Trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, thông qua 39 đề nghị xây dựng luật, dự án luật và 125 nghị định; tích cực, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Đã cắt giảm, đơn giản hoá 1.041 quy định kinh doanh; chỉ số hài lòng của người dân đạt 87,5%.
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành; có tính quy phạm phổ biến, có tính bắt buộc chung, pháp luật do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, bên cạnh đó pháp luật có tính xác định chặt chẽ về hình thức.
Lâu nay, chúng ta hay nói về “hành lang pháp lý”. Nó có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội ở mọi thời đại. Đó chính là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội, là công cụ, phương tiện không thể thiếu để duy trì, bảo vệ trật tự xã hội, tạo điều kiện định hướng cho sự phát triển của xã hội.
Sau Đại hội 13 của Đảng, để đất nước phát triển, Đảng ta chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công. Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”. Theo dõi trên báo chí, không ai không biết, nhiều vấn đề đang được đặt ra như cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất đai, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế... Để làm được những vấn đề này phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật.
Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, sáng qua (3/1), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần quán triệt thật sâu sắc hơn nữa, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế...
Để thực hiện được các nhiệm vụ trong năm “bản lề”, nhiệm vụ đặt ra với công tác xây dựng pháp luật cũng rất nặng nề. Hành lang pháp lý phải hanh thông.