường sáng để tái hòa nhập. Đáng ghi nhận có rất nhiều trường hợp cai nghiện thành công đã trở thành những tình nguyện viên giúp đỡ nhiều người nghiện khác thoát khỏi ma túy. Muốn công tác cai nghiện đem lại hiệu quả xã hội như vậy, theo các đại biểu tại Hội nghị, quan trọng là cần thay đổi quan điểm về ma túy, coi đây là căn bệnh mãn tính và người nghiện là những người bệnh cần được điều trị.
Ngoài ra, địa phương phải huy động mọi nguồn lực như gia đình, cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội tập trung giúp đỡ người nghiện như: Chăm sóc sức khỏe về y tế, tạo việc làm và giải quyết việc làm, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, chăm lo đời sống... để giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện đạt hiệu quả.
Từ bỏ được “cái chết trắng” nhờ sức mạnh cộng đồng
Bộ LĐTB&XH cho biết, thực hiện chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cai nghiện đa chức năng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 và Nghị quyết 98/NQ –CP đến nay cả nước có 127 cơ sở cai nghiện ma túy. Trong đó 105 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, 22 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tư nhân thành lập. Các cơ sở cai nghiện hiện đang quản lý, chữa trị, cai nghiện cho 31.455 học viên, trong đó cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án cho 19.546 học viên, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập cho 4.019 học viên.
Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng là một trong những ví dụ điển hình xây dựng được mô hình cơ sở cai nghiện thân thiện, tiêu biểu theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện với việc chuyển đổi cơ sở cai nghiện. Cơ sở điều trị ma túy tỉnh Lâm Đồng là cơ sở cai nghiện có kết nối nhiều với cộng đồng để tạo điều kiện cho các học viên trở về sinh hoạt, không có cảm giác bị kỳ thị, có công ăn việc làm. Bên cạnh đó các cơ sở cai nghiện còn là điểm tham quan, sinh hoạt ngoại khóa về phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên và thanh niên.
Còn tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có mô hình cai nghiện quân - dân y kết hợp được áp dụng tại các xã biên giới. Theo đó, sau thời gian cắt cơn Tổ công tác cai nghiện phân công cụ thể từng thành viên, Đội công tác xã hội tình nguyện quản lý, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định cuộc sống. Sau 5 triển khai đến nay 8/12 người nghiện được hỗ trợ chưa sử dụng lại ma túy.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB &XH Nguyễn Trọng Đàm, nếu các cấp chính quyền có chủ trương, chính sách đúng, cộng đồng vùng cao hoàn toàn giải quyết được các vấn đề liên quan đến ma túy dựa trên mối quan hệ chặt chẽ trong đời sống. Báo cáo của các địa phương cho thấy, hàng chục nghìn người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, nhiều người đã vươn lên trở thành những chủ doanh nghiệp. Đó là kết quả của sự sáng tạo, dựa trên những điều kiện thực tế của cơ sở đã có những cách làm hay, những mô hình hiệu quả về triển khai công tác cai nghiện và hỗ trợ người sau cai tại các địa phương dù còn nhiều khó khăn về kinh tế và những bất cập của một số văn bản pháp luật.