Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua Dự án Luật Giám định tư pháp. Một trong những điểm đột phá của dự thảo luật này nhằm thực hiện chủ trương cải cách tư pháp là chỉ thành lập cơ quan giám định pháp y thuộc Sở Y tế, không còn pháp y công an trong Phòng Kỹ thuật hình sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh).
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, PGS.TS.NGƯT Trần Văn Liễu – Chủ tịch Hội Pháp y học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Y học Tư pháp trung ương, nhấn mạnh: Quy định trên của Dự thảo Luật Giám định tư pháp là phù hợp với thực tiễn hiện nay.
|
PGS.TS.NGƯT Trần Văn Liễu |
Phải khác ngành để đảm bảo tính khách quan
Là một trong những chuyên gia hàng đầu về pháp y, trước hết xin ông cho biết điểm giống và khác nhau giữa pháp y với kỹ thuật hình sự?
- Điểm giống nhau là cả hai lĩnh vực này đều phục vụ cho công tác điều tra như khi đến hiện trường hay trước một tử thi, bao giờ hai bên cũng phải phối hợp với nhau. Đầu tiên, kỹ thuật hình sự và pháp y tiến hành khám nghiệm hiện trường (khám ngoài), khám ngoài tử thi xong thì đến khám trong (mổ tử thi, làm các xét nghiệm sinh học, sinh hóa, hóa pháp, độc chất…) là thuộc toàn quyền của pháp y, công an muốn tiếp tục vào thì phải được sự đồng ý của pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, chúng khác nhau ở những nét rất cơ bản. Pháp y là đem tất cả kiến thức y học (nội, ngoại, sản, nhi, chấn thương, tim mạch…) để phục vụ cho pháp luật hay hẹp hơn chỉ phục vụ cho cơ quan tố tụng khi được trưng cầu. Pháp y hoạt động là phải được cơ quan tố tụng trưng cầu thì mới hoạt động, nếu không có cơ quan trưng cầu mà tự tiện hoạt động là vi phạm pháp luật. Đây chính là chỗ mắc với công an, nhất là vừa rồi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đi kiểm tra một số tỉnh cho thấy pháp y công an làm khép kín, chả ai biết mà giám sát.
Ngoài ra, kỹ thuật hình sự có trách nhiệm phát hiện, thu thập những dấu vết còn sót ở hiện trường rồi gửi cho pháp y yêu cầu pháp y xác định những dấu vết đó là gì và phối hợp với bộ phận điều tra hình sự khám phá vụ án. Còn pháp y không có quyền kết tội, chỉ cung cấp tư liệu cho cơ quan điều tra, kết luận thương tích ra sao, đặc điểm như thế nào, nguyên nhân chết…
Ông có thể nêu một số ví dụ?
- Chẳng hạn, một người bị súng bắn chết, nghiệp vụ pháp y phải giải quyết câu hỏi đầu tiên là xác định tại sao lại chết, muốn thế thì phải giám định xem vết thương có đường vào/lỗ vào, đường ra/lỗ ra thì kết luận là giám định thấy các lỗ vào, lỗ ra. Còn kỹ thuật hình sự thì xác định là loại đạn nào, của loại súng nào, tại hiện trường thì hung thủ đứng ở đâu bắn… Hay vết thương có hai mép rất gọn, không bầm máu thì pháp y trả lời cho công an vết thương này là do vật sắc, còn vật sắc ấy là dao hay kiếm hoặc gì đó thì kỹ thuật hình sự phải xác định. Hoặc tai nạn giao thông, pháp y mổ tử thi để xem nạn nhân chết vì tai nạn hay có khi chỉ va quệt nhẹ nhưng chết là do mang sẵn bệnh trong người (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…), góp phần tìm ra tình tiết giảm nhẹ tội phạm cho người gây ra tai nạn, còn kỹ thuật hình sự xem xét dấu vết va quệt trên xe, tại hiện trường thế nào…
Theo ông, chúng ta có cần thống nhất một hệ thống pháp y?
- Thống nhất một hệ thống pháp y từ trung ương tới địa phương là nguyện vọng tha thiết của những người làm pháp y. Còn nếu vẫn duy trì như hiện nay không khác gì công an “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Kinh nghiệm các nước trên thế giới (Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Đức, Nga, Australia, Thái Lan, Hàn Quốc, Đan Mạch…) cho thấy, tuyệt đại đa số không đặt trong ngành Công an, mà đặt trong ngành tư pháp, trong các trường đại học và phổ biến hơn là đặt trong ngành y tế, tức là phải khác ngành để bảo đảm tính khách quan. Bằng không, chúng ta chuyển sang cho công an quản lý toàn bộ. Tôi nghĩ, một đất nước có hai cơ quan đầu mối cùng quản lý ngành Pháp y (Bộ Y tế và Bộ Công an) là không nên.
Nếu thống nhất một hệ thống pháp y sẽ đem lại những lợi ích gì, thưa ông?
- Việc không còn pháp y công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung giám định pháp y cấp tỉnh vào Trung tâm Pháp y thuộc ngành y tế đem lại nhiều lợi ích. Trước tiên là thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế giám định tư pháp về pháp y. Hệ thống pháp y thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương sẽ tạo được thế ổn định phát triển lâu dài. Trên cơ sở có hệ thống tổ chức thống nhất, có vị trí xứng đáng, có hành lang pháp lý vững chắc, thì về mặt đối ngoại là pháp y Việt Nam thực sự đổi mới và tự tin hội nhập cùng thế giới. Không những thế, Nhà nước không phải đầu tư dàn trải, lãng phí về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Bên cạnh đó, còn khắc phục những tồn tại của Pháp lệnh Giám định tư pháp, nhất là về cơ cấu tổ chức và thủ tục hành chính. Hiện, pháp y công an ở cấp tỉnh trong phòng kỹ thuật hình sự chỉ có giám định viên, không có tổ chức thì theo Luật, tất cả quy về một mối là Trung tâm, không có Phòng, không còn tình trạng lẫn lộn giữa Phòng với Trung tâm. Về thủ tục hành chính sẽ chỉ đóng dấu của pháp y vào Kết luận giám định, còn như hiện nay thì không ổn vì pháp y y tế có dấu đóng, pháp y công an lại đóng dấu Phòng Kỹ thuật hình sự.
Cần tạo thế ổn định và phát triển cho ngành Pháp y
Hiện có hai phương án về cơ quan giám định pháp y trong Dự thảo Luật Giám định tư pháp. Cá nhân ông ủng hộ phương án nào?
- Đặt cơ quan giám định pháp y ở đâu có lợi nhất cho đất nước, cho sự phát triển của ngành Pháp y thì tôi ủng hộ để làm sao có được một hệ thống pháp y đồng bộ từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định không còn pháp y công an cấp tỉnh là phù hợp với thực tiễn hơn. Pháp y là một trong 42 chuyên khoa của ngành Y tế, bác sỹ được đào tạo từ các trường đại học y khoa, bác sỹ chuyên khoa pháp y đều do bộ môn Y pháp - Đại học Y Hà Nội và Viện Pháp y quốc gia đào tạo. Vì vậy, Bộ Y tế quản lý là phù hợp và hầu hết các nước trên thế giới cũng tổ chức, quản lý pháp y như vậy.
Về phía ngành Y tế có hệ thống các bệnh viện, các viện nghiên cứu từ trung ương đến địa phương, với các trang thiết bị hiện đại, các chuyên gia đầu ngành phục vụ cho pháp y. Ở trung ương, Bộ Y tế có Viện Pháp y quốc gia (tại Hà Nội) và Phân Viện Pháp y quốc gia (tại TP.HCM). 63 tỉnh thành có tổ chức pháp y thuộc Sở Y tế (trong đó có 39 Trung tâm Pháp y, 16 Phòng Pháp y, 8 Tổ chức giám định pháp y) với 861 giám định viên, hơn 1/3 Trung tâm Pháp y đã có ô tô, trang thiết bị đi giám định. Chế độ đãi ngộ bước đầu đã được Chính phủ quan tâm. Trong khi đó, pháp y công an chỉ có 46/63 tỉnh, thành phố có bác sĩ pháp y, mỗi tỉnh, thành phố có từ 1 – 2 bác sĩ thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự. Bởi vậy, pháp y ngành Y tế đủ khả năng đáp ứng yêu cầu giám định của cơ quan tố tụng.
Về thực hiện giám định, theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm pháp y ngành Y tế giám định trên 50 nghìn vụ việc. Năm 2010, cả nước có 61.547 vụ phải giám định; pháp y ngành Y tế giải quyết 50.712 vụ (chiếm 82,4%), pháp y công an giám định 10.835 (chiếm 17,6%). Có thể nói, hầu hết các vụ giám định pháp y trong cả nước đều do pháp y ngành Y tế giải quyết.
Theo tôi, Pháp lệnh Giám định tư pháp ra đời đã hình thành tính chuyên nghiệp trong giám định pháp y, còn tới đây ban hành Luật Giám định tư pháp phải tạo được hệ thống pháp y thống nhất, hoàn chỉnh từ trung ương tới địa phương, tạo thế ổn định và phát triển cho chuyên ngành pháp y.
Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!
Hoàng Thư (thực hiện)