HĐND tỉnh Quảng Nam trình quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Quảng Nam xem xét, quyết định đối với 7 tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình, trong đó, có các đề án mang ý nghĩa chiến lược, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh trong thời gian tới.

Xem xét 7 tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết quan trọng

Ngày 28/11, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) để thảo luận, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho biết, việc tổ chức Kỳ họp thứ 17 tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đồng hành trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị những tháng còn lại của năm 2023 và giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, nhằm giảm tải nội dung tại kỳ họp thường lệ cuối năm.

Quang cảnh kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Quảng Nam khoá X, nhiệm kỳ 2021- 2026.

Quang cảnh kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Quảng Nam khoá X, nhiệm kỳ 2021- 2026.

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Quảng Nam xem xét, quyết định đối với 7 tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình. Trong đó, có các đề án mang ý nghĩa chiến lược, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh trong thời gian đến như: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy định nội dung và mức hỗ trợ cụ thể một số nhiệm vụ chi đặc thù trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; sửa đổi, bổ sung nghị quyết về quy định mức khuyến khích đối với tập thể, cá nhân đạt thành tích cao tại các cuộc thi thế giới, châu lục, Đông Nam Á và toàn quốc; và tập thể, cá nhân trong lĩnh vực báo chí.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu tại kỳ họp.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu tại kỳ họp.

“Những nội dung được xem xét và quyết định tại kỳ họp lần này là những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, tác động trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh. Tôi đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, bám sát quy định pháp luật, chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn của địa phương. Cần xem xét kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả, khả năng thực hiện; tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để HĐND tỉnh quyết nghị các cơ chế, chính sách đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh”, ông Cường nhấn mạnh.

Trình quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050

Trình bày tại kỳ họp, Giám đốc Sở KHĐT Quảng Nam Nguyễn Quang Thử đã trình bày tờ trình Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Thử, mục tiêu tổng quát theo quy hoạch, đến năm 2030, Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Quảng Nam có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; hình thành cụm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch; chế biến phát triển silicat, trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị gắn kết với nông thôn.

Theo quy hoạch tỉnh, không gian tự nhiên - văn hóa Quảng Nam sẽ được phát triển trở thành trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các Di sản văn hoá thế giới.

Theo quy hoạch tỉnh, không gian tự nhiên - văn hóa Quảng Nam sẽ được phát triển trở thành trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các Di sản văn hoá thế giới.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam có kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến; các khu công nghiệp, khu du lịch biển, cảng biển, sân bay, trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ hiện đại. Di sản văn hóa thế giới bản sắc, ấn tượng, chất lượng môi trường tốt. Xã hội phát triển hài hòa, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc.

Cũng theo Giám đốc Sở KHĐT, ngày 31/10/2023, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các thành viên đã bỏ phiếu đạt 96,2% thông qua có chỉnh sửa. (22 phiếu thống nhất thông qua, 2 phiếu thông qua và chỉnh sửa, 1 thành viên chưa gửi ý phiếu trên tổng 25 phiếu thành viên).

Theo báo cáo thẩm tra Quy hoạch tỉnh của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tại kỳ họp đã đề nghị Sở KHĐT báo cáo làm rõ thêm việc hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh theo ý kiến của Hội đồng thẩm định trước khi HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Trong đó có các vấn đề đáng chú ý như phương án phát triển cụm công nghiệp; phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản; phương án phát triển ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản; phương án phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; phương án phát triển du lịch...

Dự kiến đến năm 2050, Quảng Nam sẽ phát triển hài hòa, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc.

Dự kiến đến năm 2050, Quảng Nam sẽ phát triển hài hòa, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc.

Theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2030, dân số tỉnh Quảng Nam đạt khoảng 2 triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%. Đạt tỷ lệ 19 bác sĩ/vạn dân. Tuổi thọ bình quân hơn 75 tuổi. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới hơn 90%. Có 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 60% sử dụng nước sạch.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt hơn 8%/năm. Đến năm 2030, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9-9,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 37,5-37,8%; khu vực dịch vụ chiếm 36-37% trong cơ cấu kinh tế. GRDP bình quân đầu người đạt 7.500 - 8.000 USD. Năng suất lao động tăng bình quân 6,5-7%/năm. Kinh tế số đóng góp khoảng 30% GRDP.

Đọc thêm