Một công dân New Zealand có con với một cô gái người Áo. Luật pháp hiện hành ở cả hai nước đều có quy định về trách nhiệm nuôi dưỡng con của cha mẹ “sinh học” của những đứa trẻ. Vì thế, năm 2007, chính quyền Áo thông báo cho người đàn ông New Zealand biết về quyết định buộc người cha này phải đóng góp hàng tháng 300 Euro để góp phần nuôi dưỡng đứa con ở Áo.
Lãnh sự quán Áo ở New Zealand đã trao tận tay văn bản quyết định ấy cho người đàn ông kia. Sau thời hạn được pháp luật Áo quy định cho khiếu nại là 14 ngày mà người đàn ông kia không có ý kiến phản hồi gì, quyết định của chính quyền Áo được coi như là có hiệu lực. Nhưng để nó có hiệu lực pháp lý chính thức thì phía Áo còn phải thông báo chính thức cho người đàn ông kia biết là quyết định đã có hiệu lực pháp lý chính thức.
Năm 2008, người đàn ông này sang Áo và đã nhận quyết định nói trên. Cuối năm 2015, người đàn ông này muốn chấm dứt quan hệ với người mẹ của đứa trẻ và yêu cầu toà ra phán quyết huỷ bỏ quyết định đóng góp tiền nói trên với lập luận là toà vận hành luật sai. Cụ thể là không đúng với hiệp ước tương trợ tư pháp giữa Áo và New Zealand có từ năm 1931. Trong đó có một điều ghi rõ mọi quyết định của chính quyền tống đạt tới công dân New Zealand phải được thể hiện bằng tiếng Anh trong khi cho tới nay anh ta toàn nhận được văn bản liên quan bằng tiếng Đức.
Biện luận này của anh ta bị toà ở Áo bác bỏ bằng lập luận rằng nếu cơ quan của New Zealand trao giấy tờ cho công dân New Zealand thì văn bản đúng là phải bằng tiếng Anh, nhưng đằng này anh ta nhận giấy tờ từ chính quyền Áo và lại còn trên lãnh thổ nước Áo thì không thể đòi hỏi văn bản giấy tờ phải được thể hiện bằng tiếng Anh. Chỉ chút lắt léo này thôi mà quyết định cả vụ việc đấy.