Nhân chứng đặc biệt bắt đầu cho Hành trình giải mã vụ án nấu nhầm cao… người là ông Đinh Văn Tám (SN 1948, ngụ thôn Dốc Kẹm, xã Hương Cần). Ông được giao trồng 18ha rừng ở thôn Đá Cóc. Đối diện lán ông ở, bên kia quả đồi, là khoảng rừng nơi phát hiện ra “xác tinh tinh”.
Tinh tinh biết… mặc quần áo?
Đêm 29/11/1998, sáu ngày trước khi phát hiện xác sinh vật lạ, ông Tám đang nằm ngủ ở lán thì nghe một tiếng nổ khá lớn. Ông choàng tỉnh dậy, nhìn sang khu rừng đối diện, thấy xuất hiện ánh lửa phát ra từ đám cháy nhỏ. Đoán rằng người nào đó đi đốt ong rừng ban đêm, ông quay lại giường ngủ tiếp.
Hai hôm sau, ông có việc đi Hà Giang. Cả tuần sau về nhà, mới được nghe kể chuyện người dân thôn Đá Cóc bắt được “con tinh tinh quý hiếm” ở gần đám cháy tối hôm trước, ông đã nghi ngờ.
“Tôi nói với mọi người rằng khó có tinh tinh ở khu rừng này được, khả năng bị nhầm lẫn rất cao. Tuy nhiên, nhiều người trong bàn nhậu phản bác lại ý kiến của tôi, cho rằng sinh vật giống hệt con tinh tinh”, ông Tám nhớ lại. Tranh luận một hồi lâu, men rượu đã ngà ngà, ông cao hứng: “Giờ ai dám cùng tôi lên chỗ bị cháy xem không?”. Ban đầu một số người chần chừ, nhưng được ông Tám “khích tướng”, nên khoảng 16h, nhóm bốn người do ông Tám dẫn đầu lần lên ngọn đồi.
Khu vực đám cháy là một bãi đất khá bằng phẳng, rộng cỡ hai manh chiếu ghép lại, ở giữa là đống tro tàn. Ông Tám dùng que bới đống tro tàn lên, quan sát thật kỹ, bàng hoàng nhận ra một cúc áo bằng đồng, một cặp tóc bằng nhôm, mảnh vải nhỏ màu xám chưa cháy hết. Cả nhóm người dụi mắt đi dụi mắt lại vài lần: Phải chăng “tinh tinh” cũng mặc quần áo?
Chân tay run rẩy, họ ngồi phịch xuống đất một lúc cho tĩnh tâm, rồi lại tiếp tục sục sạo. Trong những thanh củi chưa cháy hết quanh đám tro, ông Tám còn thu được mấy sợi tóc dài giống như tóc của phụ nữ. Bốn người ngơ ngác hỏi nhau: “Tinh tinh làm gì có tóc và những thứ này được”.
Sợ hãi tột cùng, nhưng không được tháo chạy, phải cố bình tĩnh. Đầu óc lùng bùng, chân xiêu vẹo, nhóm người lê lết rời khu rừng lần xuống chân đồi.
Sợ nhũn người
Đoàn người run run đi về. Tối hôm đó, ông Tám lại có cảm giác lạnh mình, không dám ở lán trong rừng lạnh lẽo, mà về nhà ở thôn Dốc Kẹm. Chiếc phong bì đựng những tang chứng trong túi ông cứ cảm giác lúc nặng lúc nhẹ.
Ông say rượu, hay ảo giác có cảm giác ai đó níu kéo túi quần ông? Cảm giác kinh hoàng hơn khi chợt nhớ lại chuyện lạ hôm trước mấy người ở thôn Đồng Cóc nói, những xoong nồi dùng để nấu “cao tinh tinh”, khi mang đi rửa, dìm mãi mà vẫn không chịu chìm, cứ nổi lềnh phềnh trên mặt nước như “ma làm”.
Nghĩ đến đây, chân ông như nhũn ra. Ông ghé vào một cửa hàng tạp hóa, mua bó nhang. Đến trước cổng nhà mình, ông cẩn thận bỏ chiếc phong bì ra, kẹp vào hai thanh gỗ hàng rào trước sân, thắp nhang cầu khấn: “Tôi về đến nhà mình rồi, ông bà không phải là người nhà tôi nên không vào nhà được. Mong ông bà cứ tạm ở đây”.
Sáng sớm hôm sau, câu chuyện lọt đến tai bà phó thôn. Bà phó thôn thì nhanh chân bước về trụ sở ủy ban xã báo cáo sự việc.
Cả xã “nổi sóng”
Chiều cùng ngày, Trưởng công an xã Hương Cần đến nhà ông xác minh sự việc. Nhìn vật chứng, ông ta sững người, lập tức mời ông Tám lên xã.
Một cuộc họp bất thường được triệu tập ngay lập tức tại trụ sở UBND xã Hương Cần, có mặt đầy đủ chủ tịch, bí thư. Sau khi ông Tám giở tang vật ra và trình bày ngắn gọn quá trình đi tìm những chứng cứ, chủ tịch xã lập tức gọi điện thông báo sự việc đến lãnh đạo xã bạn Thắng Sơn. Toàn bộ công an viên hai xã được triệu tập.
Xác “sinh vật lạ” đã được nấu cao (hình minh họa) |
Một nhóm công an viên được phân công lên hiện trường xem xét lại tình hình, bảo vệ hiện trường; một nhóm được cử đến chỗ những người nấu cao.
Nồi cao đã nguội, đã được đổ ra túi bóng, đựng trên đĩa tròn. Những khúc xương sau khi nấu cao cũng vẫn còn, trắng bệch, nhẹ tênh. Chỉ ít hôm nữa, có thể những cục xương này cũng được tán thành bột, hòa vào với cao. Tất cả tang vật này đều được lực lượng chức năng thu giữ. Bàn tay “tinh tinh” đang treo ở gác bếp nhà một người trong xóm, chiếc đầu “tinh tinh” ở nhà vị cán bộ kiểm lâm cũng lập tức được thu về.
Nghe thông tin tìm thấy tóc người, quần áo trong đám cháy, những người tham gia quá trình xẻ thịt “tinh tinh” người mặt tái mét, cắt không còn giọt máu; người thì trấn an “Cả làng cùng xem, ai cũng nói đó là giống khỉ, nhầm lẫn sao được”.
Tất cả được lệnh yên vị, chờ công an huyện và tỉnh sáng hôm sau sẽ tới.
Vì sao lại có những tóc người, quần áo trong đám cháy? Phải chăng những người tìm thấy xác sinh vật lạ đã phạm phải sai lầm chết người? Hiện trường đã cháy tan hoang, dù cảnh sát vào cuộc thì cũng có thể tìm ra lời giải? Mời bạn đọc đón tiếp trên Xa lộ pháp luật số 158.
Chiều ngày 5/12/1998, ông Đinh Văn Ngạch (SN 1946, ngụ thôn Đá Cóc, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) lên thăm rừng, phát hiện một sinh vật chết trong đám cháy rừng. Người này cho rằng đó là “con tinh tinh” bị biến dạng, cháy xém, đen thui, lưng gù, chi trước co quắp, bị cháy nên cằm hất lên, cổ rụt, khuôn mặt co lại, hàm răng nhe ra trắng nhởn. Ông Ngạch kéo xác tinh tinh về, cùng nhiều người trong làng lọc xương nấu cao.
Vị kiểm lâm phụ trách khu vực còn đến xem xét, xin chiếc đầu về làm kỷ niệm. Nồi cao nấu lên có điểm đặc biệt là màu đỏ nhờ và mùi gây đặc biệt. Nhiều người đã nếm cao, mới sững người khi một nhân chứng đám cháy đi xa trở về, thuật lại những điều bất thường.