Nhiều ngày qua du khách tới thăm di tích ATK Tân Trào ngạc nhiên khi không còn thấy cây đa Bà đâu nữa, thay vào đó là một cây non đang phát triển ngay sát cạnh và một gốc cây đa được bọc composite.
Theo tìm hiểu của PLVN Online thì cây non này chính là chiếc rễ được tạo từ nhánh cây duy nhất còn sống của cây đa Bà 3 năm về trước.
|
Rễ chính từ nhánh cuối cùng của cây đa bà giờ đã phát triển thành thân cây xanh tươi như thế này |
Xác nhận thông tin này, ông Nguyễn Anh Kết- TGĐ Công ty CP Thanh Hà, đơn vị “cứu chữa, phục hồi” cây đa Tân Trào cho biết rễ chính tạo từ cành cây còn sống của cây đa Bà đã tiếp đất hơn 1 năm nay và sinh trưởng rất tốt. Hiện rễ chính đã có đường kính gần 100 cm và thành thân cây con cao khoảng 7-8m.
Bên cạnh đó một chùm rễ gần 40 rễ cũng đã tiếp đất và sắp sửa thành các thân mới. Trước sự hồi sinh kỳ diệu này cùng với việc cây con đã có thể phát triển độc lập, nếu như không tách khỏi thân cây đa già đã chết khô sẽ khó có thể phát triển tốt, mới đây UBND tỉnh Tuyên Quang đã cho phép Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào được tách rời cây con mới ra khỏi phần thân chết của cây đa Bà. Phần gốc cây đa Bà được bọc composite để giữ lại làm lưu niệm.
“Nhiều người không nhìn thấy gốc cũ, tưởng cây đã chết nhưng thực tế không phải, cây con này chính là cây nguyên bản của cây đa Bà hồi sinh. Khoảng 5-7 năm nữa cây con này sẽ lấy lại được hình dáng cây đa cũ và sẽ không cần có chăm sóc đặc biệt như hiện nay mà sẽ phát triển bình thường như các cây tự nhiên khác. Đây là thành tựu của khoa học công nghệ và sự cố gắng của cán bộ, nhân dân tỉnh Tuyên Quang”, ông Kết chia sẻ.
|
Ông Nguyễn Anh Kết bên một chiếc rễ của nhánh đa Bà được nhử xuống đã tiếp đất thành công |
Cây đa Tân Trào thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia ATK Tân Trào. Dưới gốc cây đa này, vào ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy lễ xuất quân của Giải phóng quân tiến về Hà Nội tham gia cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Cây đa Tân Trào trước đây gồm hai cây, người dân xung quanh thường quen gọi là cây "đa ông" và cây "đa Bà", mọc cách nhau khoảng 10m. Hơn 10 năm trước, cây "đa ông" bị bão thổi đổ, chỉ còn một nhánh nhỏ. Còn “cây đa Bà” trước khi được Công ty cổ phần Thanh Hà (Hà Nội) đứng ra nhận “cứu chữa” gần như chết khô, chỉ còn duy nhất cành hướng Đông Bắc còn sống nhưng lá không tốt, các rễ chính của cây đa gần như đã hỏng.
Công ty CP Thanh Hà đã tạo sẹp trên cành cây còn sống, nhử các búi rễ xuống và sử dụng các chế phẩm sinh học AH, NH, KH để kéo thành công các rễ này thành cây con.
Theo ông Ngô Quốc Lập- Giám đốc Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho biết việc “nhử” rễ xuống thành thân mới là phương án mạnh bạo của công ty Thanh Hà. “ Cây đa xuống rễ được như hôm nay không chỉ giữ được hình ảnh lịch sử về cây đa Tân Trào mà còn giữ được nguồn gen quý”, ông Lập khẳng định.
Được biết, Dự án đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi cây đa tân Trào- di tích lịch sử quốc gia đã được phê duyệt với tổng kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng.
Anh Phương