Hành trình người khuyết tật chinh phục đấu trường thể thao quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, thể thao người khuyết tật đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam. Rất nhiều gương mặt vận động viên người khuyết tật đã được vinh danh trên các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế. Trong số đó, nhiều tài năng nổi bật đã được phát hiện thông qua các câu lạc bộ văn hóa thể thao và các giải đấu dành cho người khuyết tật tại cơ sở.
Những gương mặt vàng của làng thể thao người khuyết tật Việt Nam. (Ảnh: Tổng hợp)
Những gương mặt vàng của làng thể thao người khuyết tật Việt Nam. (Ảnh: Tổng hợp)

Phong trào thể dục, thể thao người khuyết tật

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm hơn 7,06% dân số. Phần lớn những NKT thường mang trong mình sự tự ti và mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân, điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng. Nhận thức rõ thực tế này, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã dành sự quan tâm sâu sắc đến NKT. Nhiều chính sách, văn bản pháp luật đã được ban hành, nhằm tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động phát triển xã hội và sống bình đẳng như mọi công dân khác.

Một trong những hoạt động được Đảng, Nhà nước quan tâm là tạo điều kiện cho NKT tham gia hoạt động thể dục, thể thao. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật NKT 2010 có nêu rõ Nhà nước có những chính sách để trợ giúp NKT trong hoạt động thể dục, thể thao. Mục đích nhằm nâng cao sức khỏe, hoà nhập cộng đồng; bảo đảm cơ sở vật chất và chế độ, chính sách cho vận động viên thể thao khuyết tật tập luyện và thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế. Theo đó, hoạt động thể dục thể thao của NKT được tổ chức lồng ghép vào đời sống văn hóa cộng đồng, được tổ chức đa dạng về loại hình, đáp ứng nhu cầu thể dục thể thao của NKT.

Nhằm nâng cao trách nhiệm, thực hiện Luật NKT, cụ thể là trợ giúp NKT trong hoạt động thể dục, thể thao, nhiều hoạt động đã được triển khai tích cực tại các cấp. Hiện nay, đã có hơn 35 tỉnh, thành phố tổ chức phong trào thể thao dành cho NKT với nhiều môn thể thao phù hợp. Bên cạnh đó, các giải thi đấu thể thao thường xuyên thu hút từ 1.000 đến 1.500 vận động viên khuyết tật tham gia. Có nhiều vận động viên đã đạt được những thành tích xuất sắc.

Tại tỉnh Hà Nam, xây dựng phong trào luyện tập thể dục, thể thao là một trong số những chỉ tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Hà Nam. Nhằm từng bước khơi dậy và lan tỏa tinh thần rèn luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe của NKT, Hội NKT tỉnh Hà Nam đã tích cực đẩy mạnh phong trào luyện tập thể dục thể thao sâu rộng đến từng hội viên.

Hướng tới mục tiêu mỗi địa bàn huyện, thị xã, thành phố đều có câu lạc bộ văn hóa thể thao NKT, Hội NTK tỉnh Hà Nam đã thành lập nhiều câu lạc bộ trên địa bàn; tổ chức tham gia giao lưu, thi đấu thường xuyên giữa các câu lạc bộ, các đơn vị tỉnh bạn; chú trọng nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng lãnh đạo, chuyên môn của câu lạc bộ;… Từ đó, đưa phong trào luyện tập thể dục, thể thao trở thành hoạt động xuyên suốt đối với mỗi tổ chức Hội. Đồng thời xác định đây là một trong những giải pháp, lĩnh vực giúp NKT xóa bỏ rào cản và hòa nhập bình đẳng với cộng đồng.

Tháng 11/2024, tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức thành công Giải thể thao NKT Lâm Đồng 2024, thu hút 150 vận động viên từ 8 đoàn đại diện các huyện và thành phố trong tỉnh tham gia tranh tài. Các vận động viên đã thi đấu ở nhiều bộ môn như xe lăn, xe lắc, cờ tướng và điền kinh. Kết thúc giải đấu, Ban Tổ chức trao tổng cộng 63 bộ huy chương (Vàng, Bạc, Đồng) cùng các giải thưởng cho những cá nhân và tập thể xuất sắc nhất.

Đây là lần thứ 7 giải thể thao thường niên mang ý nghĩa đặc biệt đối với các vận động viên khuyết tật được tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Giải đấu không chỉ góp phần động viên tinh thần, nâng cao sức khỏe mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành và đoàn thể đối với phong trào thể thao dành cho NKT. Đáng chú ý, từ mùa giải năm 2024, những vận động viên đạt thành tích xuất sắc sẽ được lựa chọn để tập luyện và tham gia thi đấu ở các giải thể thao NKT cấp quốc gia trong thời gian tới, mở ra cơ hội phát triển lớn hơn cho họ trên con đường thể thao chuyên nghiệp.

Những bước đi vạn dặm trên đấu trường thể thao quốc tế

Khi nhắc đến thể thao chuyên nghiệp, không thể không nhắc đến những đóng góp của thể thao NKT vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam. Có thể khẳng định rằng những thành công rực rỡ của thể thao NKT Việt Nam trên đấu trường quốc tế hầu hết đều bắt nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thể thao tại cơ sở, đặc biệt là ở các câu lạc bộ. Chính từ những nền tảng này, các vận động viên tiềm năng được tuyển chọn, đào tạo và đưa vào các đội tuyển quốc gia. Như vậy, từ những bước đi đầu tiên đầy bỡ ngỡ tại cơ sở, họ dần vươn lên chinh phục những cột mốc đáng tự hào, tiến xa hơn với những bước đi vạn dặm trên đấu trường thể thao quốc tế.

Phong trào thể dục, thể thao cơ sở - “cái nôi” đào tạo nhân tài cho thể thao người khuyết tật Việt Nam. (Nguồn: Lâm Đồng online)

Phong trào thể dục, thể thao cơ sở - “cái nôi” đào tạo nhân tài cho thể thao người khuyết tật Việt Nam. (Nguồn: Lâm Đồng online)

Minh chứng rõ nhất là những tấm huy chương danh giá đến từ các Đại hội thể thao tầm cỡ quốc tế. Gần đây nhất, vào tháng 9/2024, Đoàn thể thao NKT Việt Nam kết thúc thi đấu tại Paralympic (Đại hội thể thao NKT thế giới) Paris 2024 và hoàn thành chỉ tiêu đề ra với thành tích một Huy chương Đồng. Tấm huy chương do lực sĩ Lê Văn Công xuất sắc đạt được ở bộ môn cử tạ hạng cân 49kg. Mặc dù gặp chấn thương trước thềm sự kiện nhưng anh vẫn giúp Đoàn thể thao Việt Nam chạm tay vào huy chương tại kì Đại hội lần này. Như vậy, đô cử Lê Văn Công đã sưu tập đầy đủ huy chương ở Paralympic, anh giành Huy chương Vàng ở Paralympic 2016, Huy chương Bạc ở Paralympic 2020 và Huy chương Đồng ở Paralympic 2024.

Trước đó tại đấu trường châu lục - Asian Para Games 4 (Đại hội thể thao NKT châu Á lần 4) vào tháng 10/2023, Đoàn thể thao NKT Việt Nam đã xuất sắc giành được 1 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc và 9 Huy chương Đồng. Huy chương Vàng duy nhất được mang về bởi kình ngư Lê Tiến Đạt ở nội dung 100m bơi ếch nam, hạng thương tật SB5. Được biết, quá trình chuẩn bị cho giải đấu gặp không ít khó khăn nhưng các vận động viên Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại. Những tấm huy chương danh giá không chỉ là thành quả của sự kiên trì mà còn là minh chứng cho ý chí mạnh mẽ của các vận động viên khuyết tật Việt Nam trên đấu trường châu lục.

Cũng trong năm 2023, Đoàn thể thao NKT đã thi đấu thành công ở ASEAN Para Games 12 (Đại hội thể thao NKT Đông Nam Á lần thứ 12), với 125 vận động viên, tranh tài ở 8/14 môn thể thao, giành được 201 huy chương (trong đó có 66 Huy chương Vàng), xếp thứ ba toàn đoàn, đồng thời thiết lập 19 kỷ lục Đại hội. Nói về thành công, kình ngư 37 tuổi Trịnh Thị Bích Như đã “gây bão” tại Đại hội với 5 lần xuống nước giành 5 Huy chương Vàng và phá 3 kỷ lục. Hay lực sĩ Châu Hoàng Tuyết Loan, dù đã 48 tuổi nhưng cô đã giành Huy chương Vàng và phá kỷ lục hạng cân 55kg nữ với đòn tạ 105kg.

Có thể thấy, trên đấu trường thể thao quốc tế, vận động viên NKT đã chứng minh được tài năng, ý chí và nghị lực phi thường. Họ không chỉ vượt qua những giới hạn của bản thân mà còn khẳng định vị thế của thể thao NKT Việt Nam trên bản đồ quốc tế. Mỗi tấm huy chương, mỗi thành tích đạt được vừa là niềm tự hào cho quốc gia, vừa là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng, đặc biệt là những NKT. Thể thao không chỉ mở ra cơ hội để các NKT khẳng định bản thân mà còn giúp họ rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe. Nhờ đó, NKT có thêm tự tin, nghị lực để hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống, đồng thời thể hiện tài năng của mình một cách trọn vẹn.

Theo Ủy ban Paralympic Việt Nam, hiện cả nước có gần 40 vận động viên NKT đang được hưởng chế độ dinh dưỡng, tập luyện theo chính sách của Nhà nước. Đây là con số còn khá khiêm tốn và lực lượng vận động viên NKT theo thể thao đỉnh cao cần được nhân rộng hơn nữa, qua đó giúp phong trào thể thao NKT tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Ủy ban Paralympic Việt Nam xác định phát triển thể thao cộng đồng cho NKT là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phấn đấu tới năm 2030, cả nước có 1,5 triệu NKT được tham gia hoạt động, rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên trong cộng đồng và cơ bản hoàn thành 15 môn thể thao NKT được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng. Từ đó sẽ xuất hiện các tấm gương NKT tham gia thi đấu thành tích cao để trở thành những tấm gương sáng truyền động lực cho cộng đồng và xã hội.