Đặc biệt, hình ảnh người chiến sĩ áo trắng không chùn bước trong bất kỳ hoàn cảnh nào, xông pha thời chiến, cống hiến thời bình được nhắc đến trong bài viết này chính là một trong những minh chứng sống động, rõ nét cho sự thấm nhuần tư tưởng, lời dạy của Người.
Dấu chân những chiến sĩ áo trắng trong kháng chiến
Từ xưa đến nay, hình ảnh người chiến sĩ áo trắng luôn là biểu tượng của lòng nhân ái, đức hy sinh, tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy quên mình vì sức khỏe Nhân dân. Khi Đảng gọi, khi Tổ quốc cần, họ luôn là những người sẵn sàng lên đường, có mặt ở những nơi gian khổ, hiểm nguy nhất, mang theo sứ mệnh cao cả chữa bệnh, cứu người. Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, có biết bao thế hệ thầy thuốc tận tụy với nghề, say sưa với ngành đã không quản ngại gian khó, hiểm nguy, luôn sát cánh cùng các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống địch. Họ đảm nhận công tác chăm sóc, cứu chữa thương, bệnh binh, đồng bào, đồng chí ngay giữa lòng chiến trường khốc liệt. Khi ấy, họ không chỉ là người thầy thuốc mà còn là những chiến sĩ thực thụ kiên cường, quả cảm nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Đến nay, dù chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng với nhiều người, ký ức về những hoạt động của ngành Y tế trong thời điểm diễn ra các cuộc kháng chiến vẫn là miền ký ức thiêng liêng, không thể nào quên. Nhiều y, bác sĩ, sinh viên y khoa đã anh dũng ngã xuống, để lại máu xương nơi chiến trận vì lý tưởng độc lập dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước. Họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, mang theo hoài bão cống hiến cho Tổ quốc bằng trái tim của một người thầy thuốc và tinh thần của một chiến sĩ cách mạng.
Đây cũng là giai đoạn khó khăn chồng chất khó khăn đối với ngành Y khi vừa phải đối mặt với dịch bệnh hiểm nghèo, vừa chống chọi với bom đạn, biệt kích. Giữa rừng sâu, núi thẳm, điều kiện chăm sóc sức khỏe lại càng thiếu thốn, nguồn nhân lực có hạn, thuốc men khan hiếm, cơ sở vật chất y tế lạc hậu. Chưa kể, trong chiến trường ác liệt đó, những chiến sĩ áo trắng không chỉ làm công tác chuyên môn mà còn sẵn sàng hóa thân thành những lá chắn sống, lấy thân mình che chở cho bệnh nhân giữa “mưa bom, bão đạn” của kẻ địch. Người thầy thuốc khi ấy phải biết bắn súng, cách di chuyển, né tránh bom đạn, ứng phó với mọi hoàn cảnh để bảo vệ được người bệnh và bản thân mình.
Hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt là thế, nhưng cán bộ y tế Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến luôn cố gắng nỗ lực với tinh thần bản thân có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng tính mạng của bệnh nhân vẫn quan trọng nhất. Với họ, cứu được một mạng người để phục vụ cho chiến đấu không chỉ là trách nhiệm mà còn là món quà đặc biệt. Chính tinh thần tận tụy, cao cả ấy đã giúp những chiến sĩ áo trắng làm nên những kỳ tích y khoa giữa bom đạn, khiến bạn bè quốc tế phải nghiêng mình ngưỡng mộ.
Đơn cử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hệ thống y tế dã chiến được triển khai đã cứu sống hàng vạn chiến sĩ. Ngay tại những chiến trường khốc liệt nhất, những trạm xá tiền phương, bệnh viện dã chiến vẫn ngày đêm hoạt động không ngừng nghỉ để điều trị, cứu chữa cho thương, bệnh binh. Cũng chính từ thực tiễn cam go ấy, hàng loạt sáng kiến độc đáo ra đời ngay giữa tuyến lửa nhằm khắc phục tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về thuốc men và trang thiết bị y tế.
Có thể kể đến như việc sử dụng phân người điều chế thuốc bù điện giải, truyền dịch bằng nước dừa, dùng nước mắm làm chất truyền đạm, hay sáng chế ra các loại thuốc điều trị sốt rét, vaccine phòng bệnh, buồng mổ lưu động... Tất cả những ý tưởng đều thể hiện một khát khao mãnh liệt của những chiến sĩ áo trắng nói riêng, ngành Y tế nói chung là bảo vệ sức khỏe chiến sĩ và Nhân dân bằng mọi giá. Đồng thời đánh dấu sự sáng tạo, lòng quả cảm của cán bộ y tế thời chiến, góp phần quan trọng vào ngày toàn thắng 30/4/1975.
Sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ áo trắng lúc bấy giờ đã được khắc ghi trong lịch sử dân tộc và hun đúc nên truyền thống vẻ vang của ngành Y tế. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, trong hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ngành Y tế Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng, luôn kề vai sát cánh cùng đồng bào cả nước chiến đấu chống kẻ địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Một thời không quên, một đời cống hiến
Không chỉ dũng cảm xông pha trong thời chiến, hình ảnh người chiến sĩ áo trắng còn tiếp tục tỏa sáng trong thời bình với những cống hiến đầy ý nghĩa. Hòa bình lập lại, đội ngũ thầy thuốc lại có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, âm thầm, lặng lẽ, tận tụy cống hiến để bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và hạnh phúc cho mọi gia đình.
Qua biết bao khó khăn, thử thách, ngành Y tế Việt Nam một mặt kế thừa những giá trị to lớn mà thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, mặt khác không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, phát huy tối đa nghị lực để chinh phục những đỉnh cao mới. Điều này được thể hiện rõ nét trong thời kỳ đại dịch cũng như trong thiên tai, thảm họa. Khi đất nước cần, cả hệ thống y tế đã dốc toàn lực, ngày đêm không một phút ngơi nghỉ để cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, cứu chữa bệnh nhân.
Nhìn lại hơn 3 năm chiến đấu với đại dịch COVID-19, cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, ngành Y tế với vai trò là “chiến sĩ” tiên phong trong phòng, chống dịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giúp Việt Nam vượt qua đại dịch và trở thành một trong những nước “đi sau nhưng về trước”. Trong cuộc chiến đó, không thể không nhắc đến công sức của hàng trăm nghìn “chiến sĩ áo trắng” không quản ngại hy sinh, gian khổ, kiên cường hoàn thành sứ mệnh chữa bệnh, cứu người nơi tuyến đầu. Hơn 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y, bác sĩ, sinh viên các trường y dược đã gác lại việc nhà, việc mình để lên đường vào vùng tâm dịch hỗ trợ các địa phương. Đây là minh chứng cho thấy trong thời bình, ngành Y tế Việt Nam tiếp tục giữ vai trò “lá chắn sống”, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
|
Một ca ghép tim xuyên Việt thực hiện thành công tại Huế vào tháng 3/2025. (Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế) |
Ngoài ra, trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, ngành Y tế Việt Nam cũng ghi nhận nhiều thành tựu đột phá, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của nền y học nước nhà. Đội ngũ y, bác sĩ đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến trong các lĩnh vực như can thiệp dị tật phức tạp từ giai đoạn bào thai, nhi khoa, tim mạch, vi phẫu, ghép đa tạng, ghép chi, ghép tế bào gốc, phẫu thuật nội soi và nhiều thành tựu y khoa khác. Những thành tựu này đã đưa y học Việt Nam ngày càng trưởng thành, hội nhập, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong bản đồ y khoa thế giới và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đáng chú ý, về những dấu ấn trên bản đồ ghép tạng Việt Nam, sau 33 năm kể từ ca ghép tạng ở người đầu tiên, giờ đây số ca ghép tạng trên cả nước đã lên đến hơn 9.500 ca. Với hơn 1.000 ca ghép mỗi năm, Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ ghép tạng cao nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, còn phải nhắc đến những ca ghép tạng xuyên Việt là điểm sáng mang ý nghĩa nhân văn to lớn. Những hành trình thành công đưa trái tim, lá gan vượt hàng nghìn cây số không chỉ khẳng định đội ngũ thầy thuốc Việt Nam làm chủ kỹ thuật đỉnh cao trong ghép tạng mà còn cho thấy tinh thần tận hiến của những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chạy đua nghẹt thở với thời gian để giành lại sự sống cho người bệnh.
Theo thời gian, từ trạm xá tiền phương giữa khói lửa chiến tranh đến hành trình ghép tạng xuyên Việt ngày hôm nay, có thể thấy dù nhiều điều đã đổi thay, nhưng hình ảnh người chiến sĩ áo trắng vẫn luôn vẹn nguyên, không thay đổi. Họ vẫn luôn là biểu tượng cao đẹp của lòng nhân ái, tinh thần quả cảm và sự tận tụy không ngơi nghỉ vì sức khoẻ và tính mạng Nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ thầy thuốc Việt Nam vẫn kiên cường, bền bỉ, không lùi bước - như ngọn lửa không bao giờ tắt trong trái tim của những người mang sứ mệnh chữa bệnh, cứu người.