Đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật, để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả…là một yêu cầu không đơn giản. Với tính đặc thù của môi trường quân đội thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục sẽ được thực hiện như thế nào?
Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Thiết giáp 47 học Luật Giao thông đường bộ. |
Theo đánh giá của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Bộ Quốc phòng, năm 2011, công tác PBGDPL trong toàn quân được lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chủ động, bảo đảm tiến độ, giữ được nền nếp và gắn với phong trào thi đua tăng cường quản lý, duy trì kỷ luật, xây dựng chính quy, phát huy tác dụng, hiệu quả trong các nhiệm vụ trọng tâm…
Đạt được kết quả trên là do Hội đồng PBGDPL các cấp được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nền nền và tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy triển khai nghiêm túc, kịp thời kế hoạch PBGDPL của Bộ Quốc phòng…
Công tác PBGDPL trong Quân đội được đánh là có thuận lợi do có sự gắn liền với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác đảng, công tác huấn luyện quân sự. Nhưng theo thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn - Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng Cục chính trị, Bộ Quốc phòng) thì ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sỹ luôn bị tác động từ ý thức pháp luật của xã hội nói chung. Khi mà mỗi năm, có hàng chục ngàn thanh niên nhập ngũ thì việc làm chuyển biến tích cực trong ý thức pháp luật của đội ngũ tân binh này là không dễ.
Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Thiết giáp 47 học Luật Giao thông đường bộ. |
Tuy nhiên, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn cũng cho hay, để khắc phục những khó khăn này, ngoài những nội dung PBGDPL “cứng” theo hướng dẫn thì nhiều đơn vị trong quân đội đã chủ động tăng cường tuyên truyền, phổ biến những kiến thức pháp luật sát thực với đời sống chiến sỹ, nhất là chiến sỹ mới. Thậm chí, có đơn vị còn biên soạn kiến thức pháp luật theo dung hỏi- đáp một cách đơn giản, dễ hiểu để phù hợp đối tượng này.
Ngoài ra, qua tổng kết, Đại tá Lê Thành Trung- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Văn phòng Bộ Quốc phòng) cho hay, trong năm 2011, nhiều cơ quan, đơn vị đã tích cực đổi mới, vận dụng các hình thức, phương pháp tuyên truyền, PBGDPL phong phú, đa dạng như: Phong trào thực hiện “mỗi tuần học một điều luật” tại Quân khu 5; Tổ chức “tuyên truyền, ra quân hưởng ứng tháng an toà giao thông” tại Trường Sĩ quan Lục quân 1; Tổ chức “tổng kết Chỉ thị số 22/CT- BBT ngày 24/2/2003 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông” tại Quân khu 9; Báo Hải quân, Tạp chí Hải quân thường xuyên duy trì chuyên trang, chuyên mục “tìm hiểu pháp luật”; Tổ chức triển khai “Ngày pháp luật” và thực hiện “Tháng hành động phòng chống ma tuý”, tổ chức triển khai thực hiện đề án “nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” tại Quân khu 3; Tổ chức tập huấn “Tổ công tác pháp luật” tại Quân đoàn 4…
Đối với hoạt động GDPB pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Thành Thuộc- Phó Chánh án Toà án Quân sự T.Ư- cho hay, với đặc thù là một cơ quan xét xử, Toà án quân sự các cấp đã tổ chức nhiều phiên toà lưu động tại địa phương nơi đóng quân. Điều này không chỉ tuyên truyền pháp luật cho cán bộ chiến sỹ mà còn giúp nhân dân địa phương hiểu luật hơn. Qua thực tế kiểm tra tại các đơn vị, Thiếu tướng Thuộc còn cho biết, “mô hình tủ sách pháp luật tại các đơn vị (nhất là các đồn biên phòng) tỏ ra rất có hiệu quả. Nhiều cuốn sách cũ, quăn cả bìa chứng tỏ nó được cán bộ, chiến sỹ quan tâm, chuyền tay nhau đọc”.
Tại Hội nghị của Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL Bộ Quốc phòng sáng 15/2, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung- Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác PBGD Bộ Quốc phòng- đã đánh giá cao những cố gắng của cán bộ chiến sỹ trong toàn quân trong việc triển khai công tác BPGDPL và đề nghị các thành viên của Hội đồng đề cao trách nhiệm trong hoạt động công tác năm 2012.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - phát biểu tại Hội nghị. |
Thượng tướng nhấn mạnh: “Cần nghiên cứu đặc thù từng khối (khối kinh tế doanh nghiệp, khối cơ quan học viện, nhà trường…), từng quân chủng để xác định chương trình PBGD pháp luật cho phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế tối đa vi phạm kỷ luật quân đội. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến công tác kiểm tra, đánh giá công tác PBGD pháp luật, đảm bảo đúng và thực chất”.
Khoa Lâm