Hiệu quả tín dụng chính sách nơi vùng cao Bắc Kạn

(PLVN) -  Trong thời gian qua, với sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chung tay góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có sự nỗ lực phấn đấu của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), công cuộc giảm nghèo vì an sinh xã hội bền vững của tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả tích cực.

Bắc Kạn, một tỉnh miền núi cao với địa hình phức tạp, là nơi có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và kinh tế còn chậm phát triển, gặp nhiều khó khăn hơn so với các địa phương khác trong vùng Tây Bắc.

Chính những thách thức này đã làm nổi bật vai trò quan trọng của các cán bộ tín dụng chính sách, những người suốt 22 năm qua đã không ngừng nỗ lực, tận tâm đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay các hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng ATK. Sự đóng góp bền bỉ ấy đã góp phần quan trọng vào sự đổi thay và khởi sắc của vùng miền núi cao Đông Bắc Bộ.

Kiên trì đưa vốn chính sách giúp dân giảm nghèo, xây cuộc sống mới

Vào những ngày cuối năm Giáp Thìn 2024, chúng tôi có dịp lên miền núi cao Bắc Kạn, đến thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn - một vùng đất rộng hơn 500 ha, trong đó có 130 ha rừng sản xuất – chúng tôi được gặp gỡ 78 hộ dân nơi đây, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao Đỏ.

Theo bà Hoàng Thị Nhị, tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tín dụng chính sách của thôn, khoảng mười năm trước, cuộc sống người dân còn rất khó khăn. Đồng bào chủ yếu dựa vào tập quán canh tác cũ, phát rừng làm nương rẫy trên núi, năng suất thấp, chỉ đủ ăn qua ngày. Cái nghèo và đói vẫn đeo bám dai dẳng.

Cuộc họp đầu năm 2025 của NHCSXH huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn.

Tuy nhiên, sự quan tâm của Đảng, Chính quyền các cấp và những cán bộ khuyến nông, khuyến lâm đã mang lại bước ngoặt lớn. Họ đến tận nơi, hướng dẫn bà con trồng rừng, chăn nuôi, và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ những mảnh đồi nương cằn cỗi, bà con đã bắt đầu trồng rừng, tạo sinh kế bền vững.

Đặc biệt, từ khi Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) mở phòng giao dịch tại vùng chiến khu cách mạng Chợ Đồn, các hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã dễ dàng tiếp cận với nhiều chương trình tín dụng chính sách.

Những chương trình như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, vay nước sạch và vệ sinh môi trường, vay giải quyết việc làm… đã mở ra cơ hội lớn, giúp bà con ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.

Hiện tại, thôn có 60 hộ tham gia vay vốn, sử dụng vốn chính sách hơn 5 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Tiêu biểu có gia đình chị Lại Phương Thủy ở thôn Bản Cuôn 2, là hộ thoát nghèo năm 2023, chị Thùy tâm sự, nhà có 6 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính, thấy trong thôn nhiều gia đình trồng rừng từ vốn vay của NHCSXH có hiệu quả, chị đã đăng ký tham gia thành viên tổ tiết kiệm vay vốn và vay số tiền 35 triệu đồng để trồng rừng.

Năm 2023 sau khi hoàn trả phần vốn vay, gia đình chị tiếp tục vay 100 triệu đồng để trồng, chăm sóc rừng, đồng thời được hướng dẫn vay vốn hỗ trợ làm nhà ở số tiền 40 triệu đồng, nhà mới đã xây xong, nay gia đình chị yên tâm làm ăn, không còn lo những lúc trời mưa gió, và niềm vui nhất của chị là gia đình không còn tên trong danh sách hộ nghèo, điều mong mỏi của gia đình nay đã đạt được.

Tại Pác Nặm, một trong hai huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, nguồn vốn ưu đãi đã trở thành "đòn bẩy" giúp nhiều gia đình đồng bào dân tộc phát triển kinh tế và thoát khỏi cảnh nghèo túng. Điển hình là gia đình anh Lý Văn Kiều ở tổ Nà Vài, xã Nghiên Loan. Nhờ khoản vay ban đầu 50 triệu đồng, anh đã đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và sinh sản. Mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp gia đình anh có thu nhập ổn định và ngày càng khá giả.

Đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Kạn sử dụng vốn chính sách phát triển sản xuất , thoát nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống.

Hộ anh Hoàng Tiến Hồng, thôn Khau Vai, xã Bộc Bố với mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản, từ số vốn vay 100 triệu đồng ban đầu đến nay gia đình anh đã có 5 con ngựa sinh sản, mô hình phát triển tốt. Hay mô hình vườn - ao - chuồng - rừng của anh Quách Văn Giai thôn Đông Lẻo, xã Bộc Bố từ 30 triệu đồng vốn vay tạo việc làm đã giúp gia đình thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn, gà, đào ao thả cá đem lại thu nhập khá… Theo thống kê của huyện, số hộ vượt qua ngưỡng nghèo của toàn huyện trong 10 năm qua là 1.604 hộ.

Từ những bản làng trong vùng chiến khu xưa Chợ Đồn đến trên rẻo cao Pác Nặm, nhìn rộng ra cả tỉnh Bắc Kạn, dòng vốn tín dụng chính sách của NHCSXH luôn được khơi thông, chảy đều đặn, đến từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào DTTS khó khăn để kịp thời, chủ động xuống đồng, lên rừng vào vụ sản xuất, tạo nguồn thu.

Có thể khẳng định, từ một tỉnh có quá nhiều khó khăn về địa lý ở vùng cao, địa hình núi cao, rừng rậm nhiều, hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS đông ở khu vực Tây Bắc, nhưng trong những năm qua nguồn vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã thực sự làm công cụ hữu hiệu giúp địa phương đạt những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo. Đó là tỷ lệ giảm nghèo đa chiều năm 2022 giảm 2,66%, năm 2023 giảm 2,7%, đến cuối năm 2024 tiếp tục giảm sâu; (trong đó hộ nghèo DTTS năm 2022 giảm 2,6%, năm 2023 giảm 3,4%), bình quân toàn tỉnh giảm 3%.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn tỉnh Bắc Kạn

Để đạt được kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo, theo ông Hà Sỹ Côn - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, trước hết do cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, trực tiếp chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Nhờ nguồn vốn vay, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Song hành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn luôn đồng tâm, nhất trí cao thực hiện đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua những việc làm cụ thể như: lập kế hoạch xử lý phù hợp, tập trung huy động mọi nguồn lực, tổ chức chuyển tải, nhanh chóng, an toàn nguồn vốn tín dụng chính sách về tận bản làng, xã phường, thị trấn, bất kể vùng sâu, vùng khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cả hộ mới thoát nghèo tiếp cận dễ dàng các dịch vụ của NHCSXH.

Kết quả, tốc độ tăng trưởng dư nợ của NHCSXH Bắc Kạn năm sau cao hơn năm trước, đến 31/12/2024 đạt trên 3.500 tỷ đồng, tăng 207,5 tỷ đồng so với năm 2023. Ngay cả khi gặp thiên tai, dịch bệnh gây trở ngại đến tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, dòng chảy tín dụng chính sách vẫn thông suốt, chảy đều đặn, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách từ vùng sâu, vùng xa các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Mới, Chợ Đồn… có vốn đầu tư vào thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi bò sữa, trâu sinh sản, trồng rừng nguyên liệu giấy, cây ăn quả đặc sản.

Tính đến nay Bắc Kạn có đến 19 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 3.499,9 tỷ đồng. Đặc biệt, sau 10 năm đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống, các nguồn lực tài chính ở Bắc Kạn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước được quy về một đầu mối, giao cho NHCSXH tại địa bàn quản lý, sử dụng. UBND tỉnh và 8 huyện, thành phố trực thuộc đã cân đối việc thu chi ngân sách, chuyển sang NHCSXH 102 tỷ đồng để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Toàn bộ nguồn vốn chính sách và nguồn ngân sách địa phương đã được các cán bộ tín dụng chính sách vùng Đông Bắc Bộ cùng 1.505 tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn chuyển tải đến 108 Điểm giao dịch xã, trực tiếp hỗ trợ từng hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ nỗ lực bền bỉ, tín dụng chính sách đã mang lại nhiều thành quả đáng khích lệ, góp phần thay đổi diện mạo vùng cao Bắc Kạn. Tiếp nối thành công, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cam kết thực hiện tốt Chỉ thị số 39/CT-TW, huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, và phát triển toàn diện vùng núi cao.

Đọc thêm