Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hậu Giang, trong quý 1/2020, tình hình ATGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, TNGT được kéo giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, góp phần giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Toàn tỉnh xảy ra 11 vụ TNGT làm 8 người chết và 3 người bị thương. So cùng kỳ 2019, giảm 15 vụ (57,7%), giảm 16 người chết (66,7%) và 2 người bị thương (40%). Để đạt được kết quả và số liệu ấn tượng đó, các ngành chức năng toàn tỉnh Hậu Giang đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách bằng nhiều hành động thiết thực, gần gũi và hiệu quả.
Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hàng ngàn băng rôn tuyên truyền về ATGT được treo và dựng bên đường. Bên cạnh đó, hàng chục ngàn tờ gấp tuyên truyền phổ biến quy tắc giao thông, tuyên truyền “Hãy nói không với rượu, bia và các chất kích thích bị cấm trước và trong khi lái xe” được phát cho người dân để biết và nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh cùng các ngành, các cấp cũng đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị địmh số 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tổ chức Hội nghị ký cam kết “Đã uống rượu, bia – không lái xe” cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giao thông vận tải của tỉnh.
|
Ủy ban ATGT tỉnh cho rằng, cần xử lý những bất cập trong kết cấu hạ tầng giao thông để đảm bảo ATGT. |
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh đã tổ chức hơn 4.000 cuộc tuyên truyền với hơn 82 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân tham dự. Bên cạnh đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả như: “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Nông dân với văn hóa giao thông”, “Phụ nữ với ATGT”,“Bảo đảm TTATGT trong đồng bào công giáo và dân tộc Khmer”.... Đăng ký thực hiện các mô hình điểm như: “Bến đò ngang an toàn”, “Câu lạc bộ chống đuối nước cho trẻ em”, “Đội xung kích tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn trên sông”, “Đò dọc an toàn”...
Song song đó, Sở GD&ĐT cũng chỉ các trường chức cho phụ huynh ký cam kết, phối hợp với nhà trường giáo dục kiến thức cho con, em khi tham gia giao thông. Tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ, giáo viên và học sinh về các quy định của Luật phòng, chống tác hại rượu, bia tạo được sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên toàn ngành.
Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền và tổ chức ký cam kết thực hiện quy định của pháp luật về khai thác cảng, bến thủy nội địa cho 56 cảng, bến.
Bên cạnh việc các ngành trong toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh Hậu Giang còn đẩy mạnh thanh tra, tuần tra kiểm soát và xử lý các vi phạm. Các lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tuần tra kiểm soát đường bộ gần 5.500 cuộc, phát hiện gần 10.000 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt hơn 8.600 trường hợp với số tiền trên 8,5 tỷ đồng. Tổ chức gần 900 cuộc tuần tra kiểm soát đường thủy, phát hiện 3.560 trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, Thanh tra giao thông đã kiểm tra 130 cuộc, nhắc nhở tại chỗ 202 trường hợp, phạt tiền 36 trường hợp, với tổng số tiền 122,8 triệu đồng; phối hợp với Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự, xã hội công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, TP kiểm tra các công trình xây dựng trái phép, đã giải tỏa 135 ô dù các loại, 76 biển hiệu, bục bệ, 56 mái che, 225 trường hợp buôn bán, kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè gây mất trật tự ATGT đường bộ.
Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hậu Giang cho biết, TNGT trên địa bàn tỉnh mặc dù đã kéo giảm sâu 3 tiêu chí nhưng tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. TNGT vẫn còn ở mức cao. Tình trạng ùn tắc cục bộ và lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo ông Thành, trong thời gian tới cần tiếp tục xử lý những bất cập trong kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, những vị trí thường xuyên gây xung đột giao thông; rà soát lại hệ thống biển báo để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; thường xuyên phát quang, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cầu, đường, kẻ vẽ tim đường, phân làn giao thông...
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, kiểm định, chứng nhận an toàn kỹ thuật xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa. Phối hợp Ban QLDA ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh sớm triển khai hệ thống đèn chiếu sáng, đèn điều khiển giao thông và đèn cảnh báo giao thông trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường kiểm tra các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, nhất là các bến đưa rước học sinh; đình chỉ ngay các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông hoạt động không phép hoặc không bảo đảm an toàn.