Hé lộ về tên lửa mới mà Triều Tiên vừa phóng thử

(PLVN) - Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại về loại tên lửa mới mà Triều Tiên vừa thử hôm 25/7, cho rằng vũ khí này có thể được sử dụng trong một vụ tấn công phủ đầu.
Ảnh minh họa.

AFP dẫn tuyên bố của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, tên lửa đầu tiên được Triều Tiên phóng đi từ khu vực Wonsan ra biển Nhật Bản vào lúc rạng sáng. Một tên lửa đã bay được khoảng 430km và 1 tên lửa bay được khoảng 670km. 

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra sau khi Bình Nhưỡng hôm tuần trước đã lên tiếng cảnh báo về các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. Vụ việc vì vậy được xem là một thông điệp mạnh mẽ của Bình Nhưỡng nhằm phản đối việc này. 

Lần gần nhất Triều Tiên phóng một tên lửa tầm ngắn là vào hôm 9/5. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp đầy ngẫu hứng vào ngày 30/6 được tổ chức tại Khu phi quân sự nằm giữa 2 miền Triều Tiên đã đồng ý nối lại cuộc đối thoại giữa 2 bên vốn bị đình trệ sau cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 hồi tháng 2 vừa qua.

Nhiều nhà quan sát cho rằng vụ thử tên lửa mới nhất là một nỗ lực của Triều Tiên nhằm thu hút sự chú ý của chính quyền Mỹ.

Ngoài ra, các thông tin liên quan đến loại tên lửa mới của Triều Tiên cũng rất được quan tâm. Theo các nhà quan sát, các tên lửa mà Triều Tiên đã phóng đi hồi tháng 5 vừa qua được cho là tên lửa KN-23 với nhiều công năng tương tự tên lửa SS-26 Iskander của Nga. 

Hiện chưa rõ tên lửa đã được Bình Nhưỡng thử nghiệm hôm 25/7 có giống loại tên lửa được thử hồi tháng 5 hay là một vũ khí khác hoàn toàn. Tuy nhiên, một quan chức Hàn Quốc cho rằng có vẻ như các tên lửa này là một loại tên lửa mới.

CNN dẫn lời ông Adam Mount - Giám đốc Dự án bố trí quốc phòng thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS) – cho rằng sự xuất hiện của một loại tên lửa tầm ngắn mới như tên lửa Triều Tiên vừa thử là đáng lo ngại bởi những thiết bị như vậy thường “được cho là một loại vũ khí dùng để tấn công phủ đầu”.

“Nếu vũ khí đó di chuyển ở tầm rất thấp và rất nhanh, nó sẽ rút ngắn thời gian cảnh báo và ra quyết định. Những loại vũ khí như vậy có thể hữu ích trong một tình huống trả đũa nhưng còn thích hợp hơn cho một cuộc tấn công phủ đầu. Đó là một phần lý do chúng ta đồng ý cấm các lực lượng hạt nhân tầm trung trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh”, ông Adam Mount giải thích.

Trong một diễn biến có liên quan, theo Reuters, hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 26/7 cho biết, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã giám sát việc bắn “vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới” diễn ra ngày 25/7 nhằm cảnh báo Hàn Quốc ngừng nhập khẩu vũ khí công nghệ cao và tiến hành tập trận quân sự chung.

Reuters cho biết, bản tin của KCNA dẫn lời ông Kim tại buổi thử vũ khí cho rằng Triều Tiên phải không ngừng phát triển các hệ thống vũ khí uy lực để loại bỏ những mối đe dọa trực tiếp và tiềm tàng từ các nước.

Truyền thông Triều Tiên cũng cho hay, ông Kim cho biết ông rất “hài lòng” với phản ứng nhanh và quỹ đạo bay tầm thấp gây khó khăn cho việc đánh chặn đối với tên lửa của Triều Tiên.

Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên được tiến hành bất chấp việc Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp diễn ra ở khu phi quân sự (DMZ) nằm giữa 2 miền Triều Tiên hồi cuối tháng 6 vừa qua đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vốn đã bị đình trệ sau Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 vừa qua.

Sau động thái của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế những hành động khiêu khích tiếp theo đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng. 

Đọc thêm