Người trẻ Anh khó tìm thấy hạnh phúc sau dịch
Một nghiên cứu gần đây của Prince’s Trust đăng tải trên tờ Guardian của Anh cho thấy, chỉ số hạnh phúc của thế hệ trẻ của Vương quốc Anh đang xuống mức thấp nhất trong 13 năm nay bởi tác động của đại dịch COVID-19. Cụ thể, 35% người trẻ từ 16-25 tuổi cho biết, họ chưa bao giờ cảm thấy cô đơn và thiếu tự tin như lúc này.
Các lễ hội bị huỷ bỏ, tụ điểm vui chơi thì đóng cửa, sinh viên gần như bị “nhốt” trong ký túc xá trong thời gian dài, 40% thanh niên tham gia cuộc khảo sát cho biết họ lo lắng về khả năng giao tiếp của mình với người khác, 33% cho biết họ đã “quên mất” cách kết bạn mới,… và rất nhiều kỹ năng sống khác của người trẻ đã bị giảm sút, khiến họ cảm thấy bớt hạnh phúc hơn so với trước đây.
Ngay cả khi toàn bộ các hạn chế được dỡ bỏ vào giữa tháng 2/2022, một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ Anh gặp khó khăn trong việc tái hoà nhập cuộc sống thực, thoát khỏi cuộc sống ảo mà họ đã quen thuộc trong suốt 2 năm qua.
Chưa kể, nhiều tình bạn đã gần như “rạn nứt” vì lâu không gặp gỡ, nỗi lo lắng mỗi khi ra ngoài sẽ mắc phải bệnh dịch, nhiều thanh niên thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội còn mất việc làm hoặc không thể theo chương trình giáo dục của họ vì khó khăn tài chính. Tất cả những điều này đều góp phần khiến tâm trạng của giới trẻ “xứ sở sương mù” trở nên “âm u” hơn.
Một cuộc khảo sát khác của Văn phòng Thống kê Quốc gia vào tháng 2/2022 cũng cho thấy, người trẻ trong độ tuổi từ 16-29 cảm thấy lo lắng nhiều hơn so với phần còn lại của dân số, đặc biệt là cao hơn rất nhiều so với những người trong độ tuổi 50-69. Cảm xúc tiêu cực thường thấy ở người trẻ là sự cô đơn. Biểu hiện ở chỗ, có nhiều bạn trẻ Anh đã dành đến 19 giờ mỗi ngày trước màn hình, nhiều người trẻ từ chối các mối quan hệ lãng mạn, thậm chí mặc quần áo bó sát cơ thể với mục đích tránh sự chú ý.
Tuổi trẻ thường được gắn với những cụm từ như “nhiệt huyết”, “khám phá bản thân”, “trải nghiệm”,… tuy nhiên, đại dịch đã làm ngắt quãng quá trình này của rất nhiều bạn trẻ Anh, tách họ ra khỏi cộng đồng và trường học và những trải nghiệm thực tế. Một số cô gái trẻ đã dành đến 19 giờ mỗi ngày trên màn hình của họ và những người khác quyết định không phát triển các mối quan hệ lãng mạn, thậm chí mặc quần áo bó sát cơ thể với mục đích tránh sự chú ý.
Molly Trenwith, 23 tuổi, đến từ Wigan, là một trong số hàng nghìn thanh niên đã trải qua việc mất người thân bởi đại dịch. Sau khi mẹ cô (60 tuổi) qua đời, Molly cho biết sự lo lắng của cô ngày càng gia tăng đến mức “sợ hãi khi rời khỏi nhà và sợ hãi COVID-19”. Điều đó có nghĩa là, với một cô gái trẻ đang độ tuổi tìm tòi, phát triển, việc tiếp xúc trực tiếp với bạn bè và gia đình cô được thay thế bằng mạng xã hội và tin nhắn qua điện thoại như Facebook hay WhatsApp. “Tôi chỉ nằm trên giường. Tôi nghĩ tôi có thể cải thiện sức khoẻ tâm thần của mình nhưng trên thực tế, nó khiến tôi cảm thấy tồi tệ hơn”, cô cho biết, “Thật kỳ lạ khi tôi cảm thấy mình đã thay đổi, tôi thậm chí không thể bắt đầu một cuộc trò chuyện với người bạn mới”.
Mahoua Koui, 22 tuổi, đến từ Stoke, cho biết cô thấy việc duy trì tình bạn trong suốt hai năm qua rất khó khăn. Vốn là một cô gái quảng giao, sau đại dịch, vòng tròn bạn bè của cô đã giảm xuống chỉ còn 2 người bạn thân.
Ông Jonathan Townsend, Giám đốc điều hành Prince’s Trust của Vương quốc Anh nhận định rằng: “Vòng xoáy cảm xúc tiêu cực đáng báo động đang bao trùm người trẻ Anh hiện nay, bao gồm sự lo lắng, căng thẳng và thiếu tự tin. Điều này không chỉ tác động đến những người trẻ hiện nay mà còn cả những thế hệ tương lai”.
Dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến sự hạnh phúc của người trẻ Anh hiện nay, Chính phủ, nhiều tổ chức cho người trẻ và doanh nghiệp tại quốc gia này đang cố gắng đưa ra những giải pháp để khắc phục tình trạng này, tăng sự hạnh phúc của người trẻ - những thế hệ tương lai của đất nước.
|
Mahoua và Molly, hai bạn trẻ Anh cho biết luôn cảm thấy lo âu sau dịch. Ảnh: Guardian. |
Dịch bệnh khiến giới trẻ Việt nghĩ gì về hạnh phúc?
Đáng nói, tâm trạng tiêu cực và mất kết nối cũng đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tần suất sử dụng mạng xã hội của người trẻ tăng đột biến trong bối cảnh đại dịch những năm qua. Theo đó, nhiều người trẻ Việt hiện nay chia sẻ, mối lo ngại lớn nhất của họ chính là vấn đề tiền bạc, bên cạnh những mối lo khác về sức khoẻ, bạn bè, tương tác thực,…
Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi dịch bệnh diễn ra, nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề, vật giá leo thang, mức lương và trợ cấp công việc cũng phần nào bị ảnh hưởng. Do vậy, nhiều bạn trẻ không ngần ngại chỉ ra rằng “hạnh phúc hiện nay chính là có nhiều tiền”. Trước khi vội đánh giá lối suy nghĩ này là thực dụng, chúng ta nên suy xét những câu chuyện thực tế.
Chị V.M.P (28 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Bạn sẽ nhận ra tiền có thể đem lại hạnh phúc khi lớn lên trong một gia đình nghèo khó, ngay từ nhỏ đã phải nhìn thấy sự vất vả, lăn lộn của cha mẹ để mong mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế tôi có ước mơ kiếm thật nhiều tiền để không phải chứng kiến sự vất vả của cha mẹ, hay những sứt mẻ trong gia đình chỉ vì tiền bạc”. Với chị P., niềm hạnh phúc chính là đỡ đần giúp gia đình, để bố mẹ bớt lo toan bộn bề nhiều việc mà có thời gian nghỉ ngơi chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt trong thời điểm khó khăn như hiện giờ.
Mặt khác, có nhiều bạn trẻ đam mê kiếm tiền để có thể chi trả cho những trải nghiệm mới của bản thân như đi du lịch, mua sắm, tham gia một khoá học ngôn ngữ, cắm hoa, hay thể thao, làm bánh… mà không phải “ngửa tay” xin tiền bố mẹ - đó là niềm hạnh phúc của sự tự lập. Nhiều bạn trẻ lại cảm thấy yên tâm hơn khi mình luôn có những khoản tích trữ cho tương lai, biết cách quản lý tình hình tài chính của bản thân - đó là niềm hạnh phúc của sự ổn định, sau hai năm đầy bất ổn, sóng gió.
Nói cách khác, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ tin rằng, sự thoả mãn và niềm hạnh phúc xuất phát từ sự ổn định và trách nhiệm tài chính. Hiểu nôm na, đây là cách sử dụng tiền bạc một cách hợp lý, cân đối, giúp người trẻ tìm đến những ý nghĩa khác trong cuộc sống. Đó có thể là dành thời gian cho gia đình, đi tìm tình yêu, đi chơi với bạn bè, nuôi dưỡng những sở thích, chăm sóc sức khoẻ tinh thần hay giúp đỡ người khác.
Trong đợt dịch bệnh, rất nhiều người trẻ tuổi từ các trường y trên nhiều tỉnh, thành toàn quốc đã xung phong tham gia cống tác chống dịch ở tuyến đầu. Nhiều bạn đã chia sẻ rằng đó là “quyết định sáng suốt nhất của tôi từ trước đến giờ”, “niềm an ủi của tôi trong những năm dịch bệnh khi được chăm sóc người khác”, và “niềm tự hào vì bản thân đã và đang cùng mọi người góp một chút công sức trong công tác chống dịch”,… Mặt khác, những hoạt động cộng đồng, thiện nguyện cũng được nhiều bạn trẻ đánh giá là khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn vì được cống hiến công sức và góp phần cải thiện những cộng đồng mà họ giúp đỡ.
Cuối cùng, một bộ phận giới trẻ Việt lại cảm thấy niềm hạnh phúc giản đơn từ việc tận hưởng và trân trọng mỗi ngày trôi qua của mình. Bạn N.Q.H (23 tuổi, hiện làm công việc lễ tân tại một khách sạn ở phường Dịch Vọng Hậu, Hà Nội) cho hay: “Có rất nhiều thứ khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và nó khá đơn giản. Ví như mỗi ngày tôi được đi làm, được gặp đồng nghiệp, chào hỏi khách, hoặc được thưởng thức một món ăn ngon, xem một cái gì đó hay hoặc làm một điều gì đó nhỏ bé giúp người khác”.
Còn với H.N: “Dịch bệnh, nhiều dự định dang dở khiến tôi phần nào chán chường hẳn nhưng ở phía tích cực, qua các đợt giãn cách, tôi có nhiều thời gian nghỉ ngơi, suy ngẫm và sống chậm lại. Với tôi hạnh phúc là cuộc làm việc với chính nội tâm của mình để hiểu mình, yêu mình và từ đó yêu cuộc đời nhiều hơn”.
Có thể thấy, điều gì khiến người trẻ thời hiện đại cảm thấy hạnh phúc có sự khác nhau ở từng người, từng thế hệ, từng quốc gia. Nhưng điểm chung là dịch bệnh đã phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ hạnh phúc và quan niệm nhìn nhận hạnh phúc của giới trẻ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Để tìm ra hạnh phúc cho riêng mình, đôi khi những người trẻ phải cần đến sự giúp đỡ từ người khác như tại Anh; nhưng họ cũng có thể tự tạo ra những phạm trù hạnh phúc mới cho riêng mình như nhiều bạn trẻ tại Việt Nam.