Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam đề xuất mức thuế ưu đãi với xe điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thay vì mức thuế 100% đối với xe điện Hybrid tự sạc (HEV) và 70% đối với xe điện Hybrid sạc điện riêng (PHEV) như hiện tại, Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất áp dụng mức thuế ưu đãi, đồng thời đề xuất duy trì mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe pickup chở hàng cabin kép…
Quang cảnh Hội thảo (ảnh: Thanh Thanh)
Quang cảnh Hội thảo (ảnh: Thanh Thanh)

Ngày 1/8/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) và Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức Hội thảo về “Dự thảo Quy định sửa đổi về thuế TTĐB đối với xe ô tô: Tác động và kiến nghị”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lượng cạnh tranh (CIEM) cho biết, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) và điều chỉnh một số nội dung quan trọng, trong đó có thuế TTĐB với ô tô.

Luật Thuế TTĐB cũng hướng tới tiêu dùng tiết kiệm nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch và khuyến khích sử dụng xe có động cơ thân thiện với môi trường; phù hợp với xu hướng phát triển; đồng thời đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan.

“Những sửa đổi này chắc chắn sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp (DN) trong ngành ô tô cũng như các DN trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho ngành” – bà Nguyễn Minh Thảo thông tin.

Liên quan đến lĩnh vực ô tô, theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, thị trường ô tô đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các động thái điều chỉnh chính sách thuế phí đều có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp tới DN, người dân và sự ổn định của kinh tế xã hội hướng tới sự phát triển bền vững.

Dự thảo Luật Thuế TTĐB có nhiều tác động nghiêm trọng tới tình hình sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô trong nước. Trong những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050, việc triển khai đồng bộ, tổng thể các chính sách thuế, phí và ngành công nghiệp ô tô, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và giảm tiêu hao nhiên liệu nhằm thực hiện chuyển đổi xanh cần bảo đảm phát triển đồng đều, duy trì nguồn lực của DN và nguồn thu của đất nước.

Đại diện KPMG chia sẻ báo cáo nghiên cứu

Đại diện KPMG chia sẻ báo cáo nghiên cứu

Tại Hội thảo, đại diện Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG (KPMG) đã chia sẻ Báo cáo nghiên cứu về ảnh hưởng của các đề xuất thuế TTĐB tới lộ trình phát triển của ngành ô tô trong giai đoạn chuyển giao.

Báo cáo do KPMG phối hợp cùng VAMA thực hiện nhằm đánh giá tác động của các đề xuất thay đổi Luật Thuế TTĐB đối với ngành công nghiệp ô tô, các mục tiêu của Chính phủ và người tiêu dùng tại Việt Nam.

Tại Báo cáo này, VAMA, KPMG đã đưa ra kiến nghị ưu đãi cho xe điện Hybrid tự sạc (HEV) và xe điện Hybrid sạc điện riêng (PHEV).

Đồng thời kiến nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế TTĐB như hiện nay đối với dòng xe pick-up chở hàng cabin kép.

Chia sẻ về đề xuất áp dụng thuế ưu đãi đối với xe Hybird, đại diện KPMG, ông Nguyễn Trung Thắng nhấn mạnh, điện khí hóa ô tô là một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, đồng thời phù hợp với chính sách về môi trường và phát triển xe điện hóa ở Việt Nam, hỗ trợ cho mục tiêu Net Zero đến năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.

Đặc biệt, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề ở các thành phố lớn, và Quyết định 876/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng tới giao thông xanh…

Đối với dòng xe pick-up chở hàng cabin kép, một số đại biểu tham gia hội thảo nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn bộ thị trường của ngành ô tô hiện nay, kiến nghị của VAMA về việc duy trì mức thuế suất TTĐB cũng có ý nghĩa quan trọng góp phần duy trì và phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, việc làm và an sinh cho người lao động.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh M- Asean cho rằng cần xác định xe pick-up chở hàng cabin kép có phải hàng xa xỉ không? Việc đánh thuế đối với các loại xe này vô hình chung ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân, nhất là những loại xe này phục vụ cho người dân vùng nông thôn.

“Thuế TTĐB hướng tới 3 mục tiêu, bao gồm: Điều tiết hành vi tiêu dùng; điều tiết thu nhập và tăng thu ngân sách. Trong đó, điều tiết hành vi tiêu dùng không chỉ có hàng xa xỉ mà còn khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe…”- Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lượng cạnh tranh (CIEM) TS Nguyễn Minh Thảo lưu ý.

Khẳng định việc ban hành Luật thuế TTĐB (sửa đổi) là cần thiết, bà Trần Hồng Nguyên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc ban hành luật cần chú ý đến sự hài hòa trong chính sách và cần có lộ trình phù hợp để DN, đất nước phát triển được và người dân có công ăn việc làm.

Chủ trì Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Mọi chính sách đều hướng đến người dân và cộng đồng, nếu chính sách phù hợp, có tính khả thi sẽ giúp DN phát triển, và giúp ngân sách nhà nước thu được nhiều thuế hơn. Theo đó, các chính sách thuế được ban hành bên cạnh sự đồng bộ với các văn bản chính sách khác cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan…

Đọc thêm