Hành trình Đỏ 2019 tiếp nhận hơn 85.000 đơn vị máu

(PLVN) - Trong những năm gần đây phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước đã có những thay đổi rõ rệt, số đơn vị máu tiếp nhận theo đó cũng tăng liên tục. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu sử dụng máu của các bệnh nhân vẫn rất cao.
Ngày càng nhiều người tham gia hiến máu. (Ảnh minh họa)

Dùng mạng xã hội để “tìm máu”

Mặc dù nhiều năm trở lại đây phong trào hiến máu tình nguyện lại các cơ quan ,đoàn thể đều diễn ra.  Thế nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số bệnh viện vẫn còn tình trạng thiếu máu để điều trị. Thậm chí có nhiều người vẫn phải đăng bài vào các hội - nhóm trên các trang mạng xã hội để kêu gọi cộng đồng mạng hiến máu giúp người thân, bạn bè của họ lúc nguy cấp.

Đơn cử, gần đây nhất là trường hợp của gia đình chị Quỳnh Hoàng (Hà Nội). Theo chia sẻ, cháu chị 2 tuổi, bị nhiễm virus lạ, đang nằm điều trị tại phòng vô trùng Bệnh viện Nhi trung ương. Virus khiến cháu chị Quỳnh suy giảm mọi chức năng nội tạng trong cơ thể và giờ đã đi vào phổi.

Cháu đã lọc máu nhưng tiểu cầu đang rất thấp và rất cần người có nhóm máu AB+ hiến máu, để thực hiện tách tiểu cầu khi cần. Nhằm kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ, chị Quỳnh đã thông qua mạng xã hội facebook để tìm kiếm nhóm máu cho cháu mình.

Tương tự, chị Phương Nguyễn (Đà Nẵng) cũng có hoàn cảnh như trên. Theo lời chia sẻ của chị, người thân chị bị ngã nên tổn thương thận và nứt mạch máu dẫn đến tụt hồng cầu rất nhiều. Người trong gia đình chị hầu hết không cùng nhóm máu; người cùng nhóm máu thì sức khỏe yếu không thể cho; bệnh viện thì không còn đủ máu, vì vậy chị cũng dùng mạng xã hội để tìm người nhóm máu AB giúp người thân của chị vượt qua cơn nguy kịch.

Trước đó, trường hợp của cháu Ngô Lễ Quốc Khánh, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh, cũng được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều. Theo tìm hiểu, bệnh nhi bị bệnh về máu, đang bị xuất huyết và cũng cần truyền gấp nhóm máu AB. Qua đó, có thể thấy rằng “AB” là nhóm máu khan hiếm tại hầu hết bệnh viện nên người nhà bệnh nhân luôn phải vận động tìm kiếm. 

Đẩy mạnh phong trào hiến máu 

Hằng năm chiến dịch Hành trình Đỏ do Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện được diễn ra rất tích cực và đem lại nhiều thành quả lớn qua các năm: trong năm 2013 hành trình đã dừng chân tại 15 tỉnh/thành; năm 2014 dừng chân tại 25 tỉnh/thành phố, năm 2015 hành trình tổ chức tại 23 tỉnh, thành phố;…

Đặc biệt, đến năm 2019 Hành trình Đỏ đã được tổ chức tại 39 tỉnh/thành phố. Đây cũng là năm hành trình nhận được sự tham gia của nhiều địa phương nhất từ khi thành lập.

Hành trình Đỏ 2019 diễn ra với 207 điểm hiến máu hưởng ứng ngay tại các địa phương, qua đó tiếp nhận được tổng cộng hơn 85.000 đơn vị máu. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công Hành trình Đỏ 2019 với trên 1.000 đơn vị máu được tiếp nhận như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Đắk Lắk, TP HCM...

Trải qua 7 năm thực hiện, chiến dịch vận động hiến máu Hành trình Đỏ đã đi qua 50 tỉnh/thành phố, tổ chức tiếp nhận được hơn 250.000 đơn vị máu. Hành trình Đỏ đã góp phần mang lại sự sống, niềm tin, hạnh phúc cho biết bao mảnh đời, gia đình trên cả nước.

Hành trình Đỏ là một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu có thể xảy ra trên toàn quốc vào dịp hè,  góp phần thúc đẩy công tác tuyên truyền vận động hiến máu trong việc nâng cao số lượng người tham gia hiến máu nhân đạo, tuyên truyền về các bệnh bẩm sinh, di truyền, tan máu bẩm sinh; ngoài ra Hành trình Đỏ cũng sẽ góp phần tập dượt công tác tổ chức ngày hiến máu lớn, tiếp nhận máu và điều phối máu trên phạm vi toàn quốc.

TS.BS Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Trưởng ban tổ chức Hành trình Đỏ 2019 cho rằng: "Lượng máu tiếp nhận trong chương trình Hành trình Đỏ đã được điều phối chung trên cả nước, khắc phục được tình trạng khan hiếm máu ở nhiều địa phương. Tất cả điều đó một lần nữa khẳng định thông điệp đúng đắn mà Hành trình Đỏ mang lại "Kết nối dòng máu Việt” - mang dòng máu Việt cho người Việt, vì sức khỏe người Việt”.

Là một người rất tích cực trong hoạt động hiến máu tình nguyện tại trường học và địa phương, bạn Lô Đình Sóng, sinh viên Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội (Hà Nội) cho biết: “Mình cảm thấy hiến máu là một việc làm rất thiết thực nên mỗi lần có hoạt động hiến máu ở trường hay ở những nơi khác mình đều tham gia rất tích cực nếu đủ điều kiện về sức khoẻ.

Khi hiến máu mình luôn nghĩ rằng, máu của mình có thể mang lại hiệu quả điều trị hay kéo về sự sống cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư, bị bệnh thiếu máu, bệnh nhân bị tai nạn  hay phải thực hiện các cuộc phẫu thuật… nên mình cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào…”. 

Đọc thêm