Cho đến nay đã có 247 trường hợp tử vong được ghi nhận tại Nhật Bản và 11.139 trường hợp nhiễm virus corona dù Nhật Bản đã áp dụng tình trạng khẩn cấp (kéo dài một tháng) trên toàn quốc.
Sự bùng phát dịch virus corona của Nhật Bản vẫn còn ít nghiêm trọng hơn ở các nước châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ người nhiễm cao nhất châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ và gần bằng Hàn Quốc.
Ông Kentaro Iwata nói rằng thất bại của Nhật Bản là "không nghĩ đến kế hoạch B" do quan niệm "kế hoạch B là dấu hiệu thừa nhận thất bại của kế hoạch A".
Trong giai đoạn 1, khi các ca nhiễm còn ít, Nhật Bản áp dụng chiến lược xét nghiệm hạn chế và theo dõi liên hệ chuyên sâu. Nhưng khi dịch bùng phát với qui mô rộng hơn, Nhật Bản vẫn không thay đổi chiến lược đó.
Theo Giáo sư Kentaro Iwata, "Chúng tôi cần chuẩn bị cho một khi tình hình thay đổi, một khi việc đuổi theo ổ dịch trở nên không hiệu quả và chúng tôi cần thay đổi chiến lược ngay lập tức", ông nói. "Nhưng theo truyền thống, lịch sử đã cho thấy Nhật Bản không giỏi trong việc thay đổi chiến lược", ông nói thêm.
Mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi người dân hạn chế tham gia giao thông công cộng nhưng các biện pháp không ngăn cản người dân ra ngoài đường. Ngay cả khi các hiệp hội y tế cảnh báo hệ thống y tế của đất nước này đang phải vật lộn để đối phó với dịch virus corona thì nhiều cửa hàng, nhà hàng vẫn mở cửa kinh doanh.
Các biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội không ngăn được người dân Nhật Bản ra đường. Ảnh: Reuters |
Chính phủ Nhật Bản lập luận rằng họ đã áp dụng tình trạng khẩn cấp để giảm lây lan, điều chỉnh chiến lược của mình, tăng cường năng lực xét nghiệm, thay đổi các quy tắc yêu cầu tất cả các trường hợp dương tính phải ở lại bệnh viện. Song chính điều đó đã khiến các khoa bệnh nhanh chóng chật cứng bệnh nhân. Và các chuyên gia y tế đánh giá đó là "các biện pháp là không đủ".
"Với một số lượng lớn các trường hợp mới xuất hiện, giường cho bệnh nhân COVID-19 lúc nào cũng gần hết cho dù Hiệp hội đã tăng giường" - Haruo Ozaki, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Tokyo, cảnh báo tuần trước. "Chúng tôi đang cố gắng hết sức... nhưng các ca lây nhiễm lan nhanh hơn dự kiến", Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Tokyo nói thêm.
Bộ trưởng y tế đã thừa nhận rằng trong một số trường hợp, các bệnh viện đã từ chối các bệnh nhân nghi mắc virus corona cho dù đã được xe cứu thương đưa đến.
'Nhật Bản đã không xây dựng một hệ thống y tế mà trong đó các bệnh viện bình thường có thể tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm trong trường hợp khẩn cấp. Vì thế, các bệnh viện được chỉ định đã không thể đối phó với tình huống có bệnh nhân COVID-19" - Haruo Ozaki nói hôm 24/4.
Không những thiếu năng lực tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, các bệnh viện của Nhật còn phải vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị. Thị trưởng TP Osaka đã phải kêu gọi quyên góp áo mưa không sử dụng cho nhân viên y tế làm trang phục bảo hộ thay vì sử dụng túi đựng rác như hiện nay.
Cả Giáo sư Kentaro Iwata và Haruo Ozaki đều cảnh báo rằng, duy trì tình trạng khẩn cấp đến ít nhất là ngày 6/5 trong điều kiện hiện nay của Nhật Bản cho là không đủ, nhất là trong điều kiện như Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Tokyo phàn nàn: "Trong khi họ (Chính phủ - PV) nói về kiểm soát biên giới và giảm liên lạc giữa người với người, họ lại để các cửa hàng mở cửa".