Hành trình Việt Nam thực hiện các Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đánh giá Việt Nam là một thành viên tích cực, trách nhiệm và có nhiều đóng góp tích cực. Trong nhiều thập kỷ qua, nước ta đã hợp tác với UNESCO triển khai nhiều dự án để hỗ trợ các địa phương trong bảo vệ, thúc đẩy các thực hành văn hóa đa dạng và phong phú.
Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào Danh mục Di sản thế giới năm 1993.
Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào Danh mục Di sản thế giới năm 1993.

Từ thành viên tích cực…

Việt Nam là thành viên của Tổ chức UNESCO từ năm 1976. Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa, Việt Nam đã tham gia Công ước 1972 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ ngày 19/10/1987. Dấu mốc năm 1987 đã ghi nhận bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Kể từ đó, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng tiệm cận với tinh thần của Công ước 1972, dựa trên điều kiện thực tế về chính trị, kinh tế, xã hội tại nước ta. Bộ máy quản lý di sản thế giới từ Trung ương đến địa phương cũng dần được hoàn thiện qua các năm. Đồng thời, các nguồn lực bảo vệ di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa từ xã hội cùng với các nguồn hỗ trợ quốc tế khác nhằm bảo vệ di sản.

Ngày 5/9/2005, Việt Nam tiếp tục tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Ủy ban Liên Chính phủ Công ước hằng năm xem xét Hồ sơ đề nghị của các quốc gia thành viên để ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể vào các danh sách: Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Danh sách các thực hành tốt về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO đều phải có Chương trình hành động và Kế hoạch bảo vệ di sản khi trình Hồ sơ.

Kể từ tháng 12/2017, Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và sau đó ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; đến nay, Việt Nam đã có 14 di sản được UNESCO ghi danh vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 01 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp).

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia đối với từng di sản, đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố có di sản được ghi danh xây dựng các dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Bởi vậy, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các dự án, đề án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo các giai đoạn khác nhau.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý danh sách dự kiến xây dựng Hồ sơ trình UNESCO đối với 26 di sản văn hóa phi vật thể. Hiện UNESCO đang xem xét theo lộ trình 03 Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã trình trong thời gian vừa qua là: Nghề làm gốm của người Chăm, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. 4 di sản văn hóa phi vật thể đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép và đang tổ chức xây dựng Hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào các danh sách gồm: Mo Mường, Nghệ thuật Sơn Mài, Võ cổ truyền Bình Định, Nghệ thuật Chèo Châu thổ sông Hồng.

Bên cạnh đó, có 5 di sản đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhưng chưa triển khai xây dựng Hồ sơ: Nghệ thuật truyền khẩu Sử thi Tây Nguyên, Múa rối nước Đồng bằng Bắc Bộ, Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam Bộ, Tri thức và kỹ thuật Thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số ở cáo nguyên đá Hà Giang, Nghi lễ Quá tăng (lễ cấp sắc) của người Dao.

UNESCO công nhận phố cổ Hội An là Di tích Văn hóa thế giới vào năm 1999.

UNESCO công nhận phố cổ Hội An là Di tích Văn hóa thế giới vào năm 1999.

… đến những đóng góp không ngừng nghỉ

Mặt khác, Việt Nam là một trong những nước nỗ lực tham vào quá trình soạn thảo và sớm phê chuẩn Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Đặc biệt, sau khi phê chuẩn công ước, Việt Nam trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO nhiệm kỳ (2011 - 2015). Trong thời gian sắp tới, nước ta sẽ tham gia Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước (Công ước 2001).

Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước 2003 vào tháng 7/2022, Việt Nam trúng cử Ủy ban Bảo vệ di sản di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026 với số phiếu cao nhất. Điều này cho thấy uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đặc biệt là trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trong nước và thế giới.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đánh giá: “Với tư cách là thành viên Ủy ban liên chính phủ nhiệm kỳ 2022 - 2026, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu, ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể”.

Đầu tháng 9/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972), với chủ đề “50 năm tới - Di sản thế giới, nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”.

Tại đây, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định: “Công ước về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới là công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới, mà còn bảo vệ di sản văn hóa quốc gia”.

Tựu trung lại, các di sản văn hóa nói chung, các di sản thế giới nói riêng tại Việt Nam đã đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tạo việc làm tại địa phương, cộng đồng, góp phần phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Những dấu mốc quan trọng trong hành trình thực hiện các Công ước của UNESCO trong hơn 3 thập kỷ qua đã ghi nhận sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực bảo vệ di sản văn hoá. Các di sản văn hóa, thiên nhiên được bảo vệ, phát huy giá trị đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và bền vững cho người dân.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận vào năm 2005.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận vào năm 2005.

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước ta đã có 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 3.591 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và 123 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hơn 40.000 di tích và khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Hệ thống bảo tàng gồm 187 bảo tàng (với 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị hơn 4 triệu hiện vật.

Việt Nam có 8 di sản được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được ghi danh ở tầm châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn có 9 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Đọc thêm