Theo Hollywood Reporter, dù là fan trung thành của Marvel và các người hùng thì cũng khó mà biết tới David Maisel, dù ông là một trong các kiến trúc sư trưởng của hãng phim đã biến “Iron Man”, “Thor” và “Ant-Man” thành cỗ máy in tiền đem lại nhiều tỷ đô la.
David Maisel không phải là Kevin Feige – người trở nên nổi tiếng với tư cách động lực sáng tạo chủ chốt đằng sau chuỗi thành công của Marvel, trong đó có “Captain America: Civil War”. Tuy nhiên, Maisel là nhân tố chính trong việc vạch ra và thực hiện kế hoạch biến Marvel Studios từ một hãng phim bán bản quyền nhân vật cho các hãng khác thành một công ty sản xuất thật sự. Cụ thể là trở thành một công ty cung cấp tài chính và nắm quyền kiểm soát về mặt sáng tạo đối với các phim của mình. Khi Maisel gia nhập Marvel năm 2003, hãng được định giá khoảng 400 triệu USD. Sáu năm sau đó, Disney mua lại hãng với giá 4 tỷ USD.
Người lai giữa Peter Pan và Tony Stark
Hiện nay, khi Maisel tung ra bộ phim mới (có thể trở thành loạt phim ăn khách) dựa trên game điện thoại di động “Angry Birds” (ra rạp Mỹ từ ngày 20/5, muộn hơn rạp Việt), ông nhớ lại thương vụ giúp các siêu anh hùng Avengers thống nhất trên màn ảnh rộng. Một giám đốc điều hành hiểu về vai trò của Maisel ở Marvel nhận định: “Ý tưởng Marvel tự làm phim và mô hình tài chính mà hãng theo đuổi hoàn toàn đến từ cái đầu của Maisel. Đó là một trong những mảnh cấu trúc trí tuệ ấn tượng nhất mà tôi từng thấy”, vị giám đốc này nói. Tuy nhiên, một người làm việc gần gũi với Maisel nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Maisel có trí thông minh tài chính tuyệt đỉnh, nhưng trí thông minh cảm xúc là thách thức lớn nhất của anh ấy. Đó có thể là thứ hạn chế anh ấy”.
Một cảnh trong phim “Angry Birds” |
Trong khi đó, Maisel tự nhìn nhận bản thân một cách đậm chất phim ảnh. Ông nói: “Miêu tả tốt nhất về tôi là như mẹ tôi nói. Đó là sự pha trộn giữa Peter Pan và Tony Stark (nhân vật Người sắt). Tôi không giàu có như Tony nhưng tôi thực sự có tình yêu trí tuệ của anh ấy. Tony thích hưởng thụ cuộc sống và Tony độc thân. Độ ngay thơ của tôi cao hơn. Tôi không cố sở hữu một căn phòng theo cách của Tony. Nhưng tôi có nhiều điểm giống Tony”.
Maisel, người rời bỏ Marvel khi hãng được bán cho Disney, kiếm được hàng chục triệu đô la trong thương vụ này. Tuy nhiên, anh chàng độc thân 53 tuổi vẫn sống gần khu mua sắm The Grove, trong một căn hộ 2 phòng ngủ (thuê, không phải sở hữu). Hầu hết những năm tháng đời mình ông sống với mẹ (hiện 89 tuổi). “Tôi không có người quản lý, tôi không có luật sư, tôi không có trợ lý. Đó là một cuộc sống rất khác thường và tôi biết sự khác biệt đó”, Maisel nói.
Chuyển hướng khai thác các nhân vật
Năm 2003, Marvel Studios có ít nhân viên; họ làm việc trong một văn phòng nhỏ trên đại lộ Santa Monica. Họ viết kịch bản cho các hãng phim lớn sản xuất. New Line đã thành công với phim “Blade” năm 1998, Fox hốt bạc nhờ “X-Men” năm 2000 và Sony kiếm bẫm hơn với “Spider-Man” năm 2002. “Bạn không kiếm được nhiều tiền từ việc nhượng quyền phim, nhưng thông thường, bạn được giữ một nửa doanh thu của sản phẩm tiêu dùng”, Maisel nói. Điều đó cho phép Marvel khôi phục sức khỏe tài chính. Mấy năm trước đó, hãng phá sản.
Tuy nhiên, Maisel nói ông biết từ hồi ở Disney rằng, hãng còn nhiều tiềm năng. Vì vậy, ông giúp nhà sản xuất Avi Arad (lãnh đạo Marvel đến năm 2006). Vài năm trước, Arad hợp tác với người bạn Israel Ike Perlmutter giành quyền kiểm soát Marvel Entertainment khi công ty thoát khỏi cảnh phá sản. Năm 2003, báo USA Today miêu tả Arad là “nằm trên đống tiền” sau khi những siêu phẩm đầu tiên ra lò. Arad rất mê và quyết liệt bảo vệ các nhân vật trong phim, phủ quyết một cảnh trong kịch bản “Spider-Man” ban đầu. Đó là cảnh Người nhện chém cổ ai đó. Khi Maisel tiến đến nói rằng mình có thể giúp tăng lợi nhuận của Marvel, Arad sắp xếp để ông gặp Ike Perlmutter – người nổi tiếng hà tiện và sợ báo chí. Tại cuộc gặp này, Maisel nói rằng, ông có thể thương lượng để Marvel có được tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé lớn hơn mức 5% mà hãng đang được hưởng. Ngay sau đó, Maisel được tuyển làm chủ tịch và giám đốc điều hành hoạt động của hãng. Theo Maisel, lúc đó Kevin Feige chỉ là giám đốc điều hành cấp thấp phụ trách nhượng quyền kịch bản cho các hãng phim.
Tự làm phim
Maisel nói rằng, từ lâu ông đã tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Marvel tự làm phim và pha trộn các nhân vật vào trong một phim như truyện tranh vẫn làm. “Làm như thế mỗi phim sẽ trở thành đầu vào cho phim tiếp theo và về cơ bản, sau bộ phim đầu tiên, tất cả sẽ là phần tiếp theo”, Maisel nói. Ông rất ấn tượng với chiến lược của George Lucas đối với phim “Star Wars”. “Nếu chúng ta có thể làm những bộ phim tương tự sản phẩm ăn khách trung bình (của Marvel) từng phát hành, thì Marvel có thể trị giá hàng tỷ đô la”, Maisel nhận định.
Nhiều nhân vật siêu anh hùng tập trung trong “Captain America: Civil War” |
Maisel nói rằng, trọng tâm của hãng là nhượng quyền các nhân vật khác. Theo ông, “càng có nhiều phim càng tốt vì có thêm sản phẩm tiêu dùng để bán”. Ngay sau khi ông bắt đầu kế hoạch để Marvel tự làm phim, hãng đã sẵn sàng nhượng quyền sử dụng Captain America cho Warner Bros. và Thor cho Sony. “Sẽ không có cơ hội để đưa tất cả các nhân vật vào chung một chỗ”, ông nói. Spider-Man đã ở Sony, Iron Man trong tay New Line, người khổng lồ xanh Hulk ở Universal…
Maisel vận động để ngăn cản thương vụ chuyển nhượng Captain America và Thor. Ông nói: “Ike Perlmutter sẽ thách thức lý luận và logic của bạn nhưng ông ấy sẽ lắng nghe và cuối cùng, tôi đã thuyết phục được ông ấy ủng hộ việc tôi cần làm là nỗ lực thành lập xưởng sản xuất phim”. Để chứng minh cho ý tưởng của mình, Maisel nói đã đạt thỏa thuận với hãng Lionsgate để làm phim hoạt hình kinh phí thấp về Iron Man và Avengers. Những phim này sẽ được phát hành qua DVD. Lionsgate cung cấp tài chính cho những phim này để được nhận phí phát hành và một nửa lợi nhuận. “Điều đó cho phép tôi nói với mọi người: Hãy nhìn giá trị sở hữu trí tuệ của chúng ta. Có người trả tất cả các khoản tiền và chúng ta có quyền kiểm soát về mặt sáng tạo và nhận một nửa lợi nhuận”, Maisel nói.
Khi Maisel gây sức ép để Marvel tự làm phim người đóng, Perlmutter và ban lãnh đạo bảo sẽ đồng ý nếu Marvel không phải bỏ ra một xu. Năm sau đó, ông thực hiện kế hoạch theo cách của mình. Tháng 4/2005, Marvel tuyên bố, ngân hàng Merrill Lynch sẽ cung cấp 525 triệu USD và cho phép Marvel làm bất kỳ bộ phim nào với kinh phí không quá 165 triệu USD, miễn là phim được dán mác PG-13 (có một số hình ảnh không thích hợp với trẻ em dưới 13 tuổi). Đồ thế chấp là quyền làm phim với 10 nhân vật, trong đó có Captain America, Shang-Chi, Power Pack… Kế hoạch là làm 4 phim. Marvel sẽ thu phí sản xuất 5% đối với mỗi phim trước khi ngân hàng có thể hòa vốn và giữ quyền nhượng quyền đối với phim và trò chơi điện tử. “Dù có thất bại thì chúng tôi cũng không tệ hại hơn nếu chỉ nhượng quyền nhân vật”, Maisel nói. Marvel phải tìm một hãng để phát hành phim và cam kết chi hàng triệu đô la cho marketing…
Cuối năm 2010, Maisel thấy mẹ chơi Angry Birds trên iPad. Ông liên lạc với Rovio - hãng đứng đằng sau trò chơi nổi tiếng này rồi trình bày ý tưởng làm phim về các chú chim giận dữ chống lại lũ lợn; phim dựa trên mô hình Marvel. Và thế là phim hoạt hình “Angry Birds” ra đời, thu hút nhiều gia đình tới rạp khắp thế giới.../.
“Angry Birds” là bộ phim đầu tiên được phát triển từ game trên smartphone. Kể từ khi được phát hành năm 2009, game này được tải hơn 1 tỷ lượt. Phim có hình ảnh đẹp, nội dung khá hay và hài hước. Có đoạn khiến khán giả, cả nhí và nhớn, cười xoắn ruột một lúc lâu.