Ngôi nhà vắng đàn ông
Bắt đầu lên đường ra Trường Sa từ tháng 12 năm 2015, chiến sĩ Trường Sa Nguyễn Xuân Khiêm, công tác ở tiểu đoàn 114, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, Cam Ranh để lại sau lưng mình người vợ tần tảo, hai con đang tuổi lớn và cha mẹ già gần đất xa trời.
Trước khi anh lên đường, gia đình đã có chút đắn đo, vì con anh còn nhỏ dại, sợ vợ ở nhà một mình kham không nổi, và nữa là bố mẹ già ở quê ngoài 80, đang đau yếu và không biết sẽ đi lúc nào. Nhưng tâm niệm “làm người chiến sĩ, trong đời phải một lần đến Trường Sa, cầm súng bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ quốc”, nên Nguyễn Xuân Khiêm quyết tâm lên đường. Người thân cũng ủng hộ anh, cả gia đình hứa, sẽ nỗ lực hết sức để mọi việc đều ổn thoả khi vắng anh trong một thời gian dài.
Ngày đưa bố lên đường, Ngọc Hà, đứa con gái lớn của anh, hiện đang học tại Đại học Nha Trang viết cho bố những lời sẻ chia hết sức cảm động: “Bố ơi, bố cứ yên tâm lên đường nhận nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc nhé. Con sẽ ở nhà thay bố cùng mẹ gánh vác gia đình, chăm sóc dạy dỗ em. Với con, bố là thần tượng duy nhất, là tấm gương lớn để chúng con luôn cố gắng phấn đấu”.
Người chiến sĩ ra đảo, và trách nhiệm gia đình dồn lên vai vợ cùng con gái vừa đến tuổi trưởng thành. Chị Đậu Thị Cúc, vợ anh Khiêm bảo, từ xưa đến nay anh chưa khi nào xa gia đình lâu, chuyến này đi biền biệt, nhà vắng người đàn ông nên chông chênh lắm. Chị ở nhà, vừa buôn bán lặt vặt để có đồng ra đồng vào, vừa chăm nom bảo ban, dạy dỗ con. May mà con gái lớn rồi, hiểu chuyện và rất có trách nhiệm với gia đình. Cậu con trai Nguyễn Xuân Kiên ngoan ngoãn, chăm học và có ước mơ. Ngày anh Khiêm con ở nhà, anh dạy con nhiều lắm. Anh bảo con, làm người phải hiểu sở trường mình là gì, phải biết nuôi dưỡng ước mơ. Và nhất là phải yêu sách, đọc sách, bởi sách là kho báu vô tận của con người. Thần tượng bố, nên mỗi lời bố dạy khi còn ở nhà đều là kim chỉ nam của hai em Ngọc Hà và Kiên. Hai chị em bảo nhau chăm chỉ học, chăm đọc sách. Quyển sách nào đọc thấy hay, đều nhắn tin chia sẻ với bố, để khi rảnh rỗi bố đọc được, biết là con nghe lời, chăm ngoan, cho bố yên lòng.
Chuyện không của một người
Tết năm 2016 là cái Tết đầu tiên cả nhà anh Khiêm không được sum vầy cùng nhau. Cả nhà ai cũng chới với, ba mẹ con ăn Tết, cái buồn nó cứ thoảng thoảng, cái trống vắng cứ len vào từng ngõ ngách trong nhà. Ngọc Hà kể, ngày thường cả nhà đã nhớ bố, ngày Tết càng nhớ bố hơn. Nhớ bố quần quật dọn dẹp, lo Tết, nhớ cảnh gia đình ngồi quay quần gói bánh chưng, nấu bánh, làm mứt… Còn anh Khiêm, ở đảo xa, cũg ăn cái Tết giản dị bên đồng đội đồng chí của mình, cái Tết đầu tiên không có vợ con. Anh bảo, ăn Tết đảo cũng vui, niềm vui nó hơi khác. Có mâm ngũ quả nhựa đem ra cúng tất niên, cúng xong… đem vào cất, năm sau cúng tiếp. Hoa chưng Tết thì lấy mai giả gắn lên những cây mọc trong sân, giả làm mai cho có không khí, anh em vừa ngắm vừa tấm tắc. Tết đảo không đủ đầy, nhưng ấm áp, cảm động.
|
Vợ, con luôn là hậu phương vững chắc của người lính đảo |
Tết năm 2016 cũng là cái Tết đầy biến cố của gia đình anh. Mẹ anh đang ở Thanh Hoá cùng vài người con, cụ hơn tuổi 80 nên sức yếu, cộng với cái lạnh đột ngột miền Bắc, khiến cụ lâm bệnh nặng. Các con quay quần bên cạnh, nhưng trong lúc mê sảng, cụ cứ nhìn quanh hỏi, “thằng Khiêm đâu?”. Lúc ấy, cả nhà anh chỉ biết cầu nguyện, mong trời thương cho mẹ qua khỏi, để chờ anh Khiêm về. May mắn, rồi bà cũng qua cơn bạo bệnh. Anh Khiêm gọi về, bà bảo: “Cha mày, mẹ còn phải chờ mày về mới chết được!”. Ở nhà, ông bà cụ có biếng ăn hay “làm nũng tuổi già”, chỉ cần anh Khiêm gọi về khuyên, là ông bà thế nào cũng chịu nghe. Anh vừa là nỗi nhớ nhung, vừa là niềm tự hào của bố mẹ, người thân.
Công tác ở đảo, lần đầu tiên xa các con lâu đến thế, không khỏi khiến anh nhớ con, lo lắng con đang tuổi lớn, không biết vợ có đủ sức nuôi dạy con không. Hôm nào anh cũng tranh thủ thời gian nghỉ ít ỏi gọi một chút về để bảo ban, dạy dỗ con, chia sẻ với vợ. Những lúc rảnh rỗi, nhớ con anh Khiêm thường đi nhặt vỏ ốc. Vài năm nữa, trở về nhà, bộ sưu tập những vỏ ốc xinh sẽ là món quà anh tặng các con mình, kỉ niệm một thời bố ở Trường Sa.
Những lời dạy dỗ, tâm tình của anh, các con luôn nghe theo. Kiên năm nào cũng là học sinh giỏi, em rất giỏi văn, và đang học vẽ, đeo đuổi ước mơ của mình. Ngọc Hà thì sắp ra trường. Em nói, hè năm nay em sẽ đi làm thêm, vừa đỡ đần mẹ, vừa rèn luyện bản thân. Một điều làm Ngọc Hà hơi tiếc nuối, là trước lúc bố ra đảo, cả nhà cập rập quá, chẳng chụp hình chung. Bố lại rất ít khi chụp ảnh, nên giờ cả nhà nhớ bố, chẳng có tấm ảnh sum họp gia đình nào để lấy ra xem cho đỡ nhớ.
Ngọc Hà kể, đôi lúc, phải coi mình như người đàn ông để đỡ đần mẹ, chăm sóc dạy dỗ em trai, em cũng có chút “đuối”. Có những lúc, thấy mẹ buồn nhớ bố em cũng buồn theo. Không ít lần, em thấy đơn độc và chống chếnh khi không có bố vững chãi bên cạnh. Rất nhiều lần, em cầm bút lên, muốn kể với bố những nỗi niềm của mình, nhưng rồi sợ bố lo lắng, lại đặt bút xuống. Bố đã phải xa nhà, đã phải vất vả rồi, em không muốn tâm tư bố thêm nặng gánh, muốn bố toàn tâm thực hiện nhiệm vụ…
Chuyện nhà người chiến sĩ Nguyễn Xuân Khiêm là một trong những câu chuyện nhỏ về hậu phương những người chiến sĩ Trường Sa trên đất nước ta. Người chiến sĩ ra đảo đã xác định sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư, và khi cần chấp nhận quên mình bảo vệ Tổ quốc, thì đằng sau đó, là sự ủng hộ, âm thầm gác tình riêng, sự sắt son bền bỉ của hậu phương, của người vợ, người con, của những người thân khác trong gia đình.
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người,
Anh đứng gác trời khuya đảo vắng.
Biển một bên và em một bên.
Rất nhiều rất nhiều những câu chuyện nhỏ đẹp đẽ ấy, đang góp những hòn đá nhỏ, xây đất nước trường tồn…