"Hiệp sỹ" của chim

Chim trời đang có nguy cơ bị hủy diệt. Tuy nhiên, vẫn có những người nuôi chim trời với một tâm hồn hoàn toàn không vụ lợi.  
Chim trời đang có nguy cơ bị hủy diệt. Tuy nhiên, vẫn có những người nuôi chim trời với một tâm hồn hoàn toàn không vụ lợi.
Tiếng kêu khóc của sinh linh bé nhỏ
Đã một thời gian dài, ở trên vỉa hè phố phường Hà Nội người ta vẫn bắt gặp những người bán hàng trăm chú chim bị vặt trụi lông rất tội nghiệp. Thôi thì đủ loại chim, được những gã săn bẫy, rồi lái buôn thu mua về, mang lên phố làm món hàng cho dân nhậu. 
Một thời gian, dư luận bất bình, việc làm độc ác như thế bị cấm trên phố. Người ta lại chuyển về bán ở những nơi khác, khuất nẻo hơn. Vào những ngày này, tình trạng bán chim trời lại tái diễn ở đoạn đường Hoàng Hoa Thám, cạnh công viên Bách Thảo, đoạn đường Lê Duẩn cạnh công viên Lê Nin, khu vực cầu Văn Điển… 
Một cụ già thấy thương những chú chim nhỏ, bị bàn tay của một người đàn bà vặt lông, đứng co ro, đau đớn, miêng kêu chiêm chiếp thì tỏ ra bất bình: “Không ít người vì mục đích mưu sinh, vì lợi nhuận đã tìm mọi cách săn bắt cho bằng được để có những “mẻ chim” mang đi bán lấy tiền. Có thể công việc này không được cho là ác độc, nhưng nhìn vào đó chúng tôi thật sự thấy đó là hành vi ghê rợn. Chúng nào có tội tình gì, chỉ là những con vật bé nhỏ, làm đẹp cho làng quê, cho chính cuộc sống của chúng ta. Cần phải bảo vệ chúng chứ!” 
Nếu ai cũng nghĩ được như cụ già nọ thì hàng ngàn chú chim trời đã chẳng phải nằm trên đĩa, trở thành món mồi nhậu thơm phức, hoặc bị “cầm tù” trong những chiếc lồng sơn son, mỹ miều nhưng rất đỗi cô đơn.
Giờ, ở nhiều vùng quê vẫn có những gã hành nghề săn chim rất chuyên nghiệp. Họ có những cái bẫy lạnh lùng và ác độc giăng ở khắp nơi, những khẩu súng đen ngòm, chỉ chờ bóng dáng của loài chim là được giương lên.
 Dường như, con người ngày càng tàn độc hơn với các loài chim, nhất là chim trời. Chúng bị săn đuổi, tìm giết, bị truy lùng ở khắp mọi nơi, cả ở trong rừng, ở đồng quê, ở phố xá. Loài và số lượng của chúng bị thu hẹp dần, có những loài đã thật sự biến mất khỏi cuộc sống.
 Những “hiệp sĩ” của chim
Trái lại những hành động có phần độc ác đó, chúng ta có “hiệp sĩ” của thiên nhiên, những người sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ chim trời, nuôi dưỡng chúng, cho chúng không gian bình yên.
Trên phố Quán Sứ có bà Kính, người đã ở tuổi 86 nhưng rất yêu chim sẻ, lấy việc cho chim ăn, hằng ngày vãi thóc cho chúng là niềm vui tuổi già.
Bắt đầu từ năm 1973, bà Kính hay sang chùa Quán Sứ vãi thóc cho chim ăn. Gần 6 năm nay, đàn chim sẻ bay về tíu tít trước cửa nhà, bà cho chúng ăn, coi chúng như những đứa cháu tội nghiệp. Lũ chim thường đậu đầy trên mái nhà, đậu trên cả những cây cổ thụ và lúc nào thấy bóng dáng bà bước ra sân là chúng lại sà xuống. Số tiền khoảng 300 nghìn mỗi tháng mua thóc, được trích từ tiền lương hưu của bà. 
Tại ngã tư Bà Triệu - Tô Hiến Thành, Hà Nội cũng có một bà bán nước chè, suốt 10 năm qua nuôi “đàn con” của mình là hàng trăm chú chim sẻ. Hơn 20 năm qua, hàng nước nhỏ bé của bà Tim vẫn tồn tại và bình dị như thế. 
Ngày nào bà cũng bầy nước rất sớm và dọn hàng rất muộn để tiếp đón những vị khách bình dân. Khoảng 10 năm trước, khi bà ngồi bán nước thì tự nhiên có mấy chú chim sẻ sà xuống, nhảy lích chích trước mặt tìm mồi. Sẵn có ít bỏng ngô vụn, bà vãi ra cho chúng. Không hề sợ hãi, chúng liền mải mê nhặt, ăn cho bằng hết. Hôm sau, lũ chim lại tìm đến và bà Tim đã chủ động gói một ít gạo, thế là bà “khao” cả lũ. 
Lũ chim như nhận ra sự gần gũi, trái tim nhân hậu của bà nên yên tâm đến gần bà mỗi khi được cho ăn.
Với tình yêu và sự chăm sóc của bà, đàn chim về ngày một đông hơn, bây giờ đã lên đến vài trăm con. Chúng tập trung càng nhiều thì thức ăn tiêu tốn càng lắm. Để đàn chim được no bụng, mỗi ngày bà Tim phải mất đến gần 1kg gạo và vài lạng thóc. Nếu nhân với 10 năm thì đó là cả một khoản không hề nhỏ.
Xa Hà Nội hơn chút nữa ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có “hiệp sĩ” Đặng Đình Quyển, còn ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có “người mẹ cò” Vũ Thị Khiêm, xã Đông Xuyên (Yên Phong, Bắc Ninh).  “Người mẹ cò” có cả một vườn cò lớn do người dân bảo vệ. Nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước vẫn có những vườn chim được bảo vệ cẩn thận. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, số người bảo vệ chim trời vẫn quá ít và trên đường đi kiếm ăn chúng có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Con người đang sống và tác động quá mạnh mẽ vào tự nhiên, đang hủy hoại thiên nhiên và làm nguy hại đến chính mình. 
Ngô Hải Miên

Đọc thêm