HIV/AIDS gia tăng ở vùng cao

(PLO) - Theo báo cáo của các địa phương cho thấy, dịch HIV/AIDS đang gia tăng tại các huyện, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Nguyên nhân chủ yếu do tiêm chích ma túy đến nhiễm HIV/AIDS.
Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền phòng, chống ma túy và HIV/AIDS.

Vùng Tây Bắc có tỷ lệ người nhiễm HIV đứng hàng đầu cả nước

Mối quan hệ mật thiết giữa HIV/AIDS với ma túy, với đói nghèo, với trình độ dân trí thấp có liên quan trực tiếp đến bảo đảm quốc phòng, an ninh, chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.

Nghiên cứu của Dự án Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) cho thấy một số tỉnh tỷ lệ nhiễm HIV trong đồng bào DTTS (độ tuổi từ 15 đến 49) cao hơn tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư chung toàn quốc. Còn theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc về tình hình HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, từ năm 2013, HIV/AIDS đã len lỏi đến hầu hết vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Có 97% số quận, huyện, 33% số xã, phường trong khu vực báo cáo phát hiện người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV còn sống của khu vực Tây Bắc đứng thứ ba so với các khu vực khác trong cả nước.

Những năm trước đây, hiện tượng đồng bào DTTS nghiện ma túy đã có, nhưng đa phần bà con sử dụng bàn đèn để hút, hít thuốc phiện nên tỷ lệ lây nhiễm HIV là không cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do nhiều đồng bào đã chuyển sang tiêm chích ma túy vì nhanh chóng, tiện lợi lại “phê” hơn… dẫn đến căn bệnh HIV/AIDS có cơ hội lây nhiễm rộng hơn.

Với dân số chỉ chiếm hơn 15% cả nước nhưng số người nhiễm HIV hiện còn sống cũng như số người đã tử vong do AIDS chiếm khoảng 1/4 trong cả nước.

Nhiều tỉnh vùng Tây Bắc đang có tỷ lệ người nhiễm HIV đứng hàng đầu cả nước. Đối chiếu với tỷ lệ đồng bào DTTS nghiện ma túy có thể thấy, địa phương nào có càng đông đồng bào DTTS nghiện ma túy thì tại địa phương đó, số người nhiễm HIV càng nhiều. Cụ thể như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Nghệ An - 4 tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS nhiễm HIV cao, cũng chính là 4 tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS nghiện hút ma túy xếp hàng đầu cả nước.

Trong đó, đa số người nhiễm HIV là do lây nhiễm qua đường tình dục và đường kim tiêm mà chủ yếu là tiêm chích ma túy; tập trung đông ở các dân tộc Thái, Mông, Thổ, Tày, Nùng, Dao. Đáng lo ngại là do thiếu hiểu biết, ngày tháng quanh quẩn ở bản làng, nương rẫy để nuôi những cơn thèm thuốc nên nhiều đồng bào không ý thức được sự nguy hiểm của căn bệnh HIV/AIDS. Chính vì vậy, việc các con nghiện cùng sử dụng bơm kim tiêm thường xảy ra. Chỉ cần 1 người nghiện nhiễm HIV/AIDS thì sự lây lan của bệnh này với những người còn lại là hoàn toàn có thể.

Tại Nghệ An, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 8.000 người nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở 438/480 xã tại 21 huyện, thành, thị. Đặc biệt, số người nhiễm HIV/AIDS ở các huyện vùng cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu… chiếm tỉ lệ lớn. Đó là chưa kể đến một bộ phận không nhỏ bị nhiễm còn “giấu bệnh” không đi khám, xét nghiệm do mặc cảm.

Nguyên nhân người nhiễm HIV còn sống của khu vực Tây Bắc cao do đây là vùng có nhiều phong tục tập quán khác biệt, xuất hiện nhiều tình trạng di dân từ nơi khác đến, cho nên các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Ngoài nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS trực tiếp qua tiêm chích ma túy thì việc quan hệ tình dục trong nhóm đối tượng này cũng là một trong những nguy cơ làm lây nhiễm HIV. Ðáng chú ý, hiện nay công tác tư vấn, xét nghiệm HIV đối với đồng bào DTTS còn hạn chế, bởi 22 tỉnh mới chỉ có 129 phòng tư vấn xét nghiệm HIV (5,8 phòng/tỉnh), trong khi đồng bào DTTS sống rải rác và ở các vùng sâu, vùng xa. 

Vì sao tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS ở vùng cao ngày càng gia tăng?

Nếu như công tác phòng, chống HIV/AIDS đang ngày càng khó khăn với các tỉnh, thành phố; thì với vùng DTTS và miền núi, công tác này cũng gặp nhiều vướng mắc. Trước hết là nguồn nhân lực. Hiện tại, tuyến tỉnh chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu cán bộ có trình độ đại học, tuyến huyện hiện chỉ có 20% số huyện có cán bộ chuyên trách cho công tác phòng, chống HIV/AIDS - thế nhưng tại các tỉnh miền núi, con số này còn thấp hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm HIV lưu động thời gian qua mới chỉ mang tính thí điểm tại một số tỉnh, thành phố, chưa đáp ứng được nhu cầu và sự tiếp cận của đồng bào DTTS. Các phòng khám điều trị ngoại trú chỉ đáp ứng được 46,5% nhu cầu thấp hơn tỷ lệ chung cả nước (xấp xỉ 70%). Tương tự với điều trị, hiện nay độ bao phủ dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chỉ đạt 25,6%. Ðộ bao phủ của dịch vụ dự phòng chỉ tập trung ở tuyến tỉnh, thành phố và những địa phương có dự án tài trợ.

Ngoài ra, đó là sự thiếu chủ động và quá lệ thuộc vào nguồn tài trợ của quốc tế, nhất là trong thực hiện mục tiêu phòng chống HIV/AIDS, đang khiến công tác này đứng trước không ít trở ngại. Thời gian trước đây, khoảng 80% kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thì tài trợ liên tục bị cắt giảm.

Các dự án viện trợ từ tổ chức quốc tế đã kết thúc, một số dự án còn lại đang bị giảm mạnh kinh phí và sẽ chấm dứt trong 1 - 2 năm tới. Thêm vào đó, những khó khăn của nền kinh tế trong nước dẫn đến kinh phí phòng, chống HIV/AIDS do Trung ương cấp cho các địa phương cũng bị cắt giảm liên tục trong các năm gần đây, năm sau chỉ bằng 1/3 năm trước. Việc kinh phí bị cắt giảm sẽ có tác động không nhỏ đến hiệu quả của công tác phòng chống HIV/AIDS vùng DTTS và miền núi, khi mà đa phần đồng bào DTTS bị nhiễm HIV đều là những hộ nghèo, nghiện hút lâu năm. Đây cũng là những đối tượng có trình độ hạn chế, ý thức về việc phòng, chống HIV/AIDS cho bản thân và cho cộng đồng chưa cao.

Đọc thêm