Hậu quả nhãn tiền của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Theo đó, chỉ riêng về ô nhiễm không khí mỗi năm đã gây ra cái chết cho khoảng 7 triệu người.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm môi trường.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm môi trường.

Tỷ lệ người mắc bệnh tăng cao

Theo báo cáo, WHO ước tính tới năm 2030 biến đổi khí hậu có thể gây tử vong cho 38.000 người cao tuổi do nhiệt, 48.114 ca tử vong do tiêu chảy ở trẻ em và thêm 336 triệu người có nguy cơ mắc sốt rét.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng khi hàng loạt các thành phố lớn ghi nhận mức cảnh báo cao về nồng độ bụi mịn trong không khí. Điều này cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân nhập viện liên quan đến các vấn đề hô hấp ngày càng tăng.

Khói bụi gây ô nhiễm không khí, việc hít vào những nguồn không khí ô nhiễm sẽ tạo gánh nặng cho phổi, khiến chức năng phổi bị suy yếu. Đồng thời, đối với những người bị bệnh hen suyễn, bệnh hô hấp khí phế thũng và viêm phế quản khi hít vào không khí ô nhiễm này khiến bệnh tình nặng hơn. Theo một số nghiên cứu, trẻ em chiếm tỷ lệ cao bị mắc bệnh hen suyễn khi sống gần những khu vực bị ô nhiễm cao.

Ô nhiễm môi trường gây những hệ luỵ khôn lường về sức khoẻ con người.

Ô nhiễm môi trường gây những hệ luỵ khôn lường về sức khoẻ con người.

Ô nhiễm không khí cũng làm gia tăng mắc các bệnh về da. Khi tiếp xúc với các hạt trong không khí có thể làm xuất hiện các dấu hiệu lão hóa da, đặc biệt là các đốm sắc tố và nếp nhăn. Vì thế, người dân thành phố nơi bị ô nhiễm cao có xu hướng mắc bệnh viêm da dị ứng và nổi mề đay nhiều hơn so với những người sống ở khu vực nông thôn.

Các tổn thương trên da có thể do nhiều chất ô nhiễm đi qua da, kích hoạt phản ứng viêm và kích thích sản xuất melanin từ melanocytes gây sạm da. Bên cạnh đó, tình trạng tổn thương da do tiếp xúc với chất ô nhiễm cũng làm tác động đến collagen, làm xuất hiện nếp nhăn trên da.

Tại Việt Nam khoảng 25% người trưởng thành mắc bệnh béo phì. Và tình trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành đang có xu hướng ngày càng phổ biến. Nguyên nhân có thể có nhiều nhưng không thể loại trừ nguyên nhân do ô nhiễm không khí.

Các hóa chất độc hại có mặt trong thức ăn, nước uống, không khí của chúng ta đã là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ bệnh tật như ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp. Như vậy, chính ô nhiễm môi trường đã gây ra gánh nặng kinh tế và bệnh tật vô cùng lớn lao cho xã hội. Các chất gây ô nhiễm sinh ra trong không khí bao gồm carbon monoxide, nitơ oxit, sulfur dioxide, ozone, chì và các hạt bụi mịn.

Do đó, tác hại của ô nhiễm môi trường không khí có thể làm tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong do bệnh tim, đặc biệt ở những bệnh nhân suy tim sung huyết và rối loạn nhịp tim. Nguy cơ sức khỏe này có thể xảy ra do các chất ô nhiễm làm thúc đẩy tình trạng rối loạn chức năng mạch máu, viêm, stress oxy hóa, hình thành cục máu đông và tăng huyết áp. Ngoài ra, ozone và bụi mịn có thể kích thích phản xạ thần kinh phổi khiến nhịp tim bất thường.

Trẻ nhỏ là một trong những đối tượng yếu thế chịu tác động nặng nề của ô nhiễm môi trường. “Môi trường ô nhiễm chính là mối đe dọa chết người đối với trẻ nhỏ” - Margaret Chan, người đứng đầu WHO cho biết, trong một tuyên bố - “Các cơ quan nội tạng và hệ miễn dịch của trẻ vốn đang phát triển, cơ thể và đường hô hấp vẫn còn nhỏ, khiến cho chúng rất dễ bị tổn thương nếu tiếp xúc với không khí và nguồn nước bẩn”.

NO2 (khí thải của xăng) là một trong những thành phần gây ô nhiễm không khí có khả năng làm chậm phát triển tâm lý ở trẻ em mới sinh. Điều này là do người mẹ tiếp xúc nhiều với khí NO2 trong quá trình mang thai.

Phụ nữ mang thai khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể làm thay đổi chức năng não và làm giảm mức IQ ở trẻ em được sinh ra. Tương tự, người lớn khi tiếp xúc nhiều khí NO2 cũng làm giảm hiệu suất nhận thức thần kinh. Các chất gây ô nhiễm môi trường có thể gây rối loạn nội tiết tố và can thiệp vào hoạt động của các hormone kiểm soát sự tăng trưởng, phát triển và khả năng sinh sản.

Các chất hóa học độc hại này làm tác động đến các thụ thể estrogen, androgen và progesterone. Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề bất thường về sinh sản ở người và động vật, chẳng hạn như sinh non, sảy thai, dị tật bẩm sinh, số lượng tinh trùng thấp và ung thư tuyến tiền liệt.

Các bệnh về da và đường hô hấp có nguyên nhân phần lớn là do môi trường sống.

Các bệnh về da và đường hô hấp có nguyên nhân phần lớn là do môi trường sống.

Hệ luỵ đáng ngại

Theo đánh giá của các chuyên gia, ô nhiễm môi trường đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Ô nhiễm môi trường không còn là vấn đề của một quốc gia hay một khu vực mà đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Trong đó, có ô nhiễm môi trường đất, làm mất khả năng tự điều chỉnh của hệ sinh thái đất, đất trở nên cằn cỗi không thích hợp cho cây trồng, điều này sẽ ảnh hưởng đến các cơ thể sống khác trong lưới thức ăn. Hơn nữa sự tích tụ của các hóa chất độc hại, kim loại nặng trong đất sẽ làm tăng khả năng hấp thụ các nguyên tố có hại cho cây trồng, vật nuôi và gián tiếp gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Không chỉ về sức khoẻ, tác động xấu của môi trường cũng ảnh hưởng đến tâm lý của con người. Các biến chứng tâm lý, bệnh tự kỷ, bệnh võng mạc, sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh nhẹ cân dường như có liên quan đến ô nhiễm không khí lâu dài.

Tác nhân căn nguyên của các bệnh thoái hóa thần kinh (Alzheimer và Parkinson) vẫn chưa được biết đến. Mặc dù người ta tin rằng tiếp xúc lâu với ô nhiễm không khí dường như là một yếu tố. Cụ thể, thuốc trừ sâu và kim loại được coi là yếu tố căn nguyên, cùng với chế độ ăn uống.

Cùng với những hệ luỵ sức khoẻ, gánh nặng cho cộng đồng do tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ con người cũng nặng nề hơn. Theo thống kê, tổng chi phí hàng năm cho việc xử lý ô nhiễm không khí ở Trung Quốc được ước tính là 900 tỷ đô la mỗi năm. Trong khi đó, chi phí này ở Mỹ lên đến 600 tỷ đô la mỗi năm. Các thành phố của Ấn Độ đã đạt điểm bất lợi về chỉ số ô nhiễm không khí cao hàng đầu thế giới trong nhiều năm nay. Và vấn đề này khiến nước này tiêu tốn trung bình 150 tỷ USD mỗi năm.

Ô nhiễm môi trường gây ra hệ luỵ lâu dài về các vấn đề tâm lý con người và sức khoẻ thế hệ kế tiếp.

Ô nhiễm môi trường gây ra hệ luỵ lâu dài về các vấn đề tâm lý con người và sức khoẻ thế hệ kế tiếp.

Vì vậy, để bảo vệ sức khoẻ của chúng ta và cả chính thế hệ tương lai về sau, mỗi người cần ý thức bảo vệ môi trường và hành động cụ thể. Trồng cây xanh là cách đơn giản và nhanh nhất. Cây xanh điều hoà không khí, cung cấp môi trường sống. Ở phạm vi nhỏ là ý thức bảo vệ cây xanh nơi công cộng, trồng cây quanh nhà để lấy bóng mát, hoặc trồng các loại cây cảnh trong nhà hay rau sạch… như vậy sẽ giúp gia đình có không khí trong lành và giải trí sau ngày làm việc căng thẳng.

Hãy sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo bất cứ khi nào có thể như năng lượng từ gió, ánh nắng mặt trời… Đây là các loại năng lượng sạch vì việc sản xuất và tiêu thụ chúng không làm phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính như nhiệt điện, và không ảnh hưởng môi trường sinh thái như thuỷ điện và năng lượng nguyên tử.

Hạn chế dùng túi ni lông và các thiết bị, vật dụng khó phân huỷ, gây tác động lâu dài cho môi trường. Hạn chế phương tiện cá nhân và tăng sử dụng phương tiện công cộng để giảm thiểu khói bụi trong không khí. Luôn luôn có ý thức bảo vệ môi trường.

Các hoạt động vì môi trường xanh, giờ Trái Đất đều có tác dụng nâng cao nhận thức của mọi người. Nếu ngay từ nhỏ trẻ đã được dạy các bài học về lòng yêu thiên nhiên và quê hương thì trẻ sẽ có ý thức hơn với môi trường. Đặc biệt, hãy luôn đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, sát khuẩn trước và sau khi di chuyển ở ngoài đường.

Mỗi hành động bảo vệ môi trường đều có tác động tích cực đến cuộc sống chúng ta. Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sức khoẻ, giảm hệ luỵ đến sức khoẻ của mỗi người và gìn giữ tương lai cho thế hệ sau này.

Đọc thêm