Hàng trăm bức thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ tại “Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025”

(PLVN) - "Hội chữ Xuân Ất Tỵ" với hàng trăm bức thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ lớn nhỏ khác nhau, đa dạng về phong cách viết cũng như thể thức trình bày cùng với những phong cách riêng biệt xoay quanh chủ đề "Thực học".
Các bức thư pháp xoay quanh chủ đề "Thực học" (ảnh T.D)

Chiều 23/1/2025, Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 khai mạc tại khu vực Hồ Văn - Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, tinh thần hiếu học, trọng hiền luôn là phẩm chất quý báu của dân tộc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tinh thần hiếu học, trọng hiền đó đã hun đúc nên nhiều nhân tài cho Việt Nam. Đất nước đang bước những bước đi mạnh mẽ trên chặng đường đổi mới, dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ, đó là lý do triển lãm thư pháp với chủ đề “Thực học” được tổ chức xuyên suốt Hội chữ năm nay.

Điểm nổi bật ấn tượng ban đầu với khách tham quan Hội chữ Xuân chính 18 cột chữ xung quanh không gian trưng bày được viết thư pháp chữ Hán với nội dung là bài “Khuyến học văn” của Thuần Hoàng Đế Lê Thánh Tông - một tác gia lớn của nền văn học cổ trung đại Việt Nam, người mà bên cạnh sự nghiệp an dân trị quốc lẫy lừng thì còn là người có công lớn trong việc phát triển văn hóa giáo dục nước nhà khi còn trị vì, đặc biệt là làm cho nền khoa cử hưng thịnh gần như có thể coi là bậc nhất các thời.

Không gian sắp đặt, trưng bày độc đáo tại “Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025” (ảnh T.D)

Tiếp đó là 14 bức thư pháp đại tự lớn treo ngang phía bên trên được viết bằng đủ các thể chữ Triện, Lệ, Chân, Hành Thảo, cả chữ Hán và chữ Nôm với những nội dung về học tập, khoa cử ở Văn Miếu, ở mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến cũng là một điểm nhấn ấn tượng xung quanh không gian trưng bày.

Khi bước vào không gian chính của khu vực trưng bày triển lãm, ấn tượng hơn nữa chính là hình tượng đóa hoa sen khổng lồ rực rỡ ánh sáng và lung linh sắc màu được sắp đặt từ 200 tác phẩm thư pháp Quốc ngữ nhỏ khung vuông như là kết tinh của “Thực học”.

Cùng với hoạt động viết thư pháp, Trung tâm Hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để phục vụ khách du xuân như: Không gian trải nghiệm di sản, không gian văn hóa đọc; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội cùng chương trình nghệ thuật biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa lân sư rồng… ở cả không gian nội tự và Hồ Văn, nhằm tạo không khí vui tươi, đậm chất văn hóa truyền thống tại Hội chữ Xuân.

Các nhà hoạt động thư pháp sẽ viết những ước nguyện tốt lành trong mùa xuân mới (ảnh T.D)

Triển lãm do Trung tâm Hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức và Thư pháp gia Xuân Như Vũ Thanh Tùng - Chủ tịch hội đồng điều hành, giảng sư bộ môn Thư pháp của Nhân Mỹ Học Đường lên ý tưởng, xây dựng, thiết kế, sắp đặt và trưng bày. Triển lãm có sự ủng hộ tác phẩm của các nhà thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ đã tham gia hai cuộc triển lãm lớn là “Nghiên bút còn thơm” và “Hương sắc Thăng Long”. Ngoài ra, triển lãm còn có sự hỗ trợ của các giảng sư thư pháp, thày và trò Nhân Mỹ Học Đường.

Được biết, 47 nhà hoạt động thư pháp ở hai loại hình Hán Nôm và Quốc Ngữ ở Hà Nội và một số địa phương cả 3 miền Bắc - Trung - Nam được chọn lựa kỹ thông qua khảo tuyển khách quan, công bằng sẽ phục vụ công chúng những bức thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành trong mùa xuân mới.

"Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025" diễn ra từ ngày 23/1 đến hết ngày 9/2 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ).