Hiện đại hóa hệ thống: hạn chế sai sót, nâng cao năng suất lao động
Thực hiện chiến lược về hiện đại hóa NHCSXH giai đoạn 2011-2020, NHCSXH đã xác định “Hiện đại hóa tin học” là nội dung then chốt trong mục tiêu nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả xử lý nghiệp vụ. Vì thế, NHCSXH đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, tập trung nguồn lực, điều kiện tốt nhất để thực hiện đúng tiến độ, thành công và hiệu quả Dự án hiện đại hóa tin học.
Với vai trò là phần mềm lõi của ngân hàng, hệ thống Intellect Corebanking được triển khai chính thức trong toàn hệ thống từ tháng 2/2014 đã đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ của NHCSXH. Đặc biệt, hệ thống Intellect đã hỗ trợ đắc lực và nâng cao khả năng kiểm soát, giám sát quá trình thực hiện nghiệp vụ của NHCSXH. Đồng thời, hệ thống cũng cung cấp các cơ chế xử lý tự động, giảm bớt khối lượng công việc cán bộ phải thực hiện thủ công, hạn chế sai sót trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động.
Với đặc điểm hoạt động giao dịch của NHCSXH tại các xã có hạ tầng viễn thông còn hạn chế, NHCSXH đã triển khai giải pháp Intellect Offline đáp ứng được yêu cầu hoạt động nghiệp vụ đặc thù này. Giải pháp hỗ trợ giao dịch cho gần 11.000 điểm giao dịch xã trải dài trên toàn quốc. Tại các điểm giao dịch xã, việc áp dụng quy trình giao dịch một cửa đã giúp NHCSXH phục vụ người vay nhanh chóng và chính xác, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn và rút ngắn được thời gian giao dịch tại xã.
Bên cạnh đó, NHCSXH cũng hiện đại hóa hệ thống thanh toán bằng việc triển khai phần mềm thanh toán điện tử liên ngân hàng (Citad) và đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ khách hàng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Đồng thời, xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng nhằm đảm bảo hệ thống CNTT hoạt động liên tục, ổn định, đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.
Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng dựa trên nền tảng CNTT hiện đại
Để hỗ trợ việc quản lý hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng CNTT hiện đại, có khả năng đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chưa được hoặc ít được ngân hàng phục vụ, tiến tới cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng, trong thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống Công nghệ thông tin.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020, NHCSXH, cho hay, tới đây sẽ ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống CNTT nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Cụ thể, đầu tư nền tảng công nghệ ngân hàng số - Digital banking, tạo tiền đề vững chắc để triển khai các sản phẩm dịch vụ tài chính toàn diện cũng như dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tăng phạm vi triển khai dịch vụ đến các đối tượng khách hàng chưa hoặc ít được tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống.
NHCSXH cũng triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tới khách hàng với chi phí hợp lý, phù hợp với khả năng tiếp cận của nhiều đối tượng, đặc biệt là người thu nhập thấp ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm tăng cường và cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giản tiện tối đa cách tiếp cận của khách hàng với các sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa và từng bước số hóa hoạt động của Tổ Tiết kiệm & vay vốn và Điểm giao dịch xã để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và minh bạch, đơn giản việc quản lý của tổ trưởng đồng thời tăng năng suất lao động tại Điểm giao dịch xã. Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT để nâng cao tương tác giữa NHCSXH và các chủ thể liên quan hoạt động tín dụng chính sách nhằm cung cấp thông tin về văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, số liệu tín dụng chính sách xã hội, giúp theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ và chuẩn hóa hạ tầng CNTT, NHCSXH cũng sẽ tăng cường các giải pháp quản lý rủi ro an ninh, an toàn thông tin, đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo tiêu chuẩn của ngành. Ngoài ra, toàn hệ thống NHCSXH tiến hành xây dựng nguồn nhân lực CNTT đủ về số lượng và chất lượng, thực hiện tốt việc xây dựng, vận hành, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại.