Hậu họa khôn lường do khôn loại bỏ pin đúng cách

(PLVN) - Mỗi gia đình ở Đà Nẵng được ghi nhận có khoảng 10-15 thiết bị điện tử sử dụng pin. Nhưng ít ai biết, vật nhỏ gọn này lại chứa “mỏ” hóa chất độc hại như chì, thủy ngân, Cadmium và Asen (thạch tín)…
Một địa chỉ thu gom pin tại số nhà 53 Phan Kế Bính Đà Nẵng
Một địa chỉ thu gom pin tại số nhà 53 Phan Kế Bính Đà Nẵng

Đáng nói, sau khi sử dụng, các viên pin này trở thành phế thải, nếu không thu gom, xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Trước tác hại được chia sẻ, người dân Đà Nẵng bắt đầu tiên phong thu gom từ việc đặt hộp thu gom trước mỗi khu dân cư hay quán cà phê.

Độc hại không tưởng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, hiện nay bình quân mỗi ngày Đà Nẵng thải ra khoảng 1.000 tấn rác, trong đó có rác thải từ cao su, nhựa, ắc quy. Đặc biệt, trong mỗi gia đình có nhiều thiết bị điện tử có sử dụng pin và số lượng đã qua sử dụng hằng ngày thải ra môi trường khá lớn.

Thế nhưng, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, các doanh nghiệp chỉ thu gom, phân loại và xử lý được một phần, còn lại lẫn trong rác thải sinh hoạt. Kết thúc xử lý của bin bằng hai phương pháp: Chôn lấp hoặc đốt.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, cả hai phương pháp trên đều tác động rất xấu đến môi trường. Khi chôn lấp pin, các kim loại nặng như: Chì, kẽm, niken và thủy ngân có trong pin sẽ thấm vào đất, nguồn nước ngầm và gây ô nhiễm nguồn nước.

Còn đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, chất độc của pin đọng lại trong tro gây ô nhiễm không khí. Lượng thủy ngân có trong một cục pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm.

Khi con người hấp thụ qua đường ăn uống hoặc hít thở, các độc tố phát tán từ pin có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản, tim mạch, gây ung thư nhiều loại và dị tật thai nhi. 

Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường chia sẻ, do lượng rác thải độc hại không có thường xuyên nên người dân chưa hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Hơn nữa, có phân loại, người dân cũng không nắm rõ ngày, giờ đơn vị nào chịu trách nhiệm về thu gom và xử lý loại rác thải nguy hại này.

Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng việc hình thành thói quen phân loại rác thải nguy hại ngay tại nguồn.

Đồng thời, thành phố cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân tái chế chất thải nguy hại, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Về lâu dài, chính quyền cần đầu tư lắp đặt dây chuyền, công nghệ xử lý rác thải hiện đại, khép kín để xử lý tận gốc chất thải nguy hại từ pin, ắc quy, vỏ bao thuốc trừ sâu...; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thu mua, tái sử dụng phế thải độc hại... 

Tiên phong vì thành phố môi trường

Với khẩu hiệu “Hãy bỏ pin cũ vào hộp, để tôi giúp bạn mang nó đi hủy”, một hộp nhựa được làm cẩn thận, có ghi câu tuyên truyền, đặt ở vị trí dễ nhìn trước cổng nhà số 53 Phan Kế Bính (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) được nhiều người chú ý.

Hơn cả tháng nay, địa chỉ này thường xuyên đón những người tiện đường trong khu vực ghé qua bỏ pin vào hộp. Tuy nhiên, vị chủ nhân ngôi nhà thừa nhận, không phải khi nào các hộp hay địa điểm thu gom cũng “no” pin. Rất ít người có ý thức gom pin cũ; khi không còn giá trị sử dụng, họ vứt bừa bãi hoặc ném vào thùng rác, thậm chí còn để cho trẻ con lấy làm đồ chơi.

Một lần tình cờ đọc được tác hại của pin trên mạng internet, anh Nguyễn Tấn Lộc (số 15 Phan Anh, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) quyết định chia sẻ lên facebook và lấy nhà mình làm địa điểm để mọi người tập kết pin đã qua sử dụng.

Anh cũng khá bất ngờ vì dòng “trạng thái” nhận được sự phản hồi tích cực, thậm chí, nhiều người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng liên hệ anh để giao pin. Theo anh Lộc, dù có khá nhiều lời đề nghị, tuy nhiên do bận rộn với công việc và khoảng cách xa nên anh chưa thể đến tận nơi để nhận.

Cũng giống như anh Lộc, anh Hồ Viết Bình nhận thấy việc vứt bỏ pin đã qua sử dụng ra môi trường rất nguy hiểm nên đã liên hệ với chương trình “Việt Nam tái chế” chuyên thu gom và xử lý rác thải điện tử ở Hà Nội để được tư vấn. Sau khi tìm hiểu, anh quyết định chọn quán cà phê BYM của mình ở địa chỉ 45 Hoàng Tích Trí (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) làm nơi thu gom pin.

“Ngoài thu gom pin giúp mọi người, tôi cũng muốn quán cà phê của mình trở thành điểm hẹn của những người vì môi trường. Quán của tôi rất hạn chế sử dụng ly, ống hút nhựa mà chỉ dùng ly phân hủy được từ xác cây mía và ống hút tre thân thiện môi trường”, anh Bình chia sẻ.

Qua tìm hiểu, sau khi thu gom được nhiều bị, những người này mang chuyển đến thùng thu gom tập trung đã qua sử dụng đặt tại tầng 2, siêu thị Big C Đà Nẵng. Đại diện siêu thị Big C cho biết, toàn bộ pin sau đó được đơn vị chuyển vào TP Hồ Chí Minh, nơi có nhà máy xử lý chuyên dụng, đảm bảo quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. 

Theo khảo sát của PV, đến nay, phần người dân rất ủng hộ hoạt động ngưng xả thải bin đã qua sử dụng ra môi trường, nhưng do có quá ít điểm thu gom nên …lười.

Chính vì thế, nhiều hộ gia đình được hỏi đều đề xuất, khu nhà chung cư hay các tổ dân phố, tuyến đường chung nên đặt hộp thu gom pin ở nơi dễ nhìn thấy và đông người qua lại như cổng chào, cầu thang bộ…để tiện lợi cho người dân. Tổ trưởng hoặc Nhà trưởng sẽ thu và đưa pin đến nơi xử lý an toàn. Không tốn kém và mất quá nhiều thời gian, lại thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu khu dân cư.

Ngoài việc thu gom pin đã qua sử dụng, anh Bình, anh Lộc đề xuất thêm, để giảm số lượng pin thải ra môi trường bằng cách mua loại pin 3A sạc, tuy đắt tiền (khoảng 200 ngàn đồng- 400 ngàn đồng) nhưng sạc được khoảng 1000 lần, sẽ tiện lợi trong việc sử dụng rất nhiều lần, không cần phải bỏ đi sau khi pin cạn. Loại pin sạc này chủ yếu dùng cho đồng hồ treo tường và đồ chơi trẻ em…

Pin sau khi sử dụng chọn bỏ gọn vào lọ thuỷ tinh hoặc hộp gỗ. Khi thấy số lượng nhiều, mang gửi tới cho chương trình Việt Nam tái chế:

- Tại Hà Nội: 45 Nghĩa Tân, Cầu Giấy; 17 Trung Yên 3, Trung Hoà, Cầu Giấy; số 1 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm; số 12-14 Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Ba Đình; số 9 Thành Công, Ba Đình

- Tại TP HCM: MM Mega Market An Phú, Lot B An Khánh, An Phú, Phường An Phú, quận 2; 132 Tôn Thất Thuyết, phường 15, quận 4; Số 22 Nguyễn Văn Trỗi, phường 17, quận Phú Nhuận; số 14 Phan Bội Châu, phường 2, quận Bình Thạnh; số 82 Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3.

Đọc thêm