Hình phạt nào đang chờ người đầu độc bé 11 tháng tuổi ở Thái Bình?

(PLVN) - "Trường hợp cháu bé không bị tử vong do được cấp cứu kịp thời thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả) với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù" -  Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, cho biết. 

Ngày 4/8, thông tin với báo chí, lãnh đạo Công an TP Thái Bình (Thái Bình) cho biết đơn vị này đang tiến hành điều tra nghi vấn nữ bác sỹ đầu độc cháu bằng thuốc diệt chuột.

Thông tin ban đầu cho biết, ngày 13/7, Bệnh viện Nhi Thái Bình tiếp nhận bệnh nhân L. T. D. M. (11 tháng tuổi, trú xã Tân Bình, TP Thái Bình) trong tình trạng nguy kịch, nghi bị trúng độc.

Sau 2 ngày được theo dõi, điều trị tại khoa Cấp cứu-Chống độc, bệnh tình của M. không giảm, nặng hơn nên ngày 15/7, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã chuyển cháu lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Quá trình cấp cứu, điều trị, làm xét nghiệm cho cháu M., Bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện trong mẫu xét nghiệm của bệnh nhân có chất độc, loại thuốc diệt chuột. Sự việc được báo cho Công an quận Đống Đa để phối hợp điều tra, xác minh.

Trong quá trình xác minh, Công an quận Đống Đa đã triệu tập bà Chử Thị Mỹ Lệ (51 tuổi, trú tại xã Tân Bình, TP Thái Bình), là bà nội của cháu bé đến làm việc.

Tại cơ quan công an, bà Lệ thừa nhận đã 2 lần bơm thuốc diệt chuột vào sữa rồi cho cháu nội uống, 1 lần ở nhà trước khi cháu nhập viện, 1 lần trong khi cháu đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Thái Bình. Phần thuốc thừa, bà Lệ khai đang cất giữ ở nhà.

Vụ việc sau đó được Công an quận Đống Đa bàn giao cho Công an TP Thái Bình tiếp tục thụ lý điều tra. Tối ngày 1/8, Công an TP Thái Bình di lý bà Lệ về Thái Bình, khám xét nhà ở của đối tượng này ở thôn Tú Linh, xã Tân Bình, thu giữ được 1 lọ thuốc chuột đã qua sử dụng. Bà Lệ sau đó đã bị Công an TP Thái Bình tạm giam để phục vụ điều tra.

Cùng ngày 4/8, thông tin về sự việc, đại diện chính quyền xã Tân Bình, TP Thái Bình cho biết, cháu M. sinh non, từ khi sinh ra cháu đã bị bệnh bại não, hở hàm ếch thường xuyên ốm yếu. Thời gian qua, cháu M. được bố mẹ gửi về quê nhờ ông bà nội chăm sóc.

Liên quan vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), nhận định qua những thông tin ban đầu thấy đây là bi kịch trong gia đình. Dưới góc độ pháp luật, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Cháu bé sinh ra đã bị thiệt thòi khi không hoàn thiện về thể chất và tinh thần.

Kết quả giám định chất độc thuốc diệt chuột trong cơ thể cháu bé nếu có khả năng nguy hiểm đến tính mạng cháu bé. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được người gây ra hành vi phạm tội này chính là bà nội cháu bé thì nghi phạm sẽ phải đối mặt với tội danh Giết người.

"Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Trường hợp cháu bé không bị tử vong do được cấp cứu kịp thời thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả) với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù" - Luật sự Thơm nhận định.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

(Theo Bộ luật hình sự)

Đọc thêm