Hành trình không thể quên của những trái tim hướng về vùng lũ

(PLVN) - Sau nhiều ngày góp sức hỗ trợ đồng bào miền núi phía Bắc sau thiên tai, chúng tôi đã trở về với Thủ đô. Chuyến đi đã kết thúc nhưng nỗi nghẹn ngào, nỗi buồn, niềm vui dường như vẫn còn đó - một hành trình không thể quên của những trái tim hướng về vùng lũ trong những ngày gian nan nhất, cũng như hành trình tái thiết để đồng bào sớm ổn định cuộc sống…
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam (thứ hai từ trái qua) trực tiếp trao quà cho người dân chịu ảnh hưởng bởi lũ.

Chia sẻ cùng đồng bào tại các “địa chỉ đỏ”

Mưa lớn từ cơn bão Yagi cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại nhiều địa phương, như Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh… gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.

Riêng tại TP Yên Bái đã thống kê được trên 1.000 điểm sạt lở đất. Đặc biệt là vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người, vùi lấp ngôi làng của 33 hộ dân với 168 người. Sau cơn lũ bất ngờ, hơn 100 người chết và mất tích…

Cả dân tộc Việt Nam, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đã phải “gồng gánh” đau thương, mất mát lớn đến nghẹn lòng này. Sau khi từ Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, trở về Hà Nội lúc rạng sáng ngày 16/9/2024, khi bắt đầu ngày mới, tuần làm việc mới, chúng tôi lại hối hả cho hành trình tiếp theo. Toàn bộ nhân lực của cơ quan được huy động để nhận hàng, vận chuyển hàng, phân chia hàng để đến trưa ngày 18/9, đoàn xe của Báo Pháp luật Việt Nam chúng tôi chở tình cảm yêu thương của đồng bào cả nước tiếp tục lăn bánh.

Từng lọ thuốc, từng chai nước, từng thùng quà mang theo tình yêu thương, sự chia sẻ được các phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam truyền tay nhau đưa lên xe để đến với đồng bào vùng tâm lũ.

Điểm dừng chân lần này của chúng tôi là “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng - nơi đặt trụ sở đầu tiên của Bộ Tư pháp khi dời từ Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc giai đoạn 1949 - 1951. Chính nơi đây đã diễn ra những sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước cũng như của ngành Tư pháp.

Tại đây, Đoàn trao 250 suất quà cho MTTQ tỉnh Tuyên Quang để hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống sau bão lũ; tại trụ sở UBND huyện Na Hang (Tuyên Quang), Đoàn công tác đã trực tiếp trao tặng quà để hỗ trợ cho 12 gia đình bị mất, hư hỏng, thiệt hại về nhà ở. Đặc biệt, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cùng các nhà báo trong Đoàn công tác đã trực tiếp đến thăm một số gia đình bị thiệt hại nặng.

Anh Thảo A Chạ (trú tại thôn Nà Pin, xã Đà Vị, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) xúc động: “Nhà tôi chẳng còn gì đâu, đất đá sạt lở hết rồi, mấy bố con giờ cố gắng vượt qua thôi chứ biết làm sao bây giờ... Cảm ơn Báo Pháp luật Việt Nam đã quan tâm, giúp đỡ, trao quà cho gia đình tôi…”.

Xong nhiệm vụ tại Tuyên Quang, những chiếc xe mang theo 20 tấn nước sạch, 700 chiếc quần áo và thuốc men, bánh kẹo… tiếp tục vượt đồi núi để đến trao tặng, hỗ trợ đồng bào tại tỉnh Bắc Kạn.

Các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Báo PLVN cùng góp công, góp sức để hỗ trợ đồng bào vùng lũ.

Sáng 21/9, Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam đã đến chia sẻ hỗ trợ người dân ở huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn. Tiếp Đoàn, Chủ tịch HĐND huyện Chợ Đồn đã bày tỏ sự xúc động vì sự quan tâm, sẻ chia của Báo Pháp luật Việt Nam và đồng bào cả nước tới người dân Chợ Đồn.

Tổng Biên tập Vũ Hoài Nam cho hay, chuyến đi đầu tiên của Đoàn công tác tới Lào Cai, Yên Bái, Đoàn đã mang tới chia sẻ với bà con những món quà là thuốc không kê đơn, thực phẩm thiết yếu do các nhà tài trợ gửi tặng. Sau khi thấy tình trạng khẩn cấp đã qua, nắm bắt tình hình và yêu cầu thực tế, Đoàn công tác lại chuyển tới bà con những sản phẩm đời sống thiết yếu khác, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

“Của một đồng, công một nén”, những món quà chúng tôi mang tới đây giá trị vật chất không đáng kể, nhưng là tấm lòng của những người làm báo, là tình cảm của bà con, doanh nghiệp, bạn đọc hảo tâm khắp 3 miền gửi gắm tới đồng bào vùng lũ” - Tiến sĩ Vũ Hoài Nam chia sẻ.

Chia sẻ với Đoàn công tác, ông Đặng Đình Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho hay: Trong cơn lũ vừa qua, huyện đã phải di dời hơn 400 nhà dân. Về cơ bản, dân không bị mất kết nối, đảm bảo lương thực. Hiện huyện đang tổ chức xử lý môi trường ở khu vực bị ngập. Ông cũng cho hay, Chợ Đồn khắc phục hậu bão lũ tương đối nhanh. Với ngành điện, nước rút đến đâu là đóng điện đến đó. Nhà mạng được khắc phục ngay trong ngày để bà con không bị mất liên lạc. Hiện chính quyền địa phương đang phải tìm địa điểm để xây làng mới cho bà con. Nhưng chưa tìm được chỗ phù hợp, hơn nữa, bà con rất muốn ổn định tại chỗ, trong khi nguy cơ ở đó vẫn còn.

Theo tin của Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Chợ Đồn, sau cơn bão số 3 vừa qua Chợ Đồn bị thiệt hại khoảng hơn 120 tỷ đồng. Đặc biệt, xã Nam Cường ngập nặng, nhiều nơi có số hộ phải di dời khẩn cấp. 100 hộ đang phải sống trong nhà dựng tạm bằng bạt. “Cơn bão đi qua đã gây ra nhiều thiệt hại. Huyện Chợ Đồn là huyện miền núi, còn nhiều khó khăn, thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Trong những ngày này, đồng bào cả nước đang hướng tới với bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ, trong đó có bà con Chợ Đồn chúng tôi. Đồng bào từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Quảng Trị,… đã đưa đến cho chúng tôi từng viên thuốc, cái cuốc, cái xẻng, chai nước, gói bánh... chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Trung ương, của đồng bào cả nước để sớm khắc phục khó khăn, sớm có cuộc sống no ấm hơn nữa”.

Tổng Biên tập Vũ Hoài Nam cho biết, ngoài các phần quà là hiện vật thiết yếu, Báo Pháp luật Việt Nam trao tặng 80 triệu đồng là quà tặng của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành gửi tới để chính quyền huyện Chợ Đồn chia sẻ với bà con đang cần. Ông cũng hy vọng sẽ tiếp tục kết nối được với các doanh nghiệp đồng hành, các nhà hảo tâm để có thể hỗ trợ cho đồng bào huyện Chợ Đồn trong giai đoạn tiếp theo, sớm ổn định cuộc sống.

“Chúng tôi sẽ đồng hành cùng bà con trong giai đoạn tái thiết”

Tuyên Quang, Bắc Kạn cũng như các tỉnh miền núi khác từng là nơi cuộc sống trôi qua trong sự an yên với những cánh đồng bậc thang lúa chín vàng trải dài và những ngôi nhà nhỏ nép mình dưới chân núi. Nhưng rồi cơn bão lớn bất ngờ ập đến, nơi đây nhiều khu vực đã trở thành "rốn lũ". Thiên tai đã làm bị thương 04 người, hơn 2.300 nhà ở bị hư hỏng (trong đó, có 620 nhà phải di dời do sạt lở đất, ngập lụt, 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn); đến ngày 17/9 vẫn còn 215 nhà tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn vẫn đang ngập nước, hơn 2.000ha cây trồng bị thiệt hại.

Bà cụ tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn không bán mà chỉ cho ai cần thì lấy. (Ảnh Hồng Khánh)

Các tuyến giao thông tại đây bị sạt lở nghiêm trọng với gần 650 vị trí, 90 công trình thủy lợi, nhiều nhà văn hóa, trụ sở y tế, giáo dục và công trình hạ tầng khác bị hư hỏng, nhiều tài sản của Nhân dân bị vùi lấp, ngập lụt, nhiều khu vực dân cư bị sạt trượt hoặc có nguy cơ sạt trượt cao... với ước tính thiệt hại sơ bộ hơn 860 tỷ đồng.

Trong chuyến công tác đến với người dân Bắc Kạn, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Phương Nga - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh chia sẻ: “Sau khi lũ quét, một số điểm ở Bắc Kạn bị ngập sâu, bà con từ mọi miền Tổ quốc về với Bắc Kạn, vô cùng xúc động trước nghĩa cử ấy, tỉnh cũng đã bố trí đón tiếp, người dân Bắc Kạn đáp lại ân tình đó bằng những bữa cơm 0 đồng, những chỗ nghỉ miễn phí. Có đoàn anh chị từ Bình Dương, Bình Phước ra. Họ lặng lẽ trao quà rồi lại về luôn trong đêm, chúng tôi vô cùng xúc động. Đền đáp làm sao lại những ân tình đó” - bà Nga rơm rớm nước mắt kể lại.

Sau cơn bão, Bắc Kạn vẫn còn đó những vết thương khó lành, nhưng sự tương trợ, đùm bọc yêu thương của đồng bào cả nước đã giúp nơi đây dần hồi sinh. Nụ cười trên môi trẻ thơ đã rạng rỡ trở lại, người dân các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc đã bắt đầu tái thiết cuộc sống.

Những câu chuyện đẹp về sự đùm bọc, sẻ chia trong khó khăn sẽ luôn là minh chứng cho sức mạnh đồng bào ta. Nghĩa cử cao đẹp từ bà cụ với hàng rau "không bán", những người dân miệt mài lên rừng hái măng gửi hàng xóm lúc khó khăn và những chuyến xe thiện nguyện lăn bánh từ mọi miền Tổ quốc đã làm sáng lên niềm tin vào tương lai cho người dân Bắc Kạn khi cơn bão quét qua. Sớm thôi, núi rừng nơi đây sẽ bình yên, xanh mát và hiền hòa trở lại.

Hành trình trọn 10 ngày đến với đồng bào miền núi phía Bắc của những người làm Báo Pháp luật Việt Nam đã tạm khép lại. Chỉ là tạm khép bởi nước đã rút, cũng không còn nơi nào đồng bào "ruột sạch, bụng rỗng không có gì ăn" như Tổng Biên tập của chúng tôi nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục lan tỏa thông tin, tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp, các bạn đọc hảo tâm để tiếp tục giúp đỡ bà con trong giai đoạn tái thiết”.

Tổng Biên tập Vũ Hoài Nam thông tin: “Báo Pháp luật Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, chúng tôi có phóng viên ở các tỉnh, thành. Trong đợt bão lũ vừa qua, chúng tôi phản ánh kịp thời về tình hình của bà con, công tác cứu trợ, cứu hộ. Thông tin này được chúng tôi tuyên truyền trên các ấn phẩm của báo. Bởi thế, ngay sau khi Báo Pháp luật Việt Nam phát động lời kêu gọi ủng hộ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chúng tôi đã huy động được lượng lớn sự chung sức của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.

Trong khoảng 5 ngày, chúng tôi huy động được khoảng 200 tấn hàng hóa. Số hàng này, chúng tôi đã lập tức phân loại, chuyển về các địa phương”.

Chiếc xe chở Đoàn công tác của Báo PLVN hỗ trợ đồng bào vùng lũ đã lăn xả trên hàng trăm cung đường, đi hàng nghìn kilomet mang theo những “trái tim hồng” đến với đồng bào Tây Bắc.

Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi trở về Hà Nội, bùn đất Tây Bắc vẫn còn vương trên quần áo. Nhưng trong sự mệt mỏi, xơ xác của hành trình dài ấy, ai cũng thấy đồng nghiệp của mình thật đẹp. Vẻ đẹp của sự sẻ chia, vẻ đẹp của sự đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”.

“Chẳng thể cầm được nước mắt khi chứng kiến những nỗi đau của bà con, nhưng vui vì bản thân mình, cùng với các đồng nghiệp dưới mái nhà chung Pháp luật Việt Nam đã góp và chia sẻ những nỗi đau, mất mát ấy với bà con. Và nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong lại được là người Việt Nam, được đứng dưới ánh cờ đỏ sao vào của Tổ quốc” - một nhà báo của Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ sau chuyến hành trình.

Cảm ơn vì đồng bào vẫn ở đó thật kiên cường - cho chúng tôi được gặp, được san sẻ đau thương, mất mát. Cảm ơn các doanh nghiệp, các bạn đọc hảo tâm đã tin tưởng và chung sức cùng chúng tôi!

Đọc thêm