Hệ thống ngân hàng Việt Nam: Tăng cường nội lực để phát triển bền vững

(PLVN) - Ông Võ Tấn Long - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho rằng, các ngân hàng (NH) cần tập trung vào hai trọng tâm chính, đó là củng cố năng lực quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua chuyển đổi, trong đó có chuyển đổi số và chuyển đổi nguồn nhân lực để có đà phát triển.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều ngân hàng giảm nợ xấu, có lãi

Một bức tranh tổng quan về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước  Việt Nam (NHNN) trong năm 2018 và định hướng tương lai trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đang chịu nhiều tác động bên ngoài đã được phác họa khá rõ nét tại “Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng 2019” vừa diễn ra.

Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của ngành này, với các thành tựu được Đảng, Nhà nước, các thành phần trong nền kinh tế, cũng như các tổ chức và các nhà đầu tư quốc tế ghi nhận.

“Những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH đã góp phần quan trọng nâng hạng tín nhiệm quốc gia qua đánh giá của các tổ chức quốc tế…”, bà Hồng khẳng định.

Tuy nhiên, đại diện NHNN Việt Nam cũng lưu ý thách thức phía trước của các NH còn nhiều, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như các cuộc chiến tranh thương mại khó đoán định, đòi hỏi các NH phải củng cố nội lực.

Một câu hỏi được đặt ra là: Hệ thống NH cần làm gì để củng cố về tài chính, con người, chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai? Ngoài ra, một loạt vấn đề của ngành NH được đề cập tới như tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, đầu tư công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực, xu hướng tín dụng xanh…

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2018, quá trình tái cơ cấu NH đã có những dấu hiệu tích cực như nợ xấu giảm dần, một số NH nhỏ bắt đầu có lãi trở lại, các NH lớn đã “cán đích” chỉ tiêu lợi nhuận của năm.

Trước những diễn biến của thị trường trong năm 2019, NHNN Việt Nam cũng đang có sự điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, giúp cho ngành này đứng vững trong giai đoạn sắp tới. 

Ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam khẳng định, công tác quản lý chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của NH.

Cụ thể, năm 2019, NH này đặt chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và thu nợ đã xử lý dự phòng rủi ro trên 3.500 tỷ đồng.

“Đây là mục tiêu đầy “tham vọng”, tuy nhiên, Vietcombank tin tưởng sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra. Vietcombank nói riêng và các NH thương mại khác nói chung nhận thức rõ trách nhiệm của mình, luôn cố gắng nỗ lực “chuyển mình”, tập trung nguồn lực trong công tác kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ để nhanh chóng xử lý triệt để nợ xấu, phá tan “cục máu đông”, khơi thông dòng vốn để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế…”, ông Thắng khẳng định.

Nhiều chuyên gia  kỳ vọng rằng, các NH Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn về quy mô vốn, công nghệ và đội ngũ nhân lực, để xứng tầm cùng các NH trong khu vực châu Á thời gian tới. Tuy nhiên, điều quan trọng là các NH cần tăng cường nội lực để vượt qua những thách thức trên con đường phát triển này.

Tập trung chuyển đổi số, nguồn nhân lực

Từ góc độ đại diện một công ty có kinh nghiệm về tư vấn cho nhiều NH cả về chiến lược lẫn hoạt động, ông Võ Tấn Long - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho rằng, các NH cần tập trung vào hai trọng tâm chính, đó là củng cố năng lực quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua chuyển đổi, trong đó có chuyển đổi số và chuyển đổi nguồn nhân lực.

Ông Long nhấn mạnh thêm, chuyển đổi số không đơn thuần là nâng cao năng lực về công nghệ mà trên hết, đây là một động lực để chuyển đổi các quy trình hoạt động của NH một cách cơ bản. NH có thể tạo nên những thay đổi tích cực như tăng năng suất và tính chính xác của các quy trình; tăng năng lực quản trị rủi ro vận hành và rủi ro tín dụng; giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập. NH cũng có thể nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi và mới mẻ hơn thông qua chuyển đổi số.

Chia sẻ bên lề sự kiện, vị này nói chuyển đổi số liên quan mật thiết tới vấn đề chuyển đổi nguồn nhân lực và đây là một mối quan tâm không chỉ của các NH ở Việt mà của cả các NH trên toàn thế giới.

Một khảo sát toàn cầu của PwC cho thấy, gần 80% các CEO trong ngành NH và thị trường vốn quan ngại về tình trạng thiếu hụt kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng cần thiết để đổi mới sáng tạo và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

“Hướng tiếp cận của PwC là lấy con người làm trọng tâm trong quá trình  chuyển đổi ngân hàng. Theo đó, NH cần đào tạo hay tuyển dụng nhân sự có kỹ năng sử dụng công nghệ để phục vụ nhu cầu khách hàng và tăng cường hiệu quả từ tương tác trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng. Lãnh đạo NH cần thảo luận sớm về định hướng phát triển với đội ngũ nhân sự, để họ hiểu được tương lai NH sẽ hoạt động ra sao và trong tương lai đó, liệu tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng tới việc làm của họ ra sao. Trên hết, cần xác định mô hình tổ chức, hoạt động phù hợp với năng lực nhân sự và công nghệ được áp dụng.”, đại diện PwC phân tích. 

Đọc thêm