Hậu lở đê, 100 hộ dân chưa biết sống ra sao?

Sự cố sạt lở đê Hồng Hậu  sáng 18/10 đã được nhanh chóng khắc phục nhưng hệ lụy mà nó để lại thì gần 100 hộ dân sống   tại phường Phú Thịnh, TX Sơn Tây (TP.Hà Nội) vẫn đang phải gánh chịu, thậm chí “không biết sống ra sao”.

Sự cố sạt lở đê Hồng Hậu  sáng 18/10 đã được nhanh chóng khắc phục nhưng hệ lụy mà nó để lại thì gần 100 hộ dân sống   tại phường Phú Thịnh, TX Sơn Tây (TP.Hà Nội) vẫn đang phải gánh chịu, thậm chí “không biết sống ra sao”.

“Nếu không bốc vác cát, sỏi thuê, biết làm việc gì để sống”

Theo bà Phan Thị Thịnh (84 tuổi), hàng chục năm nay, thu nhập chính của gia đình bà trông chờ vào việc gánh cát, sỏi thuê. Hiện gia đình có năm nhân khẩu, sau sự cố sạt lở, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh cát, sỏi ngừng hoạt động, các con cháu của bà đang chạy đôn chạy đáo, nhưng vẫn không tìm được việc. “Trước đây, các cháu gánh cát thuê mỗi tháng được 1 triệu 500 nghìn đồng, nhưng nay mất việc, chợ búa không biết chạy, ruộng nương không có, nên gia đình  rất khó khăn”.

Bà Trịnh Thị Xuyên (61 tuổi), khu Hồng Hậu 2 phường Phú Thịnh cho hay, gần một tháng nay, 60 hộ dân nơi đây không có thu nhập. “Trước gánh cát thuê, mỗi ngày tôi cũng được gần 100 nghìn. Từ hôm các DN phải ngừng khai thác, chúng tôi ở nhà chơi dài. Tới đây, không biết sống ra sao”.

Khó khăn của các hộ dân nơi đây xuất phát từ khi các DN kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn phường Phú Thịnh bị ngừng hoạt động sau một quyết định của UBND thị xã Sơn Tây. 

Các DN  điêu đứng

Ông Phạm Văn Hưng và ông Vũ Văn Bút đại diện cho 10 DN kinh doanh cát, sỏi cho biết, các DN đều có ĐKKD, có hợp đồng thuê đất nông nghiệp, hợp đồng thuê đất công làm bến bãi, đường đi từ năm 2008. Các hợp đồng này đều có giá trị đến ngày 31/12/2011. Sau sự cố sạt lở, thực hiện chỉ đạo của UBND TX Sơn Tây, các DN đã tiến hành chuyển toàn bộ VLXD đang tập kết tại bãi ra vị trí khác và tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

 

Tuy nhiên, ngày 23/10/2010, các DN lại bị lập biên bản vi phạm, và ngày 25/10/2010, UBND TX Sơn Tây ban hành Quyết định 936/QĐ-XPHC đối với các DN trên. “Việc đình chỉ sản xuất đã gây rất nhiều thiệt hại cho các DN, mà thiệt hại trực tiếp không nhỏ là quyền lợi, đời sống của hàng trăm hộ dân trên” - ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Cty TNHH TM&DV Phương Thành, cho biết.

Xử lý chưa thỏa đáng

Phó Chủ tịch UBND TX Sơn Tây Hà Văn Đông thừa nhận, việc các hộ dân, DN tập kết VLXD tại đoạn kè tại phường Phú Thịnh đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thị xã  đã nhiều lần ra quân chấn chỉnh lập lại an toàn cho tuyến đê này, nhưng “chúng tôi ra quân kiểm tra, xử phạt nhiều lần, xong rồi đâu lại đóng đấy”.

Về khó khăn của người dân khi các DN ngừng sản xuất, ông Đông cũng thừa nhận thực tế, người dân khu vực này chủ yếu sống bằng việc làm cát, sỏi thuê, nên khó khăn cho các hộ dân là không nhỏ. Trả lời câu hỏi của phóng viên về hợp đồng đã ký với các DN - mặc dù chưa hết thời hạn nhưng UBND TX vẫn yêu cầu các hộ ngừng kinh doanh, ra quyết định xử phạt, đề xuất tước giấp phép ĐKKD - ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng phòng Kinh tế TX Sơn Tây khẳng định:  Các hợp đồng này là hợp đồng ký tạm thuê đất sản xuất nông nghiệp, sau đó các DN lợi dụng chuyển sang hoạt động bến bãi. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra các hợp đồng thể hiện rõ “cho thuê làm bến bãi”, đại diện phòng kinh tế lại thừa nhận “chưa xem xét kỹ”.

Phó chủ tịch TX Sơn Tây Hà Văn Đông cho biết, Quyết định 936 được ban hành dựa trên Công điện số 3395 của Bộ NN&PTNT và chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội. Nhưng điều hết sức khó hiểu là trong khi các DN bị đình chỉ kinh doanh thì Cảng Sơn Tây – cũng nằm sát vị trí sạt lở ngày 18/10 - lại không bị áp dụng biện pháp xử lý nào.

“Như vậy là không công bằng, phải chăng đang có việc mượn gió bẻ măng để độc quyền trong kinh doanh?” - các DN bức xúc đặt câu hỏi.

Đề nghị chính quyền TX Sơn Tây sớm có câu trả lời làm sáng tỏ dư luận và có giải pháp giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống.

Trường Lưu

Đọc thêm