Hiểu đúng về ô nhiễm không khí

(PLVN) - Dù chất lượng không khí tại một số những TP lớn như Hà Nội, TP HCM vài ngày vừa qua đã cải thiện rõ rệt, câu chuyện máy móc quan trắc ô nhiễm vẫn chưa hết “nóng”.  Ngày 11/10, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội phối hợp Mạng lưới Không khí Sạch và Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn); tổ chức Hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội”.
Các thiết bị quan trắc nhà nước số liệu chính xác, độ tin cậy số liệu cao, nhưng lại có nhược điểm là không linh hoạt.
Các thiết bị quan trắc nhà nước số liệu chính xác, độ tin cậy số liệu cao, nhưng lại có nhược điểm là không linh hoạt.

“Loạn” thông tin đánh giá ô nhiễm

Theo báo cáo, từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10/2019, chất lượng không khí Hà Nội nhiều ngày ở mức kém. Có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép quy chuẩn Việt Nam. 

GS. TS Hoàng Xuân Cơ (Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội), cho rằng, tình trạng chất lượng không khí tại Hà Nội thời gian gần đây là thực trạng chung của các nước trong quá trình phát triển “nóng”. Theo ông Cơ, phát triển thì bắt buộc phải đánh đổi nhưng đánh đổi “ở mức độ chấp nhận được”.

Phân tích về nguồn phát thải, ông Cơ chỉ ra mỗi kW/h điện sử dụng, mỗi km xe chạy hay mỗi ngôi nhà công trình xây dựng cũng đều góp phần gây ô nhiễm. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên dự báo các nguồn thải vẫn sẽ tăng trong thời gian tới.  

Theo ông Cơ, chỉ khi nào Việt Nam đạt đến mức độ GDP nhất định thì các chỉ số ô nhiễm mới có thể giảm, chất lượng môi trường có điều kiện cải thiện.

Ông Cơ đánh giá Nhà nước thời gian qua đã có các động thái tích cực nhằm kiềm chế nguồn thải ô nhiễm như không quy hoạch các nhà máy phát thải gần các TP lớn, loại bỏ xăng pha chì, nâng cao tiêu chuẩn phương tiện giao thông lên Euro 3, Euro 4… Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng không khí, quan trắc, kiểm soát phát thải còn rất hạn chế.

Nói về vấn đề này, TS Hà Đăng Sơn (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh CEGR) đánh giá hiện có rất nhiều nguồn dữ liệu thông tin chất lượng không khí, thời gian thu thập khác nhau.

Ví dụ dữ liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo năm, không cập nhật theo thời gian thực. Dữ liệu từ Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Mỹ cập nhật theo tháng. Còn các trang như Trung tâm Quan trắc Môi trường Miền Bắc (CEM), moitruongthudo.vn, fairair.net, pamair.org có dữ liệu thực, thời gian truy xuất từ 1 - 7 ngày. 

Theo ông Sơn, các nguồn dữ liệu hiện có hạn chế là thiếu sự so sánh giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, việc có nhiều nguồn dữ liệu gây ra nhầm lẫn và băn khoăn cho người dùng. Đặc biệt hiện cũng chưa rõ quy trình kiểm định chất lượng thiết bị/loại thiết bị; chưa rõ độ tin cậy số liệu, thiết bị đo, độ chính xác tuân theo tiêu chuẩn nào… 

TS Sơn cho rằng việc có quá nhiều nguồn để tham khảo thông tin chất lượng không khí và số liệu nguồn thông tin có sự chênh lệch nhau đã khiến người dân bị ngợp thông tin. “Giữa các đơn vị đo đạc, các ứng dụng nhiều khi cho những kết quả khác nhau.

Như sáng 11/10, chỉ số ô nhiễm không khí theo ứng dụng PamAir là màu vàng, thấp hơn so với ứng dụng AirVisual, còn theo nguồn của Đại sứ quán Mỹ thì không khí Hà Nội ở mức màu đỏ, các kênh khác có màu vàng... Chúng ta bị “ngợp”, không biết đâu thực sự là thông tin tin tưởng được”, TS Sơn nói.

Tiết lộ của chuyên gia

Theo TS Sơn, hiện ở Hà Nội có hai loại thiết bị quan trắc được sử dụng chủ yếu. Một là các trạm quan trắc đủ tiêu chuẩn quốc tế quan trắc không khí trong phạm vi lớn; hai là các máy đo cảm biến, giá rẻ, quan trắc trong phạm vi hẹp. 

Các thiết bị quan trắc nhà nước được sử dụng vào mục đích quản lý nhà nước, số liệu chính xác, có phương pháp quan trắc đã được xác định trong các tiêu chuẩn và độ tin cậy số liệu cao. Tuy nhiên các thiết bị này lại có nhược điểm là không linh hoạt, độ phủ không gian để có số liệu tức thời online hạn chế.

“Như các trạm quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường là các trạm đủ tiêu chuẩn, cho con số đáng tin cậy, nhưng lại có độ trễ nhất định”, ông Sơn nêu thực trạng.

Về các trang quan trắc như AirVisual, Pam Air, AirBeam… ông Sơn cho rằng các trang quan trắc này thường sử dụng các thiết bị cảm biến giá rẻ, trong đó chi phí cảm biến chỉ có giá khoảng từ 500 ngàn đến 1 triệu VNĐ.

Các cảm biến này được lắp đặt trong thiết bị nhỏ gọn, chỗ lắp đặt linh động nên rất tiện dụng, độ phủ không gian để có số liệu tức thời lớn, đo đạc được ở nhiều địa điểm. Thế nhưng nhược điểm là phương pháp quan trắc chưa được xác định và độ tin cậy số liệu yếu. Các máy đo kiểu này cũng có độ chênh lệch lớn, dễ bị tác động bởi các yếu tố môi trường bên ngoài. Phạm vi quan trắc của các máy đo cũng đang có nhiều nghi vấn.

Ông Sơn dẫn chứng, có ý kiến cho rằng các máy đo giá rẻ này có phạm vi đo là 1km, nhưng có khi cầm máy đo đứng cách nhau 10m đã cho ra kết quả khác nhau. Ngoài ra, các máy đo này vòng đời trung bình thấp, chỉ trên dưới 1 năm, quá trình sử dụng phải liên tục hiệu chỉnh điều chỉnh để đảm bảo các chỉ số quan trắc đưa ra chính xác, khách quan.  

Tại hội thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, thời gian qua, TP đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn TP. TP đã thiết lập và quản lý, vận hành ổn định, liên tục 10 trạm quan trắc không khí tự động; xây dựng Dự án Hệ thống mạng quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới là 33 trạm quan trắc không khí tự động.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Park Kidong, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, là một trong những thành phố đang chịu ảnh hưởng của ONKK, Hà Nội nên tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát chất lượng không khí; cải thiện khả năng tiếp cận nguồn thông tin và số liệu chính thống về chất lượng không khí của người dân.

Cùng với đó, TP cần rà soát phát hiện các nguồn phát thải khí ô nhiễm, áp dụng các biện pháp nhằm giảm các chất ô nhiễm tại nguồn; thực hiện các biện pháp dài hạn ngay khi mức ô nhiễm còn thấp… 

Đọc thêm