Hậu quả đau lòng từ xem nhẹ việc khám sức khỏe tiền hôn nhân

Rất nhiều cặp vợ chồng lấy nhau sau vài năm chung sống mới phát hiện ra người bạn đời của mình mắc một số bệnh lây truyền như HIV, viêm gan B… thậm chí là cả vấn đề vô sinh, khi đó mọi việc đã trở nên quá muộn.

Một thực tế hiện nay là đa số các bạn trẻ bước vào độ tuổi kết hôn đều chưa quan tâm đến việc khám sức khỏe trước khi lập gia đình để rồi gánh những hậu quả đau lòng.

Theo họ việc khám sức khỏe trước khi kết hôn là việc tự nguyện của mỗi cá nhân và hôn nhân gia đình chủ yếu dựa trên tình yêu và sự tin tưởng lẫn nhau. Vì thế rất nhiều cặp vợ chồng lấy nhau sau vài năm chung sống mới phát hiện ra người bạn đời của mình mắc một số bệnh lây truyền như HIV, viêm gan B… thậm chí là cả vấn đề vô sinh, khi đó mọi việc đã trở nên quá muộn. Làm gì để khắc phục tình trạng trên là vấn đề đặt ra đối với ngành dân số.

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, có không ít sản phụ nhiễm HIV và phần lớn khi họ đến đây mới biết mình nhiễm căn bệnh này. Các y bác sĩ cho biết, những trường hợp như thế đều không kiểm tra sức khỏe, không biết rõ về thể trạng, bệnh tật, sức khỏe của bạn đời trước khi cưới. Trước khi kết hôn, những đôi vợ chồng trẻ chỉ quan tâm đến việc chuẩn bị tâm lý, còn vấn đề sức khỏe sinh sản hầu như không được nhắc đến. Vì thế đã có nhiều trường hợp nảy sinh mâu thuẫn chỉ ít ngày sau khi kết hôn.

Bà Đoàn Thanh Hằng, Trưởng phòng Dân số, Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình cho biết: Khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm khoa học để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội. Thông qua đó, các bạn trẻ không chỉ được hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của nhau mà còn có thể chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống gia đình sau này. Ngoài ra, con cái sinh ra cũng hạn chế được những nguy cơ mắc bệnh, bị dị tật, khuyết tật, góp phần giảm bớt gánh nặng về dân số cho xã hội, nâng cao chất lượng giống nòi.

Hơn nữa, khám sức khỏe trước khi kết hôn các bạn trẻ sẽ chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng; Phát hiện và điều trị sớm một số bệnh có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau; Chuẩn bị để có một cuộc sống tình dục  thỏa mãn và an toàn nhất; Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất; Dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn về sau.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thái Bình, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân có ý nghĩa quan trọng tới việc phát hiện bệnh di truyền qua khám tiền sản. Bởi đã có nhiều bệnh chuyển hóa của bệnh nhi bắt nguồn từ gen di truyền. Với những người mang gen này, việc khám sức khỏe sớm để phát hiện bệnh sẽ giúp người trong cuộc quyết định có nên lấy nhau hay không, hoặc nếu lấy nhau thì sẽ chọn biện pháp mang thai thế nào cho phù hợp để tránh có những đứa con dị tật bẩm sinh. Chính vì vậy, các bạn trẻ nên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để giữ gìn hạnh phúc bền lâu.

Để đáp ứng cơ bản nhu cầu được tư vấn về kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên cũng như khám, phát hiện và điều trị cho những cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn các nguy cơ sinh con bị dị tật, khuyết tật, từ năm 2011, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Thái Bình được chọn là đơn vị triển khai mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” (mô hình này trước đây với tên gọi Mô hình cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên được triển khai tại Thái Bình từ năm 2004).

Tại các địa bàn triển khai mô hình các địa phương đã thành lập câu lạc bộ Tiền hôn nhân với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, xây dựng góc kiến thức về dân số/SKSS/KHHGĐ tại các xã; tuyên truyền, cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai, chẩn đoán thai sớm; khám sức khỏe cho các bạn trẻ trước khi kết hôn…

Tại 16 xã thuộc 7 huyện, thành phố triển khai mô hình, tính từ năm 2004 đến tháng 12/2012 đã xây dựng được 123 câu lạc bộ Tiền hôn nhân, thu hút gần 10.000 vị thành niên và thanh niên tham gia sinh hoạt theo 18 chuyên đề; Hơn 7.000 vị thành niên và thanh niên được khám sức khoẻ và tư vấn về sức khoẻ sinh sản. Mô hình bước đầu đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, không những giúp thay đổi cách nghĩ của một bộ phận giới trẻ về vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân mà mô hình cũng góp phần hạn chế tình trạng nạo phá thai, giảm tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh, tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

Tuy nhiên, ở một số câu lạc bộ Tiền hôn nhân của Thái Bình, việc duy trì hoạt động chưa thường xuyên, nề nếp; năng lực đội ngũ ban chủ nhiệm còn hạn chế, nội dung, hình thức sinh hoạt chưa phong phú, đa dạng. Một bộ phận lãnh đạo, cha mẹ vị thành niên ở một số địa phương còn chưa quan tâm, đồng thuận, chưa thấy được sự cần thiết khi tiếp cận với thông tin về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Năm 2013, Thái Bình tiếp tục mở rộng hoạt động của chương trình tại các xã, phường, thị trấn theo hướng dẫn của Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; sự phối kết hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội trong việc triển khai và thực hiện các hoạt động của chương trình ở  cả 3 cấp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành về vai trò, vị trí của vị thành  niên và thanh niên trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội; chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản của đất nước cũng như của địa phương, tích cực góp phần nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý; giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân./.

H.P

Đọc thêm