Nhiều hệ lụy
Không thể phủ nhận việc khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản, có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Tam Đảo, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên quá trình khai thác đất, đá lại ảnh hưởng xấu tới người dân nơi đây.
Chị Hoa, người dân sống cạnh mỏ đá chia sẻ: “Đá sản xuất xong được chất đống ngay cạnh vườn nhà tôi. Tại mỏ này, họ không xây tường rào nên khi đá chất cao hoặc doanh nghiệp xả tràn nước, đá và nước trong mỏ chảy tràn hết cả vào trong đất vườn. Gia đình đang định trồng ít cây đinh lăng nhưng bề mặt vườn toàn đá và sỏi nên việc đào đất để trồng cây chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn".
Trước đây, ngoài nổ mìn khai thác, sản xuất đá, Công ty Đầu tư & Xây dựng Bảo Quân và Công ty Đầu tư Tân Phát còn làm cả trạm trộn bê tông asphal và xây dựng nhà xưởng sản xuất gạch bê tông trong khu vực mỏ đá. Hiện tại mặc dù đã hết thời hạn khai thác nhưng Công ty cổ phần Tân Phát vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất gạch bê tông và sản xuất đá, với lý do là đang trong quá trình tận thu và san lấp mặt bằng.
Tuy nhiên, đằng sau những cái được thì hệ lụy và hậu quả từ ô nhiễm môi trường, an ninh và an toàn của người dân là rất lớn. Tại các mỏ đá mặc dù đã được hạn chế và có mỏ đã ngưng hoạt động tuy nhiên ảnh hưởng vẫn còn đó. Những con đường toàn những ổ gà, ổ voi, cây cối luôn được nhuộm trắng bụi đường khiến những đứa trẻ không dám bước chân ra chính sân nhà mình chơi vì quá bụi và nhiều container ồn ào.
Qua ghi nhận thực tế tại xóm Cóc xã Minh Quang cho thấy, cứ 15-20 phút lại có một xe container chở đá, sỏi chạy qua công khai, “băm nát” tuyến đường dân sinh vốn trước đây được đầu tư rất đẹp. Cả một sườn núi rộng lớn bị bào mòn, bên cạnh đó là các bãi đá, sỏi cùng với các loại máy xúc, máy nghiền máy ủi, máy sàng đá hoạt động hết công suất, tại khu nghiền đá bụi bay mù mịt trắng xóa cả một vùng và phủ kín những ngôi nhà dân nghèo nơi đây. Với những tiếng ồn đau đầu, cùng khói bụi trắng trời, bầu không khí tại đây không thể không gọi là ô nhiễm.
Người dân vẫn sống chung với khói bụi và tiếng ồn
Ngoài ra, trước đây do khai thác đá phải dùng nhiều đến lượng thuốc nổ và không có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại nên các chất thải nguy hại: dầu, mỡ, hóa chất vứt lăn lóc ngoài môi trường dẫn đến nguồn nước tại đây bị ô nhiễm. Người dân đã lắp đường ống nước sạch tuy nhiên nguồn nước này cũng không đáp ứng đủ cho toàn bộ dân. Vì vậy họ bắt buộc phải sử dụng nguồn nước tại chỗ để sinh hoạt hàng ngày, một số người nơi đây bị ngứa.
Cách mỏ khai thác đá không xa là một mỏ khai thác đất thuộc xóm Cầu Vai, xã Minh Quang, Tam Đảo do Công ty một thành viên Nhật Thăng khai thác, cung cấp đất nền san lấp cho các địa phương lân cận.
Đoạn đường từ khu lấy đất ra đường cái lớn là đường đất nên mỗi khi xe trở đất đi qua, tới đường DT 302 gặp trời mưa thì không sao, gặp trời nắng thì bụi bay mù trời, che mất tầm nhìn, ảnh hưởng lớn tới việc tham gia giao thông của người dân, một người dân khác phản ánh: “Những lúc trời nắng, bụi bặm kinh khủng, phải đóng cửa cả ngày, cây cối bụi phủ bạc trắng không lớn được”, “Họ khai thác là được sự đồng ý của chính quyền chúng tôi không phản đối, tuy nhiên cần phải làm đường bê tông dẫn vào khu lấy đất thì dân chúng tôi mới bớt hít bụi đường, tuy nhiên nhiều lần kiến nghị công ty vẫn không thực hiện, chúng tôi rất bức xúc”, vẫn lời người dân nói.
Khi được hỏi về các khu khai thác đất đá tại địa phương ông Trần Văn Tương - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết: “Trên địa bàn hiện tại có hai mỏ khai thác lấy đất san lấp và 1 mỏ khai thác đá đang trong quá trình tận thu hết năm 2019 trong đó chính quyền cũng chỉ đạo các công ty khai thác tiến hành tưới nước trên đường nhằm hạn chế bụi đường, tránh ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của người dân”.
Tuy nhiên, khi được hỏi đến việc cho phép các công ty khai thác số lượng đất đá trong một ngày là bao nhiêu thì ông Tương cho rằng không có số lượng cụ thể nào cho việc khai thác này. Tuy nhiên người dân nơi đây xe tưới nước ngày chạy ngày không.