New York Times dẫn lời 2 cựu quan chức Mỹ cho biết, từ những tuần cuối cùng của năm 2010 tới cuối năm 2012, 18 tới 20 nguồn tin của CIA ở TQ đã bị triệt tiêu, trong đó có một số người cho đến nay được cho là vẫn đang bị giam giữ, khiến mạng lưới tình báo mà Mỹ đã phải mất nhiều năm để kiến tạo bị phá vỡ.
Cụ thể, theo các nguồn tin của New York Times, CIA xem việc do thám TQ là một trong những ưu tiên hàng đầu của cơ quan này. Tuy nhiên, để tiến hành được hoạt động đó không hề dễ dàng bởi hoạt động rộng khắp của hệ thống cơ quan an ninh của TQ khiến cho các cơ quan tình báo phương Tây khó có thể phát triển được nguồn tin ở TQ.
Song, theo các quan chức Mỹ, ở thời điểm năm 2010, chất lượng của những thông tin mà gián điệp Mỹ nhận được về chính phủ TQ được đánh giá là tốt nhất trong nhiều năm. Theo 4 quan chức Mỹ, thậm chí, tình báo Mỹ còn tuyển dụng được những nguồn tin nằm sâu bên trong bộ máy của TQ, trong đó có những nguồn tin được cho là bất mãn với tình trạng tham nhũng ở nước này. Tuy nhiên, đến cuối năm đó, dòng thông tin chuyển về bắt đầu cạn dần. Đến đầu năm 2011, các quan chức tình báo Mỹ nhận thấy các nguồn tin ở TQ biến mất.
FBI và CIA sau đó đã mở một cuộc điều tra chung do các quan chức phản gián hàng đầu ở các cơ quan này điều hành. Hoạt động ở một văn phòng mật tại miền Bắc Virginia, lực lượng này bắt đầu phân tích từng chiến dịch đang được tiến hành tại TQ. Khi ngày càng có nhiều nguồn tin biến mất, việc giám sát càng được tăng cường, bao gồm với cả các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ. Đến năm 2013, FBI và CIA xác định TQ đã phát hiện được các nguồn tin của Mỹ.
Một số nhà điều tra tin rằng TQ đã xâm nhập hệ thống liên lạc bí mật mà CIA dùng để trao đổi với các nguồn tin ở nước ngoài, khiến cho nguồn tin bị lộ. Một số người khác lại cho rằng một điệp viên trong Cơ quan tình báo trung ương (CIA) đã phản bội nước Mỹ. Theo hướng này, cuộc điều tra cuối cùng tập trung vào một cựu điệp viên CIA làm trong bộ phận giám sát TQ nhưng họ đã không có đủ bằng chứng để bắt giữ ông ta.
Cũng có những người khác lại nghĩ rằng vụ bóc dỡ mạng lưới gián điệp này là kết quả của việc tiến hành hoạt động gián điệp bất cẩn, trong đó có việc những điệp viên đi cùng những tuyến đường tới cùng những điểm gặp gỡ hoặc gặp gỡ các nguồn tin tại những nhà hàng đã bị phía TQ phát hiện và cài thiết bị nghe lén. Cho đến nay, các quan chức hiện tại và cựu quan chức Mỹ vẫn tranh cãi về nguyên nhân của việc lộ đường dây gián điệp này.
Các quan chức Mỹ cũng cho rằng vụ việc đã gây những thiệt hại vô cùng lớn. Số nguồn tin của Mỹ bị mất ở TQ trong vụ này được cho là tương đương với số nguồn tin mà Mỹ đã mất ở Liên Xô và Nga do sự phản bội của cựu gián điệp của CIA và FBI Aldrich Ames và Robert Hanssen.