Do lợi nhuận, lượng cầu cao, một khối lượng lớn thuốc nổ “lậu” được lén lút vận chuyển qua biên giới tuồn vào nội địa để bán cho các ngư dân, đặc biệt là ngư dân các tỉnh miền Trung. Lợi bất cập hại, sử dụng thuốc nổ đánh cá, các ngư dân đã hủy diệt tận gốc nguồn lợi thủy sản biển cả, thậm chí mất mạng vì rủi ro thuốc nổ.
Thuốc nổ “lậu” đổ bộ từ biên giới
Vì lợi nhuận cao nên thời gian gần đây, việc buôn bán thuốc nổ không dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, mà có quy mô, khối lượng lớn, với những thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi hơn. Những năm qua, hàng loạt đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc nổ đã bị lực lượng công an, biên phòng bóc gỡ, nhiều đối tượng đã phải nhận án tù.
Các tỉnh miền Trung đặc biệt Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên… luôn là điểm nóng về buôn bán, vận chuyển thuốc nổ với số lượng lớn. Thậm chí lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đã bắt được vụ vận chuyển gần 1 tấn thuốc nổ qua biên giới. Năm 2015, Đồn BP Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình đã phối hợp với lực lượng Phòng chống Ma túy và Tội phạm, BĐBP tỉnh đấu tranh thành công Chuyên án 524L bắt giữ hai đối tượng là Hoàng Văn Hoan (SN 1972) và Nguyễn Văn Sỹ (SN 1987) đều quê ở xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình cùng 670kg thuốc bom từ Lào về Việt Nam.
Ngày 13/10/2016, Tổ công tác Đồn Biên phòng Làng Ho, BĐBP Quảng Bình trên đường tuần tra đến bản Ho Rum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy đã phát hiện Nguyễn Quốc Thắng (SN 1987, thường trú ở bản Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) sử dụng xe gắn máy vận chuyển 25kg thuốc nổ.
Thắng khai nhận: Tháng 7/2016, Thắng gặp Khoan (người Lào) ở bản Xê Poong, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet đặt cọc 2 triệu đồng để mua thuốc bom. Tháng 8/2016, Khoan điện thoại thông báo cho Thắng đến vị trí cột mốc biên giới Việt Nam-Lào, thuộc bản Cù Bai để giao nhận hàng. Thắng đến vị trí trên nhận 50kg thuốc nổ và trả tiền cho Khoan thêm 3 triệu đồng, sau đó đem cất giấu số thuốc bom tại vị trí gần đó.
Thắng chia số thuốc nổ đó làm 2 phần rồi bán cho Hùng ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Lần 1, Thắng giao 25kg thuốc nổ cho Hùng nhận 9,4 triệu đồng. Lần 2, khi Thắng chở 25kg thuốc bom còn lại đi bán cho Hùng đến địa phận bản Ho Rum thì bị Tổ tuần tra Đồn BP Làng Ho phát hiện, bắt giữ.
Thuốc nổ được mua bán chủ yếu dùng để đánh cá hủy diệt. 12h30 ngày 22/11/2016, tại khu vực Gành Ông, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, Đội công tác Đồn BP An Hải, BĐBP Phú Yên đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Đồng Phương (SN 1970, ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn) có hành vi sử dụng thuốc nổ trái phép khai thác hải sản. Tang vật thu giữ được gồm 3 kíp nổ có gắn dây cháy chậm, 4 đoạn dây cháy chậm, 1 lon sắt bên trong có chứa thuốc nổ trọng lượng 300 gram…và 30kg cá các loại.
Cùng tham gia đánh bắt cá bằng thuốc nổ thời điểm trên với Phương còn có một đối tượng tên Lực. Khi thấy lực lượng tuần tra, Lực đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Đồn BP An Hải sau đó đã triệu tập đối tượng Lực để đấu tranh với hành vi vi phạm, đồng thời củng cố hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính cả hai đối tượng.
Hệ lụy đánh cá bằng “bom”
Phương đã khai về cách thức đánh cá hủy diệt và cách sản xuất “bom” đánh cá như sau: Việc đánh cá bằng thuốc nổ được thực hiện ở khu vực biển gần bờ và xa bờ. Với các tàu cá đánh cá bằng thuốc nổ, mỗi lần tàu ra khơi, họ dùng dây cột bao thuốc nổ và kíp mìn được bọc kín trong bao nilon và gắn định vị vệ tinh thả xuống nước kéo theo tàu.
Nếu gặp lực lượng tuần tra, họ chỉ cần dùng dao chém đứt dây cho thuốc nổ trôi đi là thoát. Sau đó, các tàu cá theo định vị mà tìm và lấy lại thuốc nổ. Đến ngư trường cần đánh cá, ngư dân kéo những bao thuốc nổ lên, hì hục nhồi thuốc vào các vỏ lon kim loại. Những lon nước ngọt như Coca cola được dùng làm “bom con”, đựng được vài lạng thuốc nổ như loại “bom con” mà Phương chế tạo, sử dụng được dung để đánh bắt hải sản gần bờ.
Loại thứ hai là lon đựng dầu nhớt, sữa bột cho trẻ em chứa khoảng 4kg thuốc nổ gọi là “bom trung”. Còn thùng sơn chứa trên chục kilôgam thuốc nổ gọi là “bom mẹ”. Dân đánh cá chỉ sử dụng “bom mẹ” khi trúng đàn cá cực lớn ngoài khơi xa. Nếu không thì dùng “bom con” và “bom trung” để nổ những đàn cá ít hơn. Những lon thuốc này được cắm sẵn kíp nổ. Tùy mực nước sâu cạn mà dùng dây cháy chậm ngắn hay dài.
Việc dùng “bom” đánh bắt nguồn lợi hải sản trên biển có nhiều tác hại lớn. Nó hủy diệt môi sinh, môi trường, lấy đi sự sống của nhiều loài sinh vật khác tại các rạn san hô, hủy diệt san hô, phá hủy nơi cư trú của cá và các động vật quý giá khác. Một vụ đánh bom, thuyền chỉ vớt được 30-40% số cá bị hủy diệt. Số còn lại bị chìm xuống đáy biển hoặc nổi lềnh bềnh trên mặt nước, vài ngày sau bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều người chết hay bị tàn tật do đánh cá bằng “bom”. Đa số các vụ tử nạn trên biển đều do ngư dân chủ quan hoặc trục trặc dây cháy chậm.
Biển một ngày bị gặm nhấm, nguồn thủy lợi bị hủy diệt tận gốc, máu người dân đổ mỗi ngày một nhiều, trong khi đó cơ quan chức năng dường như bó tay trước vấn nạn đánh cá hủy diệt. Bởi ngư dân đánh cá trên biển cả mênh mông, khu vực gần, nếu nhận được tin báo của ngư dân về tàu cá đánh cá bằng thuốc nổ thì tàu kiểm ngư và biên phòng chạy hết tốc lực cũng phải mất từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Với thời gian đó, đối tượng đánh cá đã vớt xong cá, chạy sang khu vực khác. Còn nghi vấn tàu giấu thuốc nổ, như đã kể ở trên, cũng không thể bắt được. Tàu đánh cá hủy diệt ở xa bờ còn khó kiểm soát hơn.
Thực tế các đợt kiểm tra tàu cá của lực lượng kiểm ngư cho thấy ngư dân đi biển chủ yếu thiếu thiết bị an toàn hàng hải khi ra khơi, không có đủ giấy tờ đánh bắt cá, giấy đăng kiểm đảm bảo chất lượng con tàu khi ra khơi, thiếu áo phao, đánh bắt sai tuyến quy định, sử dụng lưới giã cào (một hình thức khai thác biển gần bờ đã bị cấm)... Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật nhằm quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển còn thiếu đồng bộ và chưa chặt chẽ.