Hiệu quả từ dự án trồng rừng nguyên liệu Kon Tum

0:00 / 0:00
0:00
Với mục tiêu đầu tư trồng rừng, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, có quy mô lớn để phục vụ các nhà máy chế biến gỗ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum đã có nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cao...

Nỗ lực và thành quả bước đầu

Được UBND tỉnh Kon Tum cấp phép thành lập năm 2008 với quy mô dự án thuộc phạm vi trên địa bàn 52 xã thuộc 7 huyện, thành phố gồm: Đăk Glei, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum, dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, có lúc phải ngưng trệ sản xuất nhưng với quyết tâm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã cam kết, Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum (Công ty) đã và đang nỗ lực phấn đấu, tiếp tục triển khai thực hiện đạt những kết quả quan trọng, tích cực trong thời gian qua.

Bà Y Phin, Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng bạch đàn của công ty trồng trên địa bàn của xã.

Bà Y Phin, Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng bạch đàn của công ty trồng trên địa bàn của xã.

Bà Vũ Thị Hạ Huyên, Giám đốc Công ty cho biết, đến nay, công ty đã được UBND tỉnh Kon Tum giao 1.751,38 ha/ 65.000 ha tại các huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô, huyện Sa Thầy và Tu Mơ Rông. Công ty đã đầu tư trồng được trên 961 ha rừng, chủ yếu là các loại cây như thông, bạch đàn, tiêu rừng… đang phát triển khá tốt, có triển vọng, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở Kon Tum. Công tác quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ, khai thác, phòng cháy chữa cháy rừng.

Trong quá trình triển khai dự án, năm 2010, công ty phải tạm dừng để kiểm tra rà soát lại quỹ đất. Đến giữa năm 2011, sau khi dự án được hoạt động trở lại, phần lớn diện tích đất của công ty được UBND tỉnh Kon Tum cấp cho thuê đã bị người dân xâm canh để trồng hoa màu.

Từ đó đến nay, với sự vào cuộc, hỗ trợ đắc lực của chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, xã và các đoàn thể liên quan, từ năm 2019-2020 Công ty đã tổ chức nhiều cuộc họp, tiếp xúc với các hộ dân vi phạm xâm lấn đất của công ty để thảo luận giải quyết với quan điểm luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, dù bà con có xâm canh nhưng công ty đều hỗ trợ, đền bù thỏa đáng để thu hồi đất, được người dân đồng tình ủng hộ; đa số các hộ dân xâm canh đều tự nguyện thực hiện theo đúng cam kết thời hạn trả lại đất. Kết quả là đến nay, hầu hết diện tích đất bị người dân xâm canh đã được bà con tự nguyện trả lại cho công ty. Cụ thể, huyện Đăk Hà 110 ha, huyện Đăk Tô 11,5 ha, huyện Tu Mơ Rông 150 ha, huyện Sa Thầy 64,25 ha.

Bà Y Phin, Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy cho biết, toàn xã có trên 320 ha thuộc dự án của công ty đã được trồng bạch đàn. Chính quyền và người dân trong xã luôn ủng hộ, tích cực hợp tác, cùng công ty phát triển vùng nguyên liệu. Diện tích rừng trồng đang phát triển tốt, bà con rất phấn khởi.

Rừng nguyên liệu của công ty phát triển tốt trên đất Kon Tum.

Rừng nguyên liệu của công ty phát triển tốt trên đất Kon Tum.

Ông A Công, một nông dân ở thôn Kon Pia, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông không giấu được niềm vui: “Cảm ơn công ty đã đồng hành, hỗ trợ bà con người Xơ Đăng, tạo công ăn việc làm, thu nhập tốt hơn nhờ trồng rừng nguyên liệu…”.

Một số vướng mắc cần tập trung xử lý

Theo ông Đặng Quang Trung, Phó Giám đốc Công ty, hiện tại chỉ còn một số ít hộ dân cố ý lấn chiếm sử dụng đất. Cụ thể, có 2 hộ gia đình (mỗi hộ xâm canh 3 ha đất) là ông Nguyễn Văn Lượng và ông A Mai cùng ở thôn 7, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà. Công ty đã tổ chức đối thoại với chính quyền xã, thôn và người dân, tạo điều kiện tốt nhất cho 2 hộ dân nói trên thu hoạch hết sản phẩm hoa màu xong hoàn trả lại đất cho công ty. Tuy nhiên, 2 hộ trên cố tình không trả lại đất mà còn tiếp tục trồng vụ mới là hoàn toàn sai quy định, gây khó khăn cản trở cho thực hiện việc trồng rừng. Hiện công ty đã có văn bản báo cáo các cấp có trách nhiệm của tỉnh và huyện Đăk Hà đề nghị sớm can thiệp, trả lại đất cho công ty để tiếp tục hoàn thành mục tiêu trồng rừng năm 2023.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định cho Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum thuê đất để trồng rừng nguyên liệu. Khu đất được giao tại xã Đăk Pxi là 320 ha. Công ty đã trồng rừng khoảng hơn 95 ha. Diện tích còn lại khoảng 224 ha, trong đó khoảng 100 ha rừng tự nhiên phục hồi và hơn 100 ha diện tích người dân xâm canh. Đơn vị sẽ rà soát lại diện tích đất của bà con và báo cáo lên các cơ quan cấp trên để có phương án hỗ trợ, ổn định cuộc sống cho bà con.

Chuẩn bị cây giống cho mùa trồng mớiChuẩn bị cây giống cho mùa trồng mới

Trong năm 2023-2024, Công ty sẽ tiếp tục trồng 250 ha rừng tại các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và Tu Mơ Rông. Bà Vũ Thị Hạ Huyên, Giám đốc Công ty cho biết: “Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của công ty là luôn quan tâm, hỗ trợ cuộc sống người dân gắn với rừng nguyên liệu, ưu tiên tuyển dụng nhân lực từ các hộ gia đình tự nguyện trả lại đất xâm canh cho công ty để tham gia thực hiện nhiệm vụ trồng rừng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bà con với phương châm ưu tiên sử dụng lao động trong địa bàn tỉnh Kon Tum trước, ngoại tỉnh sau”.

Có thể khẳng định, với mục tiêu quyết tâm trồng và bảo vệ rừng, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chặt chẽ phần diện tích đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh Kon Tum giao, Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát triển đúng quy mô, định hướng đã được chính quyền phê duyệt.

Công ty mong muốn tiếp tục được chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi một số diện tích đất bị xâm canh lấn chiếm, để công ty hoàn thành trồng rừng trên toàn bộ diện tích đất đã được giao, góp phần tăng diện tích rừng trồng, tăng tỷ lệ che phủ của rừng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đọc thêm