Hết quý I sẽ triển khai công tác chống buôn lậu năm 2012

Gần hết quý I, hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2012 mới  được tổ chức, vào hôm qua 21/3. Đủ thấy, sự “quyết liệt” của cơ quan chức năng  đến mức nào..

Gần hết quý I, hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2012 mới  được tổ chức, vào hôm qua 21/3. Đủ thấy, sự “quyết liệt” của cơ quan chức năng  đến mức nào..

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng ban Ban chỉ đạo 127/ TW - phát biểu khai mạc hội nghị
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng ban Ban chỉ đạo 127/ TW - phát biểu khai mạc hội nghị

Tổ chức triển khai công tác muộn màng, nhưng tại hội nghị, các cơ quan chức năng lại nhấn mạnh tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lân thương mại đang diễn biến phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi…

Theo số liệu của công an các địa phương, năm 2011 lực lượng cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện và bắt giữ 10.190 vụ  buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, thu giữ hàng hóa trị giá 388 tỷ đồng. Riêng Chi cục QLTT TP. Hồ chí Minh, năm 2011 đã xử phạt hành chính 4.191 vụ, thu trên 106 tỷ đồng. Tại Hà Nội, các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra và xử lý 2.422 vụ, hàng cấm vận chuyển từ biên giới vào thành phố, xung quỹ gần 200 tỷ đồng…

Một đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, riêng về tình trạng khai thác khoáng sản lậu, một số tỉnh đã viện lý do là tận thu… nên vẫn “bật đèn xanh” cho các đối tượng tiếp tục khai thác trái phép. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung dù không được cấp phép khai thác khoáng sản song vẫn vận chuyển quặng ra Hải Phòng và Quảng Ninh để xuất khẩu đi Trung Quốc.

Về mặt hàng xuất lậu trong năm qua, chủ yếu là than, quặng các loại và xăng dầu: về khoáng sản (than, quặng các loại) đã phát hiện xử lý 124.032 tấn quặng các loại; xăng dầu đã phát hiện và xử lý 399.279 lít xăng dầu các loại.

Tình hình diễn biến ở một mức độ nào đó có thể nói đang ngoài tầm kiểm soát, các vụ bắt giữ mới chỉ chạm đến phần nổi của tảng băng chìm, theo thừa nhận của Ban Chỉ đạo 127/TW, trong đó có phần nguyên nhân bởi hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu ở một số đơn vị chưa cao. Mặt khác, sự phối hợp giữa các lực lượng chống buôn lậu, như công an, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng... còn nhiều bất cập, để lộ nhiều khoảng trống. Rõ nét nhất là sự chia sẻ thông tin giữa các lực lượng này đến nay chưa có một quy chế thống nhất. Lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh chống buôn lậu còn mỏng và thiếu so với yêu cầu thực tiễn; trang thiết bị, phương tiện vừa thiếu vừa lạc hậu…

Từ thực tiễn Hà Nội, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo 127 thành phối than địa bàn rộng, lực lượng mỏng, trang thiết bị thiếu thốn, cho nên “chưa kiểm soát” được tình trạng hàng nhập lậu đưa vào thành phố . Theo bà Mai, Hà Nội có 644 công chức quản lý thị trường tại 29 quận huyện, trung bình 4 người/1 đội, nhưng mới chỉ 2 người đủ tiêu chuẩn được cấp thẻ.

Tại hội nghị, cũng có nhiều “biện pháp đấu tranh trong tình hình mới” được các đại biểu đề xuất. Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Bình,  Ban chỉ đạo 127 Lạng Sơn đề nghị sớm sửa luật,  yêu cầu tất cả các hàng tạm nhập, tái xuất phải thông quan tại cửa khẩu, chứ thực tế nhiều trường hợp đang lách luật bằng cách kẹp chì hàng hóa từ Bằng Tường (Trung Quốc) rồi vận chuyển về đến ga Yên Viên (Hà Nội) mới thông quan, nên dù có hàng giả, hàng chất lượng kém, vi phạm ATVSTP thì các cơ quan chức năng cũng đành … đứng nhìn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định, cuộc đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và buôn lậu thương mại còn nhiều gian nan, chưa hoàn thành nhiệm vụ. Việt Nam sẽ khó thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 khi mà tình trạng hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn ra phức tạp như hiện nay. Nhằm bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo  127 Trung ương sớm có giải pháp khắc phục ngay các bất cập trong công tác, định rõ lộ trình thời gian.

Mai Hoa

Đọc thêm